Lắng nghe, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cử tri: Bài 2 - Theo đến cùng các kiến nghị
Rất nhiều “một lần nữa đề nghị...”
Trong văn bản, hồ sơ lưu trữ tại Văn phòng Đoàn ĐBQH Bắc Giang, mỗi vụ việc, kiến nghị của cử tri được sắp xếp thành từng chồng riêng biệt, gọn gàng, khoa học và đa phần, không có tập nào không dày cộm. Một điểm chung của các tập hồ sơ là đều có nhiều văn bản trở đi trở lại về một vấn đề và rất nhiều lần cụm từ “cử tri tiếp tục phản ánh”, “cử tri tiếp tục đề nghị”, “một lần nữa đề nghị…” được gửi đi từ Văn phòng Đoàn ĐBQH Bắc Giang tới các cơ quan có trách nhiệm.
![]() |
Đoàn ĐBQH Bắc Giang và Tổng cục Đường bộ khảo sát bất cập trên tuyến cao tốc Hà Nội-Bắc Giang để giải quyết vấn đề cử tri nêu (tháng 5/2020). |
Việc khắc phục ngập úng khi trời mưa ở 7 cống chui dân sinh trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội- Bắc Giang là một trong số tập tài liệu nhiều “một lần nữa đề nghị” như thế! Đây là vấn đề không mới; cử tri, chính quyền và Đoàn ĐBQH từ khóa trước đã kiến nghị và kiến nghị nhiều lần; tuy nhiên càng về sau, một số cống càng hư hỏng nặng, gây bức xúc và khó khăn trong việc đi lại của người dân, công nhân khi đi qua tuyến đường này.
Ông Trần Văn Lâm, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Bắc Giang cho biết: Những ngày mưa, chúng tôi đi khảo sát từng cống thì thấy quá thương công nhân và người dân. Đơn cử như hầm chui đoạn qua Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên), tại Km 125+974 và Km131+383, lòng hầm tối, chật chội, không có điện chiếu sáng, nước đỏ ngầu ngập ngang bắp chân mà công nhân, người xe vẫn phải bì bõm lội qua. Trong khi cầu vượt thì xa, sợ ảnh hưởng đến giờ làm nên nhiều công nhân phải liều mình băng qua cao tốc. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, rất đau lòng nên không thể không đề nghị khắc phục việc này, dù đó là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Bắt đầu trở lại việc kiến nghị với Bộ Giao thông- Vận tải từ đầu năm 2017, không chỉ nêu kiến nghị, văn bản nào gửi đi, Đoàn ĐBQH đều gửi kèm hình ảnh minh họa để tăng sức nặng. Văn bản gửi đi, Bộ hứa; chưa thấy khắc phục là mấy, lại tiếp tục kiến nghị, chất vấn, gửi tới cả Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Qua không biết bao lần “một lần nữa đề nghị”, tháng 5/2020 vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới chủ trì buổi làm việc, kiểm tra hiện trường cùng đại diện Đoàn ĐBQH Bắc Giang và các cơ quan liên quan để đưa ra phương án khắc phục. Kết quả đến nay, những cống nào có thể khắc phục được tối đa khả năng thoát nước đều được kiểm tra sửa chữa; bổ sung gồ, gờ giảm tốc, sửa chữa lại rãnh dọc hai bên, phần lòng cống hư hỏng. Ngoài ra, nhiều cống được đặt thêm biển cảnh báo mực nước hạn chế lưu thông, chiều cao cống chui… để hướng dẫn người dân đi lại thuận tiện, an toàn.
Trở lại hồ sơ việc đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho cụ Dương Thị Nức, xã Hương Gián (Yên Dũng) đang bị vướng. Ngoài tài liệu, đơn thư gia đình gửi tới, còn là sự dày công đi điều tra, tìm hiểu và sau đó là việc “gõ cửa” đi lại nhiều lần của Đoàn tới các cơ quan có trách nhiệm đề nghị giải quyết.
