Nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều
BẮC GIANG - Sáng 10/4, đồng chí Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Tân Yên về công tác sản xuất và chuẩn bị các điều kiện phục vụ xúc tiến, tiêu thụ vải thiều năm 2025. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, UBND huyện Tân Yên.
Những tín hiệu tích cực
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND huyện Tân Yên báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất và kế hoạch tiêu thụ vải thiều năm 2025 trên địa bàn huyện. Nhìn chung, thời tiết cuối năm 2024, đầu năm 2025 thuận lợi cho vải thiều sinh trưởng, phát triển. Tỷ lệ vải thiều ra hoa đạt hơn 95%. Tính đến ngày 9/4, tỷ lệ đậu quả đạt hơn 85% diện tích. Thời gian ra hoa, đậu quả năm nay muộn hơn so với năm ngoái khoảng 7-10 ngày.
![]() |
Đồng chí Phạm Văn Thịnh cùng đoàn công tác thăm mô hình sản xuất vải thiều ở xã Phúc Hòa. |
Tổng diện tích vải thiều 1.375 ha, sản lượng ước đạt 15,5 nghìn tấn (ước tăng 500 tấn so với năm 2024), trong đó, diện tích vải thiều sớm 1.250 ha, sản lượng ước đạt 15 nghìn tấn; diện tích vải thiều chính vụ là 125 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn. Diện tích vải thiều đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 455 ha.
Huyện triển khai xây dựng mới 6 vùng sản xuất vải thiều sớm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với diện tích 50 ha tại các thôn Phúc Lễ, Lân Thịnh, Quất Du 2 (xã Phúc Hòa) để phục vụ xuất khẩu. Chỉ đạo quản lý, giám sát chặt chẽ đối với 33 mã vùng với tổng diện tích 1.036 ha phục vụ xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, Úc. Trên địa bàn huyện có 3 hợp tác xã sản xuất, liên kết tiêu thụ và hơn 50 tổ, nhóm sản xuất vải thiều.
UBND huyện đã xây dựng kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2025, triển khai cụ thể từng nội dung, nhiệm vụ, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan.
![]() |
Vải thiều ở xã Phúc Hòa đang thời kỳ đậu quả. |
Năm 2025, dự báo tình hình tiêu thụ vải thiều thuận lợi, thời gian vải thiều chín và bắt đầu thu hoạch từ ngày 25/5, kết thúc vụ vào khoảng giữa tháng 6. Tổng sản lượng vải thiều được tiêu thụ khoảng 15,5 nghìn tấn. Sản lượng tiêu thụ nội địa khoảng 3,5 nghìn tấn. Sản lượng xuất khẩu 12 nghìn tấn, tăng 1 nghìn tấn so với năm 2024, riêng thị trường Trung Quốc khoảng 9,5 nghìn tấn, số còn lại xuất khẩu sang một số thị trường khác, như: Mỹ, Nhật, EU, Thái Lan...
Hiện đã có nhiều doanh nghiệp, thương nhân tìm hiểu, ký kết hợp tác liên kết, giám sát tiêu thụ vải thiều tại huyện. Hiện có 2 doanh nghiệp lớn là Công ty cổ phần Mova Plus, Công ty cổ phần Dragon Bery 4 đến khảo sát, ký kết hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ vải thiều xuất khẩu trên địa bàn với sản lượng 700 tấn, giá 35 nghìn đồng/kg.
Tăng cường liên kết, hỗ trợ sản xuất, xúc tiến tiêu thụ
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Công Thương trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác chỉ đạo sản xuất, chăm sóc, thu hái; bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; phương pháp bảo quản, sơ chế, đóng gói; công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát, quản lý các mã số vùng trồng; hoạt động xúc tiến, tiêu thụ…
![]() |
Quang cảnh buổi làm việc. |
Trên cơ sở báo cáo, các ý kiến thảo luận của lãnh đạo các sở và chính quyền địa phương, kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Thịnh đề nghị UBND huyện Tân Yên và các đơn vị liên quan bám sát diễn biến thời tiết để chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ dân trồng vải thực hiện tốt và tuân thủ quy trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tăng cường quản lý, giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói. Rà soát, cập nhật việc thực hiện quy định tại các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vải thiều phục vụ xuất khẩu, cùng với các sở, đơn vị liên quan nghiên cứu những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong việc liên kết các hộ sản xuất, thành lập các hội, tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện để cùng hợp tác, chia sẻ kỹ thuật canh tác; làm tốt công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều.
Để hỗ trợ huyện Tân Yên nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng chí đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường chú trọng dự báo tình hình sâu bệnh, hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác, chăm sóc vải thiều theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước, đặc biệt là các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…
Tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá, giám sát, quản lý tất cả các mã số vùng trồng hiện có; xây dựng kế hoạch phát triển, mở rộng mã số vùng trồng mới phục vụ xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng. Tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, doanh nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ bảo quản, sơ chế, đóng gói phù hợp với yêu cầu của thị trường, giảm tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch.
Sở Công Thương và Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt kế hoạch của UBND tỉnh về xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP năm 2025.
![]() |
Lãnh đạo UBND huyện Tân Yên phát biểu tại buổi làm việc. |
Chủ trì tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh các văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương các tỉnh, thành phố; các cơ quan ngoại giao, kinh tế, thương mại của Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục quan tâm hỗ trợ Bắc Giang trong hoạt động xúc tiến tiêu thụ, mời gọi, kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp, thương nhân có kinh nghiệm, uy tín về kinh doanh tiêu thụ nông sản đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, ký kết, thu mua, tiêu thụ vải thiều.
Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trước mắt, mở gian hàng vải thiều Bắc Giang trên một số sàn thương mại điện tử có thương hiệu, uy tín để doanh nghiệp, người tiêu dùng tiếp cận. Phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh tập trung tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm…
Trong chương trình làm việc, đồng chí Phạm Văn Thịnh cùng đoàn công tác và lãnh đạo UBND huyện Tân Yên thăm một số mô hình sản xuất vải thiều tại xã Phúc Hòa.
Ý kiến bạn đọc (0)