Mai Sưu, sau trận càn năm ấy
Nhớ ngày giỗ trận
Những ngày tháng 5 lịch sử, nắng đầu hè trải dài trên những khu rừng dẻ tái sinh, keo, bạch đàn giống mới và trên cánh đồng lúa Mai Sưu đang thì con gái. Thiên nhiên đã ban tặng cho xã Trường Sơn thung lũng Mai Sưu bằng phẳng, màu mỡ rộng 160 ha, bao quanh là những dãy đồi núi quanh năm cây cối tốt tươi.
Bà Nguyễn Thị Quý (87 tuổi) kể về trận càn năm 1948. |
Nhưng cũng tại mảnh đất này đã có thời kỳ oai hùng, thấm đẫm máu và nước mắt của nhiều người dân vô tội bởi trận càn của thực dân Pháp. Bà Nguyễn Thị Quý (87 tuổi) ở thôn Điếm Rén, nhớ lại: “Nhiều chuyện có thể quên nhưng với tôi, thời khắc ngày Rằm tháng 9 năm 1948 khi giặc Pháp đem quân đến càn quét, giết hại người dân thì mãi không thể nào quên”.
Theo lời kể của bà Quý, khoảng 8 giờ sáng hôm đó, bà đang dắt bò gần ruộng bố mẹ gặt lúa thì nghe thấy tiếng súng nổ vang trời; rồi từng tốp máy bay giặc kéo đến. Mấy bố con bà chạy về phía bìa rừng ẩn nấp. “Bố tôi bị giặc bắn trúng. Tưởng không qua khỏi, ông dặn, khi nào giặc rút thì quay lại đưa xác bố về. Rất may, viên đạn trúng phần mềm”, bà Quý nói. Như chợt nhớ ra điều gì, giọng bà Quý chùng xuống: “Khổ nhất là ông Huyên ở gần nhà tôi, do mắt bị đau, không chạy kịp đành nấp ở trong nhà, bị giặc đến phóng hỏa chết cháy”.
Về xã Trường Sơn, hiện còn nhiều nhân chứng về trận càn năm đó. Cùng Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Đinh Văn Bính, chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Tiến Đề ở thôn Đồng. Ở tuổi 91, mái tóc bạc trắng song ông Đề vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. Đặc biệt, ngày giặc Pháp nhảy dù xuống cánh đồng Mai Sưu, ông nhớ như in.
Ông Đề cho biết, mấy lần trước, bộ đội ta báo động có giặc đến, người dân liền sơ tán lên rừng nhưng giặc không đến. Sáng hôm đó, cũng có báo động, một số hộ sơ tán nhưng nhiều người ở lại một phần vì chủ quan, phần muốn gặt nốt mấy đám ruộng lúa đang chín. “Bọn giặc dã man, gặp ai cũng bắn giết, bất kể phụ nữ, người già hay trẻ nhỏ. Không tìm được Việt Minh, cán bộ của ta, chúng phóng hỏa đốt hết nhà của dân. Chúng còn giết hết trâu bò, phá hoại nông cụ để bà con không có tư liệu sản xuất”, ông Đề nhớ lại.
Được biết, năm ấy, ông Đề làm cán bộ Đoàn Thanh niên liên xã vùng Tứ Sơn, bao gồm các xã: Bình Sơn, Lục Sơn, Trường Sơn và Vô Tranh (Lục Nam) ngày nay. Cũng theo ông Đề, sở dĩ năm đó giặc Pháp điên cuồng bắn giết người dân bởi nơi đây là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng của nhiều cơ quan kháng chiến cũng như đơn vị bộ đội của ta. Các đơn vị này ăn nghỉ, làm việc ở trong nhà dân, được người dân bao bọc, che chở. “Khi giặc đến, lực lượng rất đông đảo, vũ khí mạnh hơn ta nhiều lần, song hằng đêm, từng tốp du kích, bộ đội ta tổ chức đánh lén, không để địch đóng chốt lâu dài. Khoảng một tuần sau, chúng phải rút lui”, ông Đề nói.
