Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang: Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động làm việc tại Hàn Quốc
BẮC GIANG - Thời gian qua, kết quả đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo Chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo quy định của Luật Việc làm Hàn Quốc) đã mở ra cơ hội việc làm ổn định với thu nhập cao cho hàng nghìn lao động Bắc Giang. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động.
Việc làm ổn định, cải thiện đời sống
Những năm gần đây, bên cạnh các thị trường truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, ngành chức năng tập trung khai thác các thị trường uy tín, thu nhập cao, trong đó trọng điểm là Hàn Quốc. Lao động muốn làm việc tại những quốc gia có môi trường tốt, thu nhập cao thì phải đáp ứng đủ những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, kỹ năng nghề và kỷ luật làm việc mà nhà tuyển dụng đặt ra.
![]() |
Lớp dạy tiếng Hàn Quốc theo Chương trình EPS do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. |
Hầu hết lao động đã đến Hàn Quốc theo Chương trình EPS đều có việc làm ổn định, thu nhập tốt, cuộc sống cải thiện đáng kể. Điển hình như chị La Thị Duyên (sinh năm 1997), xã An Bá (Sơn Động). Sau gần 5 năm (2019-2023) làm việc tại Hàn Quốc, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng số tiền tiết kiệm của chị đủ để trang trải khoản nợ ban đầu khi làm thủ tục xuất cảnh và sửa chữa ngôi nhà cho bố mẹ. Với kinh nghiệm và vốn ngoại ngữ sẵn có, chị Duyên tiếp tục tham gia và vượt qua kỳ thi tiếng Hàn giữa năm 2024. Được doanh nghiệp lựa chọn, cuối năm 2024, chị đã xuất cảnh, tiếp tục hợp đồng làm việc 5 năm tại quốc gia này.
Kết nối qua zalo, chị Duyên chia sẻ: “Hiện tôi làm việc tại một công ty chuyên đóng gói thực phẩm. Bình quân mỗi tháng, trừ tất cả chi phí, tôi gửi về gia đình được hơn 30 triệu đồng. Nếu thuận lợi thì hết 5 năm theo hợp đồng lao động, số tiền tích lũy được tôi dự định để xây căn nhà mới khang trang hơn và dành một phần vốn làm ăn lâu dài”.
Hầu hết các gia đình có người đi lao động ở Hàn Quốc, đời sống được cải thiện đáng kể. Như trường hợp anh Nguyễn Trung Kiên (sinh năm 2001), ở xã Xương Lâm (Lạng Giang), trước đây, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Anh cho biết: “Qua tìm hiểu thấy thị trường lao động ở Hàn Quốc khá hấp dẫn nên khi học xong cao đẳng, tôi quyết định xuất ngoại để làm việc. Với vốn ngoại ngữ, kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, tôi tin rằng mình sẽ tìm được việc làm phù hợp trong nước sau khi hết thời hạn 5 năm hợp đồng”. Được biết, anh Kiên xuất cảnh đầu năm 2022. Đến nay, với công việc ngành xây dựng phù hợp với sức khỏe, đều đặn mỗi tháng, anh tiết kiệm được khoảng 35 triệu đồng, giúp cải thiện kinh tế gia đình.
Chú trọng thông tin, tư vấn
EPS là chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, có hiệu lực từ năm 2004. Khi đáp ứng đủ điều kiện để tham gia làm việc tại đây, người lao động sẽ được pháp luật Hàn Quốc bảo vệ và được hưởng những quyền lợi cơ bản bình đẳng như lao động sở tại. Hiện nay, thống kê sơ bộ, tỉnh Bắc Giang có gần 2 nghìn lao động đang làm việc tại Hàn Quốc với thu nhập bình quân mỗi tháng đạt từ 40-50 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, có khoảng 200-300 người xuất cảnh sang thị trường này.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển chọn lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS là 3,3 nghìn người. Trong đó, ngành sản xuất chế tạo 3 nghìn người, còn lại là ngành nông nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh vừa tiếp nhận hồ sơ của 709 lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn Quốc; chuyển về Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) để tổ chức kỳ thi ngành sản xuất chế tạo và ngành nông nghiệp tại Hà Nội. Nếu đạt yêu cầu của vòng thi tiếng Hàn Quốc, người lao động sẽ trải qua vòng kiểm tra tay nghề (dự kiến diễn ra từ ngày 28/7-1/8). |
Đánh giá của ngành chức năng, dù giai đoạn “vàng” (2010-2015) đã qua với số người làm việc tại Hàn Quốc giảm dần qua các năm song chất lượng, trình độ lao động và mức thu nhập tăng lên đáng kể. EPS là chương trình trọng điểm mà tỉnh hướng đến trong công tác giải quyết việc làm qua kênh xuất khẩu lao động. Hằng năm, lượng kiều hối do lao động gửi về góp phần quan trọng để giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Lao động Việt Nam được các cơ quan tiếp nhận của Hàn Quốc đánh giá cao bởi sự cần cù, khéo léo, tiếp thu nhanh các kỹ năng trong công việc.
Từ tháng 3 năm nay, Sở Nội vụ giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh liên hệ trực tiếp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) chủ động nắm bắt thông tin liên quan đến Chương trình EPS. Để tạo điều kiện cho lao động tiếp cận với thị trường này, ngoài việc phối hợp với các địa phương tuyên truyền chính sách ưu đãi, đơn vị bố trí cán bộ trực, tư vấn cho người lao động vào các phiên giao dịch việc làm. Đặc biệt là tăng cường các giải pháp hỗ trợ người lao động về ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng, giáo dục định hướng cho người lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 22 lớp dạy tiếng Hàn Quốc cho gần 600 học viên có nhu cầu xuất cảnh theo Chương trình EPS. Kế hoạch năm 2025, Trung tâm sẽ tổ chức đào tạo cho 150-200 lao động tham gia thị trường này. Nhằm bảo đảm năng lực học viên khi kết thúc khóa học, Trung tâm nghiên cứu quy định về trình độ ngoại ngữ của từng nhóm đối tượng lao động xuất khẩu để lựa chọn, hợp đồng với giáo viên đáp ứng về chuyên môn đào tạo; xây dựng chương trình dạy tiếng phù hợp; tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả. Trong quý I năm nay, Bắc Giang đã có 30 lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình này.
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Trung tâm, trước đây, tỉnh Bắc Giang có một số địa phương nằm trong danh sách bị dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS do tỷ lệ cư trú bất hợp pháp cao. Để tránh lặp lại tình trạng này, Trung tâm sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương, nhất là những địa phương có nhiều lao động đi xuất khẩu ở thị trường Hàn Quốc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người thân ký cam kết, khuyến khích lao động về nước đúng hạn khi kết thúc hợp đồng. Đồng thời, thông tin rộng rãi về một số chính sách ưu đãi của Hàn Quốc đối với người lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn và những chính sách ưu đãi của Hàn Quốc đối với người lao động mẫu mực, tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc.
Ý kiến bạn đọc (0)