Ngành hậu cần không để bị động trước mọi tình huống
Đẩy mạnh tăng gia, cải thiện đời sống
Với diện tích hơn 30 ha, căn cứ hậu cần của Bộ CHQS tỉnh ở xã Bắc Lý (Hiệp Hòa) là khu vực tăng gia tập trung lớn nhất của LLVT tỉnh được quy hoạch từng khu trồng trọt, chăn nuôi, ao thả cá, trồng rừng... Đặc biệt, khu vực chăn nuôi lợn được xây dựng theo hình thức tập trung, quy mô lớn, khép kín, hiện đại.
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lục Ngạn đẩy mạnh tăng gia, đáp ứng nhu cầu rau xanh cho đơn vị. |
Hiện căn cứ duy trì hơn 500 con lợn thịt, 20 con bò cùng gần 5 nghìn con gà, 6 ha ao thả cá kết hợp nuôi thủy cầm. Được đầu tư quy mô, bài bản nên nhiều năm liền, căn cứ hậu cần không để xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ngay cả khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở nhiều địa phương.
Ở các đầu mối trực thuộc Bộ CHQS tỉnh, hoạt động tăng gia sản xuất cũng phát huy hiệu quả, các đơn vị đều quy hoạch hệ thống chuồng trại, vườn rau trong nhà lưới… Việc áp dụng kỹ thuật mới trong tăng gia sản xuất được thực hiện tại nhiều đơn vị đầu mối. Điển hình như hệ thống lưới, màng ngăn mưa được áp dụng tại Ban CHQS huyện Tân Yên giúp ngăn chặn côn trùng, nước mưa không làm dập lá, nát cây.
Phương pháp ủ phân bón vi sinh, phân hữu cơ trộn với đất canh tác tại Ban CHQS huyện Lạng Giang giúp đất sạch, không lây truyền mầm bệnh cho rau, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, tạo nguồn thực phẩm an toàn. Kỹ thuật nuôi gà thả vườn kiểu mới được Ban CHQS huyện Yên Thế áp dụng đúng kỹ thuật như: Chọn vị trí nuôi ở nơi có đất trống, nhiều bóng râm; trong chuồng luôn có cỏ xanh làm thức ăn cho gà; khu vực chăn nuôi không để tồn rác thải, nước đọng; thức ăn kết hợp với các loại nguyên liệu khác như cám, cơm, rau xanh để tăng thêm chất dinh dưỡng, gà lớn nhanh, chắc xương hơn.
Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Bắc Dũng, Chủ nhiệm Hậu cần (Bộ CHQS tỉnh) được biết, những năm qua, ngành hậu cần đã thực hiện nhiều chủ trương và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tăng gia. Các đơn vị huy động nguồn lực để đầu tư, mở rộng khu tăng gia theo hệ thống liên hoàn, cơ cấu rau trồng đa dạng về chủng loại, chú trọng xen canh gối vụ.
Kết hợp với các hoạt động dịch vụ khác, giá trị tăng gia sản xuất bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 1,35 triệu đồng/người/năm (tăng 100 nghìn đồng so với nhiệm kỳ trước). Qua đó không chỉ giúp tự túc được thực phẩm cho bữa ăn bộ đội mà còn cung cấp ra thị trường. Từ hoạt động tăng gia đã mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng để đầu tư, mở rộng sản xuất, bảo dưỡng trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp cảnh quan đơn vị, cải thiện đời sống bộ đội.
Nhằm bảo đảm sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, ngành hậu cần còn thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng “Bệnh xá văn hóa”, “Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác Hồ dạy”... Cùng với cử y, bác sĩ tham gia các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức, học tập kinh nghiệm tại Bệnh viện Quân y 110, đơn vị khuyến khích y, bác sĩ tự học, thực hiện phương châm “cấp trên bồi dưỡng cấp dưới”, “người giỏi chuyên môn bồi dưỡng người mới vào nghề”.
Giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ quân số khỏe của Bộ CHQS tỉnh đạt 99,8%. 100% doanh trại của các đơn vị đầu mối được đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng với đầy đủ khu làm việc, nghỉ ngơi, tăng gia, huấn luyện thể lực… giúp bộ đội yên tâm công tác.
Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Những tháng đầu năm 2020, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần LLVT tỉnh đã “gồng mình” phòng, chống dịch Covid-19. Thượng tá Chu Văn Đại, Chính ủy Trung đoàn 831 (Bộ CHQS tỉnh)- đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý trung tâm cách ly của tỉnh chia sẻ: “Dù cán bộ, chiến sĩ đã được quán triệt trước, tất cả ở tâm thế sẵn sàng nhưng khi bắt tay vào thực hiện, chúng tôi mới thấy công tác hậu cần thực sự vất vả. Đơn vị phải chuẩn bị chỗ ở cho cả nghìn người đến chăm sóc bữa ăn.
Điển hình như ăn uống, có cả trăm người nước ngoài, ngay cả người trong nước cũng đến từ nhiều vùng miền khác nhau, lại có cả trẻ em, người già nên việc mỗi ngày một thực đơn, hợp khẩu vị của từng người đã là cả vấn đề. Trong khi tổ phục vụ chỉ có hơn 10 cán bộ, chiến sĩ nên ngày nào cũng phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị. Vất vả là vậy nhưng không ai phàn nàn bởi chúng tôi hiểu, ở đây vất vả một thì bộ đội ở biên giới, hải đảo vất vả mười, tất cả đều nỗ lực vì cuộc sống bình yên của người dân”.
Tổng hợp của Trung đoàn 831, đến đầu tháng 7, đơn vị đã tiếp nhận khoảng 2 nghìn người tại trung tâm cách ly và bảo đảm tốt đời sống cho họ. Cùng với Trung đoàn 831, tại các huyện, TP, LLVT cũng tham gia tiếp nhận, chăm sóc người dân tại các khu cách ly. Sự chủ động, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ ở các khu cách ly đã làm đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, góp phần xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, cơ quan hậu cần Bộ CHQS tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác dạy”; chỉ đạo các đơn vị quan tâm nhân rộng mô hình tăng gia sản xuất tập trung gắn với áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, giá trị. Riêng tại căn cứ hậu cần, đơn vị đang phối hợp với Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang nghiên cứu thay thế một số loại cây, con giống năng suất thấp bằng các cây, con “đặc sản”.
Từ đó, tạo nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm đời sống bộ đội. Tiếp tục quán triệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, phát huy truyền thống, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Quan tâm công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo.
Việt Anh
Ý kiến bạn đọc (0)