Làm việc tại huyện Hiệp Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương: Tập trung giải phóng mặt bằng, phát triển theo hướng đô thị hóa
Đồng chí Lê Ánh Dương kết luận buổi kiểm tra. |
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh.
Thu ngân sách gặp khó khăn, một số dự án chậm tiến độ
Theo báo cáo của UBND huyện Hiệp Hòa, do tình hình kinh tế nói chung tiếp tục gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản trầm lắng; sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh chững lại. Vì thế, dự báo thu ngân sách năm 2023 của huyện gặp nhiều khó khăn, nhất là thu tiền sử dụng đất phục vụ đầu tư phát triển.
Tính đến ngày 6/4, thu ngân sách trên địa bàn huyện được gần 208,3 tỷ đồng, đạt 25% dự toán. Một số chỉ tiêu thu chủ yếu như: Thu thuế ngoài quốc doanh hơn 96,3 tỷ đồng, đạt 47% dự toán; thu tiền sử dụng đất khoảng 85,9 tỷ đồng, đạt hơn 17% dự toán; lệ phí trước bạ hơn 16,6 tỷ đồng, đạt 26% dự toán; thuế thu nhập cá nhân gần 7,8 tỷ đồng, đạt 23% dự toán.
Nhằm khắc phục khó khăn, UBND huyện sẽ định kỳ làm việc với Chi cục Thuế khu vực Việt Yên - Hiệp Hòa, các cơ quan, đơn vị liên quan để kiểm điểm tiến độ thu ngân sách; chỉ đạo tập trung cao thu tiền sử dụng đất, thuế ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ...
Tích cực thu nợ đọng thuế, thuế tài nguyên, chuyển nhượng bất động sản, xây dựng cơ bản trong dân cư, phí, lệ phí; chỉ đạo các xã, thị trấn hằng tháng kiểm điểm tiến độ thu ngân sách trên địa bàn; tích cực thu thuế xây dựng trong khu dân cư; có giải pháp tăng thu ngân sách phù hợp với tình hình địa phương, không để thất thu ngân sách; tổ chức đấu giá theo lộ trình, dự kiến thu nộp về ngân sách gần 700 tỷ đồng.
Về tình hình thực hiện vốn đầu tư công năm 2023, theo kế hoạch huyện có 110 dự án lĩnh vực xây dựng được phân bổ sử dụng vốn ngân sách, tổng mức đầu tư gần 3,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó 85 dự án chuyển tiếp sang năm 2023, hiện đã giải ngân được gần 108,7 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch; 21 dự án khởi công mới năm 2023, hiện đang tổ chức giải phóng mặt bằng (GPMB) và lựa chọn nhà thầu, chưa có khối lượng để giải ngân vốn đã bố trí; 4 dự án vốn hỗ trợ mục tiêu ngân sách T.Ư, hiện đã giải ngân được hơn 30,3 tỷ đồng, đạt 36,6% kế hoạch.
Nhìn chung, việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công gặp không ít khó khăn, còn một số dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong GPMB (chủ yếu vướng mắc về nguồn gốc sử dụng đất do lịch sử quản lý đất đai chưa chặt chẽ); nguồn cung về đất san lấp mặt bằng khan hiếm, giá cả tăng cao.
Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các chủ đầu tư, UBND các xã, thị trấn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, sớm tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công các dự án trong Kế hoạch đầu tư công năm 2023. Hằng tuần, Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện kiểm điểm, cho ý kiến giải quyết những vướng mắc trong GPMB để đẩy nhanh tiến độ các dự án, sớm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), huyện đang triển khai thực hiện 2 chương trình: Giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó năm 2022, huyện được phân bổ hơn 3 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, hiện đã giải ngân đạt 39,87% tổng vốn. Năm 2023, huyện được phân bổ tổng vốn gần 7,6 tỷ đồng, hiện đã giao vốn đến các cơ quan, xã, thị trấn để thực hiện.
Về thực hiện chương trình phát triển đô thị Hiệp Hòa giai đoạn 2021-2023, huyện tích cực phấn đấu, từng bước hoàn thành các tiêu chuẩn đô thị loại IV. Đến nay, đã đạt 48/63 tiêu chuẩn với tổng số điểm đạt 70,04/100 điểm (mức điểm cần đạt từ 75 điểm trở lên); còn 15 tiêu chuẩn chưa đạt, trong đó một số tiêu chuẩn bức thiết cần quan tâm đầu tư xây dựng như công trình văn hóa, thể dục thể thao, công trình thương mại, dịch vụ cấp đô thị và mật độ đường giao thông đô thị.