Trong suốt thời gian đưa tôi đi gặp lại những nhân chứng năm xưa, anh Đinh Văn Bính nói không nhiều. Dường như anh đang có những tâm trạng như nhiều người khi được nghe lại thời khắc đau thương trên quê mình. Anh Bính tâm sự: “Hầu như gia đình nào cũng có người thân bị chết hoặc bị thương trong trận càn năm đó, một số gia đình có 3-4 người chết. Hiện, vào ngày Rằm tháng 9 hằng năm, các gia đình tổ chức làm giỗ, gọi là ngày giỗ trận. Gia đình tôi cũng có bà nội bị giặc giết chết”.
Đường về Mai Sưu, xã Trường Sơn hôm nay. |
Sau trận càn đó, tiếp nối truyền thống cha anh, các thế hệ người dân Mai Sưu nói riêng, xã Trường Sơn nói chung đã nỗ lực phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở nuôi giấu cách mạng, luyện quân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ghi nhận công lao to lớn đó, xã Trường Sơn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Dựng xây cuộc sống mới
Không chỉ anh hùng trong kháng chiến, sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và người dân Trường Sơn luôn đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương. Các thế hệ người dân Mai Sưu một lòng theo Đảng, nỗ lực xây dựng cuộc sống ấm no.
Dấu tích của một thời đau thương ở thung lũng Mai Sưu nay chỉ còn trong những câu chuyện của người già và một số địa điểm như: Đình Cháy, giếng cổ Điếm Rén, cánh đồng Mai Sưu… Nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tới đây, địa phương sẽ xem xét tôn tạo những địa điểm lịch sử trong thời kỳ chống Pháp. |
Về các thôn Điếm Rén, Chẽ, Đồng hay Nhân Lý những ngày này, ở đâu chúng tôi cũng thấy cờ hoa, khẩu hiệu chào mừng sinh nhật Bác và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Do các thôn nằm ngay trung tâm xã, có đường tỉnh 293 chạy qua tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương, phát triển kinh tế.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thủy, một trong những hộ làm kinh tế giỏi. Vợ chồng anh Thủy lấy nhau năm 2000, không có vốn làm ăn, được ngân hàng tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế đồi rừng.
Cách đây 4 năm, gia đình anh đầu tư mở xưởng bóc gỗ. “Hơn chục năm trước, gia đình kinh tế khó khăn lắm nhưng nay đã có của ăn của để. Riêng từ sơ chế gỗ, mỗi năm tôi thu lãi 700- 800 triệu đồng”, anh Thủy cho biết. Ngoài làm giàu cho bản thân, anh Thủy còn giúp hơn 10 lao động địa phương có việc làm ổn định với thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng. Năm tới, gia đình anh sẽ được thu hoạch 30 ha rừng keo, ước thu về gần 5 tỷ đồng.
Thung lũng Mai Sưu nhìn từ trên cao. |
Không chỉ gia đình anh Thủy, tại 4 thôn: Điếm Rén, Chẽ, Đồng và Nhân Lý hiện có khoảng 10 hộ đầu tư xây dựng xưởng bóc gỗ, tạo việc làm, thu nhập cho hơn 100 lao động địa phương.
Hiện ở xã Trường Sơn có hàng chục mô hình làm kinh tế giỏi ở các thôn: Vua Bà, Tân Thành, Lầm, Mới... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, chủ yếu từ kinh tế đồi rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đời sống nhân dân không ngừng nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm còn 8,1%.
Cuối giờ chiều, nắng tắt dần sau những cánh rừng xanh, chúng tôi lên núi Khe Lỗng Bỗng ngắm toàn cảnh thung lũng Mai Sưu. Nhìn từ trên cao, những thôn làng trước kia bị giặc Pháp tàn phá nay khoác trên mình sắc thái mới với nhiều ngôi nhà kiên cố, kiến trúc biệt thự bên vườn cây trái. Đường giao thông được đổ bê tông.
Có lẽ, dấu tích của một thời đau thương nhưng oai hùng ở thung lũng Mai Sưu nay chỉ còn trong câu chuyện của những nhân chứng và một số địa điểm như đình Cháy, giếng cổ Điếm Rén, cánh đồng Mai Sưu… Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Bính cho biết thêm nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tới đây, địa phương sẽ xem xét tôn tạo những địa điểm lịch sử của ông cha thời chống Pháp, từ đó thêm trân trọng những thành quả có được như ngày hôm nay.
Ý kiến bạn đọc (0)