Mất an toàn khi thay đổi kết cấu xe máy điện
BẮC GIANG - Hiện nay, một bộ phận thiếu niên, học sinh vì muốn thể hiện bản thân, trải nghiệm cảm giác phóng xe tốc độ cao đã mua phụ tùng, pin… để “độ, chế” cho xe máy điện. Những chiếc xe bị thay đổi kết cấu dễ gây nguy hiểm cho người điều khiển, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Trong khu vực giữ tang vật vi phạm của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh không thiếu những chiếc xe máy điện có ngoại hình khác biệt. Đa số đã bị thay đổi về lốp, càng xe, đèn chiếu sáng, hệ thống phanh, pin, động cơ… Nhiều chiếc trong số này không đăng ký, không biển số, không rõ nhãn hiệu nên dù bị thu giữ từ lâu nhưng chủ xe không đến nhận, có khả năng sẽ bị thanh lý trong thời gian tới.
![]() |
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra xe máy điện bị thay đổi kết cấu. |
Trao đổi với anh L.V.T - một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh, sửa chữa xe máy điện trên đường Giáp Hải, phường Xương Giang (thành phố Bắc Giang) được biết, gần đây nhiều học sinh, thanh thiếu niên đến hỏi về cách lắp thêm pin, ắc-quy, thay bộ biến tốc… với mục đích để tăng tốc độ xe. Thậm chí có trường hợp còn đề nghị anh “độ” cho xe thêm “ngầu”, chạy nhanh hơn, bốc hơn. “Với những trường hợp đó, tôi đều khuyên các cháu không nên thay đổi thiết kế kỹ thuật của xe vì ảnh hưởng đến độ bền phương tiện, gây nguy hiểm. Có lần tôi đã trao đổi với phụ huynh của các cháu để ngăn chặn ý định “độ, chế” xe vì tôi biết nếu làm theo yêu cầu, người điều khiển rất dễ gặp tai nạn”, anh T nói.
Theo Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT, ngày 29/8/2019 của Bộ Giao thông - Vận tải (nay là Bộ Xây dựng), xe máy điện, được xem như xe gắn máy, khi tham gia giao thông phải tuân thủ quy định về tốc độ tối đa không quá 40 km/h. Quy định này áp dụng cho tất cả các loại xe gắn máy, bao gồm cả xe máy điện, khi lưu thông trên các tuyến đường bộ. Thực tế, các nhà sản xuất xe máy điện, xe đạp điện cũng giới hạn tốc độ của các sản phẩm để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, nhiều người, nhất là thanh thiếu niên, học sinh khi mua xe về lại tìm cách “kích tốc”, tăng tốc độ cho xe, gắn thêm nhiều phụ kiện, làm thay đổi thiết kế, kết cấu ban đầu.
Chỉ cần lên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok… có thể dễ dàng vào được các hội nhóm hướng dẫn chi tiết “độ” xe, trao đổi, mua bán linh kiện. Đa số các tài khoản tham gia nhóm đều là các em trong độ tuổi “teen”, nhiều em chụp ảnh khoe chiếc xe sau khi đã “chế” theo kiểu quái dị. Một thành viên tên V.T chụp nhiều ảnh xe máy điện “độ” ở khu vực huyện Tân Yên thường xuyên lên mạng để giao lưu, trao đổi. Tìm cách liên lạc với V.T, chúng tôi được biết em thường xuyên tự tin khoe những chiếc xe được thay đổi càng sau, khung xe, nguy hiểm nhất là thay đổi bộ điều tốc, động cơ để có công suất lớn, mạnh hơn cho mọi người trong nhóm cùng bình luận, thỏa thuận giá cả.
![]() |
Những chiếc xe máy điện không có giấy tờ, được “độ, chế” dẫn tới mất an toàn, bị lực lượng cảnh sát giao thông thu giữ. |
Để có một chiếc xe “độ” vừa ý, người chơi có thể chi vài triệu đồng, cá biệt có trường hợp chi hàng chục triệu đồng. Nếu có lãi hoặc muốn đổi xe khác, V.T không ngần ngại mua bán, trao đổi. Theo V.T, đi những xe đã được “độ, chế” phải xác định lúc nào cũng có thể bị cảnh sát giao thông xử lý, giữ phương tiện, nhiều xe không đủ điều kiện đăng ký nên không có biển số, giấy tờ liên quan. Dù biết như vậy nhưng V.T và những người có cùng “đam mê” vẫn cố tình sử dụng, lưu thông hằng ngày bằng những chiếc xe này.
Chỉ trong một ca trực của tổ công tác Phòng Cảnh sát giao thông trên địa bàn thành phố Bắc Giang, các cán bộ, chiến sĩ đã phát hiện một số trường hợp học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện vi phạm. Đơn cử như trường hợp H.Đ.Q (sinh năm 2008) ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) điều khiển xe máy điện trên một tuyến đường thuộc phường Dĩnh Kế không đội mũ bảo hiểm. Kiểm tra kỹ hơn thấy Q không mang theo đăng ký xe, chiếc xe đã bị Q tháo gương chiếu hậu, lắp thêm một số phụ kiện không có trong thiết kế. Với vi phạm như vậy, tổ công tác đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện của Q.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh đã xử lý hơn 540 trường hợp học sinh, thanh, thiếu niên vi phạm không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, trong đó có nhiều trường hợp đi xe máy điện thay đổi kết cấu, kỹ thuật, không có giấy tờ. |
Được biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh đã xử lý hơn 540 trường hợp học sinh, thanh, thiếu niên vi phạm không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, trong đó có nhiều trường hợp đi xe máy điện thay đổi kết cấu, kỹ thuật, không có giấy tờ. Không chỉ xử lý người vi phạm, lực lượng công an còn lập biên bản xử lý phụ huynh, người giám hộ của các em vì giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, tình trạng này xuất phát từ tâm lý đua đòi, muốn thể hiện, thích cảm giác mạnh khi đi xe tốc độ cao của học sinh, thanh thiếu niên. Cùng với đó là việc quản lý lỏng lẻo, dễ dãi của gia đình, phụ huynh. Nhiều người khi được gọi làm việc với cơ quan công an thú nhận không biết con em làm gì, đi đâu.
Những chiếc xe đã bị thay đổi kết cấu không còn bảo đảm an toàn về mặt kỹ thuật, kết hợp với việc các em thiếu kỹ năng xử lý, đi xe tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, dàn hàng ngang nên nguy cơ xảy ra tai nạn rất lớn. Do đó, lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục phối hợp với các nhà trường, cơ sở giáo dục, các đoàn thể tuyên truyền, khuyến cáo đến học sinh, thanh thiếu niên và phụ huynh, các gia đình, giúp các em nhận thức được thay đổi kết cấu xe đạp điện, xe máy điện không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đặt chính bản thân người điều khiển và những người xung quanh vào tình huống nguy hiểm. Đồng thời, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng xe đạp điện, xe máy điện “độ, chế” khi tham gia giao thông, kiên quyết thu giữ, không để loại xe này lưu thông.
Những xe máy điện tự lắp ráp, độ chế, không giấy tờ bị Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bắc Giang thu giữ.
Ý kiến bạn đọc (0)