Gỡ nút thắt, tập trung chỉ đạo đồng bộ
Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo UBND huyện Hiệp Hòa đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn. Trong đó, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư dự án xây dựng đường nối ĐT296 với đường vành đai IV để kết nối huyện Sóc Sơn (Hà Nội) với các cụm công nghiệp: Hợp Thịnh, Hà Thịnh, Mai Trung và Khu công nghiệp (KCN)- đô thị - dịch vụ Xuân Cẩm - Hương Lâm, Cụm công nghiệp Việt Nhật, Jutech.
Kết nối đường Vành đai IV, quốc lộ 37 - Phổ Yên (Thái Nguyên)...; điều chỉnh bổ sung xã Xuân Cẩm thực hiện xây dựng NTM nâng cao trong giai đoạn 2021-2025 và năm 2023.
Cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới phía Nam thị trấn Thắng, trong đó điều chỉnh cục bộ khu đất thương mại dịch vụ có diện tích 11.756,1 m2 từ đất xây dựng chợ và siêu thị có chiều cao 1 tầng thành đất thương mại dịch vụ có chiều cao 9 tầng; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn một số nội dung liên quan đến hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng và việc hỗ trợ thu hồi đất GPMB…
Đồng chí Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi kiểm tra. |
Phát biểu tại buổi kiểm tra, lãnh đạo một số ngành đã làm rõ những vướng mắc của huyện; đồng thời đưa gia một số giải pháp cụ thể. Theo đồng chí Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nhìn chung các địa phương đều gặp khó khăn khi tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất. Khắc phục khó khăn này, huyện cần xem xét xác định giá khởi điểm ở mức vừa phải, sát với thị trường, phù hợp với khả năng, nhu cầu của đa số người dân; đồng thời linh hoạt thời gian nộp tiền sau đấu giá cho phù hợp để thu hút nhiều người tham gia đấu giá.
Đồng chí Lê Quang Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tiến độ dự án xây dựng còn chậm là do công tác phối hợp giữa chủ đầu tư, các xã, thị trấn với cơ quan, đơn vị chức năng chưa tốt. Huyện cần tiến hành rà soát, chấm điểm năng lực các chủ đầu tư, tư vấn để chọn lựa đơn vị thi công phù hợp, bảo đảm theo kế hoạch.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Lê Ánh Dương đánh giá cao sự nỗ lực của huyện trong công tác thu hồi đất GPMB; tích cực giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, không có điểm nóng; khí thế làm việc của cán bộ các cấp duy trì tốt.
Đồng chí cũng làm rõ thêm một số khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện các dự án, giải ngân vốn đầu tư công và lưu ý huyện cần tập trung trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, tránh đầu tư dàn trải.
Đồng chí Lê Ánh Dương cùng đoàn công tác kiểm tra tuyến đường trục Bắc Nam- Hiệp Hòa. |
Tỉnh đã xác định huyện Hiệp Hòa là động lực phát triển KT- XH phía Tây của tỉnh. Theo đó, từ nay đến 2025 huyện cần xác định đi theo hướng đô thị hóa, sớm phấn đấu trở thành thị xã Hiệp Hòa. Muốn vậy, cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ. Đẩy mạnh GPMB, quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ. Quan tâm điều chỉnh quy hoạch phân khu, khu đô thị mới; tích cực xây dựng các tiêu chí đô thị, từ đó điều chỉnh nguồn lực vào các dự án xây dựng cần thiết theo hướng “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các sản phẩm OCOP, sản phẩm sạch, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ở các trung tâm kinh tế lân cận, như: Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên…
Đồng chí yêu cầu huyện đẩy mạnh thu ngân sách, tìm các cơ chế, cách làm sáng tạo để huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu trở thành huyện đi đầu trong công tác này.
Cùng đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền thân thiện, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp huyện, tạo môi trường thu hút đầu tư thuận lợi.
Quan tâm phát triển toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với văn hóa, xã hội; tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tránh để kéo dài, thành điểm nóng.
Trước đó, đoàn công tác kiểm tra tiến độ tuyến đường trục Bắc Nam- Hiệp Hòa; tuyến đường từ huyện Hiệp Hòa nối với TP Phổ Yên (Thái Nguyên); dự án xây dựng Trường THCS Xuân Cẩm, xã Xuân Cẩm.
Tin, ảnh: Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)