![]() Tôi năm nay đã ở tuổi gần đất xa trời, chẳng biết còn sống đến ngày mẹ mình được truy tặng Mẹ Anh hùng nữa hay không. Nhưng dù được hay không được, thấy các ông bà ở Quốc hội quan tâm, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho gia đình, tôi cũng ấm lòng”. Bà Chu Thị Vạn (78 tuổi), thôn Can, xã Hương Gián (Yên Dũng) |
Tại gia đình bà Chu Thị Vạn (78 tuổi), con gái duy nhất còn sống của cụ Dương Thị Nức, bà và các con, cháu, đại diện chính quyền địa phương, thôn xóm cho biết: Do hoàn cảnh khó khăn, ông Chu Đình Cạp (sinh năm 1918, tên thật là Nguyễn Ngọc Cạp) được vợ chồng cụ Nức đón về nuôi từ năm lên 4 tuổi. Gia đình đã chuyển họ của ông Cạp từ họ bố đẻ “Nguyễn Ngọc” sang họ bố nuôi là “Chu Đình” và được hai bên gia đình đồng ý.
Năm 1950, ông Cạp hy sinh khi tham gia du kích ở địa phương. Sau đó, Nhà nước gửi Giấy báo tử, Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình cụ Nức và đều ghi rõ: “Liệt sĩ Chu Đình Cạp”. Gia đình thờ cúng liệt sĩ Chu Đình Cạp từ năm 1950 đến năm 1972 mới chuyển về gia đình cha mẹ đẻ. Vậy không hiểu sao các cơ quan Trung ương vẫn bảo “không có cơ sở để khẳng định liệt sĩ Chu Đình Cạp là con nuôi” nên không thể truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho cụ được (cụ Nức có một con đẻ là liệt sĩ).
Có ba căn cứ quan trọng để Đoàn ĐBQH Bắc Giang theo đuổi và bảo vệ gia đình cụ Nức, đó là, liệt sĩ Chu Đình Cạp đã đổi từ họ bố đẻ sang họ bố nuôi; Bằng Tổ quốc ghi công cấp năm 1962 ghi theo họ bố nuôi “Chu Đình” và trên thực tế, mối quan hệ nuôi dưỡng này được làng xã, các cụ cao niên, hai họ (họ nuôi, họ đẻ) xác nhận và đã niêm yết công khai ở xã, không có ai có ý kiến phản bác. Hiện sau rất nhiều “một lần nữa đề nghị”, Đoàn và gia đình đang chờ kết quả trả lời cuối cùng từ phía Bộ Nội vụ.
Bảo đảm lợi ích người dân, lợi ích địa phương
Thị trấn Nông trường cam Bố Hạ được thành lập từ những năm 60 của thế kỷ trước nhưng đến thời điểm giải thể theo quyết định của Chính phủ (năm 2007), gần như 100% các hộ dân của thị trấn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Trong khi trên thực tế, các hộ đều làm nhà ở, trồng cây ăn quả, cây lâu năm, chuyển nhượng, tặng cho... mà không có bất cứ giấy tờ gì hợp pháp.
![]() |
Bà Chu Thị Vạn (ngoài cùng bên phải), xã Hương Gián (Yên Dũng) cùng đại diện chính quyền địa phương trao đổi về việc đề nghị truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho cụ Nức. |
Thấy được sự bất hợp lý này và theo kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của cử tri muốn được “an cư” hợp pháp, tháng 8/2018, Đoàn ĐBQH Bắc Giang quyết định giám sát chuyên đề việc cấp GCNQSDĐ đối với các hộ dân sau khi Nông trường cam giải thể.
