Ngăn chặn nguy cơ cháy nổ tại các khu, cụm công nghiệp
BẮC GIANG - Các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều doanh nghiệp (DN) có quy mô sản xuất lớn, thu hút hàng trăm nghìn lao động làm việc kéo theo nhiều nguy cơ cháy nổ. Nếu mỗi DN, người lao động không nêu cao trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) thì “bà hỏa” có thể "hỏi thăm" bất cứ lúc nào.
Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 9 khu công nghiệp (KCN) đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng trong đó có 6 KCN đang hoạt động (Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung, Hòa Phú, Việt Hàn) và 38 CCN đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động. Với phương châm: “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, theo đánh giá của UBND tỉnh, các chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN cơ bản đều đầu tư kinh phí, trang thiết bị, phương tiện PCCC, thành lập và duy trì hoạt động của đội PCCC chuyên ngành; đầu tư hệ thống cấp nước, giao thông phục vụ chữa cháy; tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, thực tập phương án chữa cháy…
Hệ thống thiết bị PCCC tại Công ty TNHH Fukang Technology, KCN Quang Châu (Việt Yên). |
Việc trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC tại chỗ đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý những đám cháy ngay từ khi mới phát sinh. Vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh tiến hành khảo sát tại một số DN như: Công ty TNHH Fukang Technology, Công ty TNHH Crystal Martin (KCN Quang Châu)… đều ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực đầu tư cho hệ thống PCCC tại DN khá đồng bộ, hiện đại. Ngoài trang bị hệ thống camera giám sát theo dõi 24/24 giờ đối với các thiết bị, khu vực có nguy cơ cháy, nổ, các DN đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ như hệ thống chữa cháy cố định tại các trạm sản xuất và toàn khu vực, cùng các thiết bị chữa cháy tại chỗ được lắp đặt đầy đủ.
Tìm hiểu tại Công ty cổ phần Thép Việt Úc (CCN Nội Hoàng, Yên Dũng) chuyên xây dựng nhà xưởng cho thuê. Hiện công ty cho 13 DN và 19 hộ gia đình thuê để làm văn phòng và địa điểm kinh doanh. Tổng số DN, nhà đầu tư thứ cấp đang hoạt động trong CCN Nội Hoàng là 77 đơn vị. Công ty được đánh giá là có hệ thống PCCC khá hiện đại, có đầy đủ hệ thống trạm bơm cấp nước chữa cháy, đường ống cấp nước, van vòi. Đường dây điện, trạm biến áp, bảng điện, tủ điện thường xuyên được kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các điểm tiếp xúc kém, ngăn ngừa phát sinh nguồn nhiệt, nguồn lửa.
Công ty cũng trang bị hệ thống chống sét, đo điện trở tiếp địa hệ thống chống sét nhà xưởng. Trang bị hệ thống chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn. Vật tư phương tiện được sắp xếp gọn gàng, không lấn chiếm lối đi, lối thoát hiểm; lòng đường thông thoáng, thuận lợi cho các phương tiện di chuyển nếu xảy ra sự cố cháy nổ. Đội PCCC của công ty có 5 thành viên thường xuyên được tập huấn, trang bị kiến thức theo quy định. Nhiều năm qua công ty không xảy ra cháy nổ.
Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy cũng còn một số DN chưa bảo đảm theo quy định, đặt nặng mục tiêu kinh tế, ít trang bị, bảo dưỡng định kỳ hệ thống, thiết bị PCCC dẫn đến chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Hiện có 3 KCN (Việt Hàn, Đình Trám, Vân Trung 2) chưa trang bị xe chữa cháy và thành lập đội PCCC chuyên ngành. KCN Song Khê - Nội Hoàng khu phía Nam đã đi vào hoạt động tuy nhiên chưa bảo đảm về nguồn nước phục vụ chữa cháy. Được biết, KCN này đã bị xử lý vi phạm hành chính từ năm 2020 nhưng đến nay chưa được khắc phục, hệ thống cấp nước PCCC chưa có.
Còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ
Dù có hệ thống trang thiết bị, cơ sở hạ tầng được đầu tư hiện đại đến mấy nhưng ý thức tuân thủ pháp luật về PCCC của người lao động và người đứng đầu các DN còn chủ quan, không nêu cao tinh thần trách nhiệm thì “bà hỏa” có thể “hỏi thăm” bất cứ lúc nào. Thực tế cho thấy, một số DN thực hiện công tác PCCC mang tính đối phó, xem nhẹ nguyên tắc “4 tại chỗ”. Có chủ DN chưa nắm rõ quy định của pháp luật về PCCC, không tự đánh giá được DN đã đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật hay chưa? Công tác tuyên truyền về PCCC vẫn chưa bao phủ hết toàn bộ các loại hình cơ sở trong các khu, CCN; chưa có tài liệu tuyên truyền cho người nước ngoài đến làm việc tại đây.
Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Nội dung huấn luyện đôi khi chưa phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở; nội dung huấn luyện mới chú trọng nhiều vào lý thuyết, chưa quan tâm nhiều đến kỹ năng PCCC. Việc bố trí, sắp xếp, bảo quản hàng hóa, vật tư… còn lấn chiếm lối đi phục vụ cho hoạt động PCCC.
Mới đây HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát công tác PCCC tại các khu, CCN. Qua khảo sát thực tế, Thường trực HĐND tỉnh đánh giá vẫn còn biểu hiện hình thức trong thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC. Nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cũng như có khả năng làm cản trở công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (nếu xảy ra sự cố cháy, nổ) chưa được một số DN khắc phục, mặc dù đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, chỉ rõ.
Đơn cử như vụ cháy tại khu lán trại của công nhân trong KCN Quang Châu (Việt Yên) vào đêm 26/10/2023 làm một người chết và thiệt hại nhiều tài sản. Trong vụ này, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện vi phạm từ tháng 6/2023, đã nhiều lần yêu cầu đơn vị thi công dự án chấm dứt vi phạm, không được để công nhân lưu trú trong lán trại thuộc KCN nhưng đơn vị không chấp hành nghiêm. Các cơ quan chức năng thiếu sát sao trong kiểm tra, đôn đốc thực hiện...
Trước thực tế này, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo, yêu cầu tăng cường công tác PCCC trong các khu, CCN. Công an tỉnh với vai trò nòng cốt tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, huy động sự vào cuộc củacả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia. Chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND huyện, thị xã, TP đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến DN, công nhân, người lao động kiến thức, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn.
Thực hiện tốt công tác quản lý về PCCC, tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các công ty quản lý hạ tầng, các DN hoạt động, sản xuất trong khu, CCN; kiên quyết xử lý các trường hợp, cơ sở vi phạm; không để tình trạng hoạt động khi không đủ điều kiện an toàn về PCCC. Triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công tác theo dõi tiến độ và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác PCCC, quá trình thi công các dự án trong khu, CCN.
Sở Công Thương chủ trì tham mưu thực hiện các giải pháp để hạn chế tối đa các nguyên nhân gây cháy nổ do sự cố về điện; hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác an toàn điện, sử dụng điện đối với các DN trong các khu, CCN...
Ý kiến bạn đọc (0)