Hồi ức của những chiến sĩ trong nhà tù Phú Quốc
BẮC GIANG - Trong những năm tháng chiến tranh, nhà tù Phú Quốc từng là “địa ngục trần gian”, nơi quân thù giam cầm, đày đọa hàng nghìn chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Dù ở hoàn cảnh nào, họ vẫn giữ vững khí tiết, biến nơi ngục tù thành trường học cách mạng, nuôi dưỡng ý chí đấu tranh. Qua hồi ức của các chiến sĩ bị tù đày, chúng ta thấu hiểu hơn về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.
Nơi thử thách ý chí cách mạng
Nhắc đến nhà tù Phú Quốc, người ta không thể quên những hình phạt man rợ như đóng đinh vào vai, đùi gối, chôn sống, nhốt tù nhân trong thùng phi phơi nắng hay dùng thanh gỗ đóng vào hàm răng các tù binh cách mạng yêu nước... Đây là nơi giam cầm gần 40 nghìn lượt tù binh cách mạng và cũng là nơi thấm đẫm máu đào của gần 4 nghìn liệt sĩ bị địch sát hại. Chia sẻ với chúng tôi về hình thức tra tấn của địch trong nhà tù Phú Quốc, thương binh 83% Giáp Văn Mạo (sinh năm 1946), tổ dân phố 34, phường Song Mai (thành phố Bắc Giang) kể lại: "Chúng nhốt tôi vào thùng phi rồi phơi ngoài trời nắng, đồng thời dùng gậy đập vào thùng phi khiến tôi choáng váng. Khi tra khảo không được, chúng đã dùng thanh gỗ đóng vào hàm làm tôi gãy 4 chiếc răng”.
![]() |
Thương binh Hoàng Văn Thư chia sẻ về những kỷ niệm trong nhà tù Phú Quốc. |
Được biết, ông Mạo nhập ngũ năm 1967, huấn luyện tại Trung đoàn 568 (đóng quân tại Bắc Giang), sau đó tham gia Tiểu đoàn đặc công thuộc Thành đội Huế, chiến đấu tại chiến trường Bình - Trị - Thiên. Năm 1971, khi thực hiện nhiệm vụ đón đoàn cán bộ cấp cao về Huế, ông bị địch phát hiện, chúng cho nổ mìn chặn đường rút lui tại cầu An Cựu khiến ông bị thương nặng, ngất đi. Sau 8 ngày bị bắt ông mới tỉnh lại. Chúng giam ông ở nhiều nơi, liên tục tra tấn lấy lời khai nhưng không có kết quả nên đã cắt cụt cả hai chân của ông và đưa về nhà tù Phú Quốc cuối năm 1971.
Vì bị thương nặng nên ông Mạo không có khả năng đi lại. Trong khi đó, điều kiện sống tại nhà tù Phú Quốc rất khắc nghiệt. Hàng nghìn tù nhân phải chia nhau nguồn nước ít ỏi. Để tồn tại, ông Mạo cùng đồng đội dùng nhiều cách để có nước ngọt như đập võng cửa sổ tạo máng hứng từng giọt sương; đào hố lót mảnh nilon ở dưới hứng nước mưa. Bị tra tấn dã man, cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng ngọn lửa cách mạng trong nhà tù Phú Quốc chưa bao giờ tắt. Các chiến sĩ trong nhà tù đa số là thương binh, nhiều người là thương binh nặng, phải nhờ đồng đội chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Với tinh thần đoàn kết, những chiến sĩ bị thương nhẹ, còn sức lực thì làm việc nặng thay đồng đội bị thương nặng.
Cùng bị giam tại nhà tù Phú Quốc, thương binh 81% Hoàng Văn Thư (sinh năm 1949), tổ dân phố số 3, thị trấn Kép (Lạng Giang) là một huyền thoại khác. Nhập ngũ năm 18 tuổi, ông bị thương nặng, vỡ xương gò má trái, mất một mắt trong trận đánh tại ấp An Lỗ, xã Quảng Điền (thành phố Huế) năm 1970. Sau khi bị thương, ông hôn mê 5 ngày. Khi tỉnh dậy thì bị địch giam trong đồn Mang Cá, rồi bị chuyển qua nhiều nhà tù trước khi tới nhà tù Phú Quốc đầu năm 1972. Tại đây, ông Thư tích cực tham gia phong trào tuyệt thực phản đối chế độ hà khắc của địch. Sau 5 ngày tuyệt thực, nhiều đồng chí ngất xỉu nhưng họ vẫn kiên quyết đòi cải thiện điều kiện sống. “Trước tình thế đó, cai tù đã nhiều lần đàn áp, mỗi lần như vậy, đồng đội yếu hơn được chúng tôi đẩy vào bên trong, những người khỏe sẽ nhận đòn thay", giọng ông Thư nghẹn lại khi nhớ về sự đoàn kết ấy.
Trường học giữa chốn ngục tù
Trong nhà tù, cuộc sống của nhiều chiến sĩ cách mạng bị thương nặng phụ thuộc hoàn toàn vào đồng đội. Không thể tự di chuyển, ông Giáp Văn Mạo vẫn tìm cách đóng góp bằng việc tham gia lớp dạy học cho các chiến sĩ khác. Không sách vở, không bút viết, các chiến sĩ đã sáng tạo để có thể học tập, nâng cao trình độ, bản lĩnh cách mạng. Trong đó, cách viết chữ nổi là một sáng tạo đặc biệt. Họ dùng xà phòng hoặc mỡ từ quả pin (địch dùng xong vứt bỏ) bôi lên bìa cứng, phủ ni-lông lên trên, rồi dùng que nhọn viết chữ.
Khi địch kiểm tra, chỉ cần nhấc túi ni-lông lên, chữ sẽ biến mất. Phương pháp này nhằm tránh sự giám sát của địch. Cứ như vậy, người biết chữ dạy lại cho người chưa thông thạo. Các tiết học Lịch sử, văn học do ông Mạo phụ trách, môn Toán do ông Thư giảng dạy. “Những trang giáo án” với những bài học đặc biệt này giúp các chiến sĩ hiểu về lịch sử, văn hóa và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nâng cao kiến thức các môn khoa học tự nhiên. “Học tập là vũ khí để chiến sĩ cách mạng trong nhà tù giữ vững tinh thần”, ông Thư khẳng định.
Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, nhiều chiến sĩ trong nhà tù Phú Quốc được trao trả. Ông Giáp Văn Mạo và ông Hoàng Văn Thư trở về quê hương học tập, lao động, công tác, luôn nhớ về một thời máu lửa. Những câu chuyện của họ không chỉ là hồi ức cá nhân mà còn là bản anh hùng ca về ý chí kiên cường. Dù bị tra tấn, họ vẫn giữ vững khí tiết, biến nhà tù thành pháo đài tinh thần. Như lời ông Mạo: "Chúng có thể cướp đi tự do, nhưng không thể dập tắt niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ". Đó chính là di sản quý giá nhất, bài học về lòng yêu nước và sức mạnh đoàn kết để các thế hệ hôm nay tiếp bước.
Hơn nửa thế kỷ đã qua, những người lính năm xưa giờ tóc đã bạc. Nhưng ký ức về nhà tù Phú Quốc, về đồng đội đã ngã xuống vẫn nguyên vẹn trong họ. Mỗi câu chuyện là lời nhắc nhở thế hệ trẻ về giá trị của hòa bình, về sự hy sinh thầm lặng để có được ngày hôm nay. Như những bông hoa vươn lên từ đá, tinh thần ấy mãi tỏa sáng, trường tồn cùng dân tộc.
Ý kiến bạn đọc (0)