Tại thời điểm giám sát, trong số 214 hộ sáp nhập về hai xã Đồng Hưu và Đông Sơn của huyện Yên Thế mới chỉ có 116/144 hộ ở xã Đông Sơn được cấp sổ đỏ. Riêng 70 hộ ở xã Đồng Hưu chưa hộ nào được cấp. Với 244 hộ sáp nhập về xã Quang Thịnh (Lạng Giang) thì cả 244 hộ chưa được cấp.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết: Việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân ở Nông trường cam Bố Hạ sau khi giải thể là rất cần thiết. Tuy nhiên, do vướng mắc trong việc thiết lập bản đồ, giấy tờ liên quan… nên dẫn tới tình trạng chậm muộn. Sau khi có kiến nghị của Đoàn ĐBQH, chúng tôi đã tập trung cao và đến nay, chỉ còn 22 hồ sơ ở xã Đồng Hưu chưa cấp.
Tại xã Quang Thịnh (Lạng Giang), từ chỗ chưa có hộ dân nào được cấp “sổ đỏ” năm 2018, hiện đã có 114 trường hợp được cấp.
Gia đình chị Quách Thị Thạo, bản Gia Bình được cấp sổ đỏ đợt đầu tiên của xã Đồng Hưu phấn khởi nói: “Bố mẹ chúng tôi đi khai hoang ở đây từ những năm 60. Vợ chồng tôi lấy nhau, sinh con rồi có cháu, xây nhà xây cửa mấy chục năm mà không có giấy tờ gì chắc chắn. Tháng 9/2018, nhà tôi được cấp “sổ đỏ”, mừng không để đâu hết mừng. Giờ chúng tôi có thể đi thế chấp ngân hàng vay vốn làm ăn, làm giấy tờ cho con, không lo tranh chấp…”.
![]() |
Chị Quách Thị Thạo (trái) và “sổ đỏ” mới được cấp. |
Theo bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH Bắc Giang, những việc như thế này, nếu không giám sát, chính quyền không quyết liệt thì rất khó thành. Bởi nhiều trường hợp phải vận dụng, cả lý và tình trên cơ sở thực tiễn. Quan điểm của chúng tôi khi làm việc với chính quyền là cái gì có lợi cho dân thì cố gắng làm, vận dụng.
Việc đề nghị cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 31 từ TP Bắc Giang đi Lục Ngạn, Sơn Động cũng là một trong những vấn đề “nóng” mà Đoàn ĐBQH Bắc Giang liên tục kiến nghị với QH. Thảo luận KT- XH tại hội trường- kiến nghị; chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải- kiến nghị; kiến nghị một lần chưa có kết quả, kiến nghị tiếp, kiến nghị nhiều lần; kiến nghị bằng văn bản gửi trực tiếp Bộ trưởng chưa xong; kiến nghị thông qua cả Ban Dân nguyện…
“Chúng tôi không thể không kiến nghị với Bộ Giao thông- Vận tải vì đây là tuyến đường giao thông huyết mạch cả về kinh tế lẫn quốc phòng, tuyến đường độc đạo nối vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước với thị trường trong nước, quốc tế. Trong khi mỗi mùa thu hoạch vải thiều đường lại tắc nghẽn, xuống cấp trầm trọng, rất xót ruột”- Ông Trần Văn Lâm, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Bắc Giang bày tỏ.
Sau nhiều lần phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh kiến nghị, hiện Bộ Giao thông- Vận tải đã nhất trí chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ tuyến đường trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. “Như thế bước đầu đã là thành công với người dân, với địa phương”- ông Lâm cho hay.
Dù chỉ là một việc liên quan tới một người dân hay là những việc lớn hơn, liên quan tới quyền lợi chính đáng của địa phương, Đoàn ĐBQH Bắc Giang đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm và cả tâm huyết của mình khi đeo bám, giám sát, kiến nghị các vấn đề. Điều đó đã góp phần ổn định tình hình và tạo động lực thúc đẩy KT- XH của tỉnh phát triển bền vững.
(Còn nữa)
Thu Hương - Hữu Trình
Ý kiến bạn đọc (0)