Dòng họ Nguyễn Văn, thôn Nhân Lý, xã Trường Sơn: Khó khăn không nhụt chí hiếu học
Giữa trưa tháng Sáu, căn nhà của bà Nguyễn Thị Tỉnh (SN 1940) - vợ liệt sĩ ở thôn Nhân Lý rộn tiếng nói cười của con cháu quây quần bên bà. Cả cuộc đời cơ cực vất vả, đến nay bà Tỉnh được hưởng niềm vui tuổi già bởi các con cháu nội ngoại đều chăm ngoan, hiếu thảo, tích cực đóng góp cho xã hội.
Dòng họ Nguyễn Văn, thôn Nhân Lý luôn quan tâm đến việc học tập của con cháu. |
Tháng 2/1968, chồng bà là Nguyễn Văn Luyện hòa cùng đoàn quân Nam tiến làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hai năm sau, ông Luyện hy sinh ở chiến trường Tây Ninh, để lại 5 đứa con, đứa lớn 10 tuổi, nhỏ mới 2 tuổi. Không thể kể hết những vất vả, khó nhọc bà đã trải qua khi ở vùng núi rừng Trường Sơn heo hút, đường sá khó khăn, giao thông cách trở, một mình bươn chải nuôi 5 con nhỏ dại. Làm ruộng lấy công đổi thóc vẫn không đủ nuôi con, bữa ăn hằng ngày của mấy mẹ con thường xuyên phải độn thêm ngô, khoai, sắn. Nhưng cái nghèo không làm nhụt chí hiếu học, noi theo truyền thống của cha ông, các con bà lớn lên, bảo ban nhau học tập tiến bộ. Sau này, có người công tác trong các cơ quan, đơn vị của nhà nước nhưng thời kỳ bao cấp khó khăn quá mà phải ra ngoài bươn chải kiếm sống. Dẫu vậy, họ vẫn chăm lo việc học cho các con.
Nói về chuyện làm khuyến học của họ Nguyễn Văn, anh Nguyễn Văn Hán - con trai út của bà Tỉnh đồng thời là Trưởng Ban Khuyến học họ Nguyễn Văn kể: Không nhớ từ khi nào nhưng theo các cụ truyền lại thì tổ tiên chúng tôi đã sinh sống ở Nhân Lý hàng trăm năm. Từ xa xưa, các gia đình sống thuận hòa, chăm chỉ làm lụng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của làng, xã. Để tỏ lòng ghi nhớ công ơn thế hệ trước, con cháu chọn ngày 15/6 (âm lịch) hằng năm là ngày giỗ tổ.
Năm 2009, nhân ngày giỗ tổ, một số gia đình đề xuất ý tưởng thành lập quỹ khuyến học để chăm lo cho việc học của con cháu. Mọi người liền hưởng ứng, tự nguyện đóng góp kinh phí và Ban khuyến học dòng họ Nguyễn Văn thành lập từ đó với 30 gia đình tham gia. Việc họp họ lồng ghép với đánh giá, biểu dương, khen thưởng thành tích học tập của con cháu càng giúp các gia đình thêm gắn kết. Từ nguồn quỹ vận động được, hằng năm, dòng họ chi từ 60-80 triệu đồng khen thưởng cho các cháu từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/người. Điểm khác biệt với phong trào khuyến học ở một số nơi là dòng họ áp dụng khen với cá nhân đạt thành tích trong học tập, công tác, không phân biệt họ nội, họ ngoại và lứa tuổi. Chính vì vậy mà cùng với lớp trẻ, những người lớn tuổi hơn, hiện làm việc ở các cơ quan, đơn vị cũng không ngừng nỗ lực để đạt thành tích cao. Sau khi chi khen thưởng, số tiền Quỹ Khuyến học còn lại được thống nhất sử dụng vào mục đích thiết thực như luân chuyển cho các hộ khó khăn vay vốn để phát triển sản xuất, mua sắm phương tiện phục vụ học tập.
Phong trào học tập của dòng họ Nguyễn Văn không ngừng phát triển. Anh Nguyễn Văn Hán cho biết: "Hơn 10 năm qua, chúng tôi tự hào có 2 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 60 người có bằng trung cấp, cao đẳng, đại học và hàng trăm lượt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Thành tích học tập của con cháu được lưu trong sổ sách tại nhà thờ họ".Trong đó, tiêu biểu là gia đình anh Nguyễn Văn Quế - con trai thứ hai của bà Tỉnh nay công tác ở Ban Dân tộc tỉnh, có con gái đang nghiên cứu sinh, con rể là tiến sĩ tại Mỹ. Gia đình anh Nguyễn Văn Quân có con gái là thạc sĩ, làm việc lĩnh vực ngân hàng và con rể là tiến sĩ...
Bà Nguyễn Thị Quế, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Lục Nam cho biết: Phong trào khuyến học toàn huyện sôi nổi có đóng góp lớn từ những "hạt nhân" gia đình, dòng họ tiêu biểu ở cơ sở, trong đó dòng họ Nguyễn Văn là điển hình. Không chỉ hoạt động sôi nổi ở trong họ mà tại cộng đồng, các thành viên đều tích cực tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa. Nhiều năm liền, dòng họ được Hội Khuyến học huyện, tỉnh khen thưởng. Tháng 9/2019, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Hội, dòng họ Nguyễn Văn được T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)