Lạm dụng rượu, bia - mối nguy cho sức khỏe
Hại mình, hại người vì rượu
Ngày 17/3, bệnh nhân T. V. Đ., 53 tuổi ở thôn Thượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng) nhập viện tại Khoa nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ông Đ được chẩn đoán xơ gan, thiếu máu nặng do lạm dụng rượu, bia. Nằm trên giường bệnh, ông cử động yếu ớt, gương mặt đờ đẫn, hốc hác bởi sức khỏe suy kiệt.
Người thân cho biết, ông uống rượu gần 20 năm qua, thời gian đầu chỉ uống vào dịp lễ, tết, cỗ cưới, sau đó mức độ tăng dần mặc cho người thân hết lời khuyên can rồi nghiện lúc nào không hay. Đây không phải lần đầu bệnh nhân nhập viện điều trị. Trước đó hơn 2 tháng ông Đ từng phải cấp cứu vì biến chứng xơ gan.
Một bệnh nhân bị ngộ độc rượu được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cuối năm 2022. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Cương, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa cho biết: “Tại Khoa Nội tiêu hóa mỗi năm tiếp nhận hơn 3 nghìn lượt bệnh nhân vào điều trị. Trong đó người mắc bệnh liên quan đến bia rượu khá phổ biến như: Xơ gan, viêm gan, xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày chiếm khoảng 60-75%. Số bệnh nhân vào khoa liên quan đến rượu, bia mỗi năm tăng từ 5-7%. Phần lớn bệnh nhân là nam giới, tuổi từ 30 - 80 và ngày càng trẻ hóa. Từ đầu năm đến nay, Khoa tiếp nhận 560 lượt bệnh nhân vào điều trị, phần nhiều trong số này mắc các bệnh do rượu gây nên”.
Qua hồ sơ quản lý cho thấy, hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm. Có đến 60% bệnh nhân sau khi ra viện vẫn tiếp tục uống nên phải tái nhập viện, cá biệt có nhiều bệnh nhân ra vào viện 3 đến 5 lần do xuất huyết tiêu hóa, bệnh ngày càng nặng hơn, việc điều trị gặp khó khăn. Có trường hợp bị biến chứng nặng nề như suy gan, ung thư gan, ung thư dạ dày… phải điều trị tốn kém mà sức khỏe rất khó cải thiện. Trong khi đó, khoa chỉ có 4-6 bác sĩ, điều dưỡng đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc, điều trị nên có lúc nhân viên y tế quá tải.
Khó khăn trong công tác điều trị hiện nay là phần lớn bệnh nhân liên quan đến rượu bia khi đến viện điều trị thường đã nặng (bị xơ gan), mắc bệnh nền như: Gút, đái tháo đường, viêm tụy, rối loạn mỡ máu, loạn thần… Riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi tháng trung bình có 10 bệnh nhân không qua khỏi bởi mắc các bệnh do rượu gây ra. Đáng lo ngại hơn là đã có trường hợp bị ngộ độc rượu cấp tính. Cuối năm 2022, ông T.V.M, 56 tuổi, ở xã Song Mai (TP Bắc Giang) uống rượu chứa methanol dẫn đến ngộ độc, toàn thân vật vã, suy hô hấp, mắt mờ không nhìn rõ người ở khoảng cách gần. Trải qua cơn thập tử nhất sinh, ông M bỏ rượu nhưng đến nay sức khỏe không còn được như trước.
Theo các bác sĩ điều trị, những năm gần đây, nguy cơ ngộ độc rượu ngày càng tăng bởi rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện trên thị trường. Rượu có chứa methanol (cồn công nghiệp) là loại hóa chất được sử dụng phổ biến trong công nghiệp rất độc hại với sức khỏe. Bệnh nhân ngộ độc methanol có thể tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Nâng cao nhận thức, chủ động bảo vệ sức khỏe
Rượu, bia là thức uống có cồn làm ức chế hoạt động của não bộ và hệ thần kinh trung ương, nếu sử dụng nhiều thường xuyên sẽ gây ra các vấn đề về sức khoẻ cho bản thân và những người xung quanh. Dịp nghỉ lễ, mùa lễ hội là thời điểm các bệnh viện, trung tâm y tế tiếp nhận số ca nhập viện tăng cao do rượu.
Theo bác sĩ Vũ Văn Hoàn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa, ngoài tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, cấp tính liên quan đến rượu, nhiều bệnh nhân được người nhà đưa đến viện trong tình trạng đa chấn thương, hơi thở nồng nặc mùi cồn và không tỉnh táo. Điều đó khiến các bác sĩ kíp trực rất khó khăn để khai thác tiền sử bệnh cũng như gây trở ngại cho quá trình làm các xét nghiệm chẩn đoán, điều trị. Trong cuộc sống, không ít trường hợp uống rượu quá chén rồi tự ngã hoặc gây tai nạn giao thông cho người khác; có người bị chấn thương nặng dẫn đến tử vong khi còn trẻ.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu, bia ngày càng gia tăng, xu hướng tăng ở người trẻ tuổi. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 loại bệnh, phần lớn số ca chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh. |
Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng, thời gian qua Sở Y tế tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Từ thực tế khảo sát cho thấy đa số người nghiện rượu không có công việc ổn định, gia đình thường xảy ra mâu thuẫn và là nguyên nhân làm gia tăng bạo lực gia đình, tăng số vụ ly hôn, phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội.
Trước thực trạng này, ngành Y tế tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ngành, cơ quan chuyên môn đổi mới, đa dạng hình thức truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe. Phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, người lớn trong gia đình để xây dựng lối sống lành mạnh, văn minh. Các tổ chức đoàn thể như: Phụ nữ, đoàn thanh niên, nông dân, cựu chiến binh, người cao tuổi thường xuyên vận động hội viên, đoàn viên nâng cao nhận thức về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình và cộng đồng; chấp hành nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Bác sĩ Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Trong năm 2023, Trung tâm phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức khám, tư vấn và truyền thông sâu rộng tại cộng đồng về tác hại của rượu, bia với sức khỏe. Hiện đơn vị đang lựa chọn địa bàn nông thôn, miền núi thuộc các huyện Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động để triển khai". Cùng với nỗ lực của ngành chức năng, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên từ chối uống rượu, bia nếu thấy không thực sự cần thiết. Đặc biệt, người có bệnh mạn tính không sử dụng rượu, bia tránh làm bệnh thêm nặng.
Nhằm chủ động phòng, chống ngộ độc rượu, mới đây Sở Y tế Bắc Giang tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường truyền thông, khuyến cáo nhân dân không uống đồ uống dùng cồn công nghiệp, không sử dụng sản phẩm rượu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không sử dụng các loại động vật, phụ phẩm của động vật (như mật, phủ tạng...) và các loại thảo mộc (như lá, rễ, củ, quả, hạt, cây...) không rõ công dụng với sức khỏe con người để ngâm rượu và sử dụng trong ăn uống. Sở Công Thương phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai hiệu quả công tác quản lý, kinh doanh rượu theo quy định.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)