Lục Ngạn: Giúp nông dân tiếp cận kỹ năng số, giảm nghèo bền vững
BẮC GIANG - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Lục Ngạn không ngừng đổi mới, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp cận công nghệ số trong sản xuất, phát triển mô hình kinh tế. Qua đó góp phần tăng giá trị nông sản, giảm nghèo hiệu quả.
Hiện nay, livestream bán hàng đã tạo nên một làn sóng mới trong thương mại điện tử, nhất là bán sản phẩm nông sản. Với tính tương tác cao, khả năng giới thiệu sản phẩm chi tiết và minh bạch, livestream đã trở thành công cụ hiệu quả để thu hút khách hàng, tăng doanh thu cho nông sản. Lục Ngạn có nhiều loại cây ăn quả với sản lượng lớn như: Vải thiều, cam, bưởi nên việc livestream bán hàng trên các mạng xã hội là một trong những giải pháp hữu hiệu cho đầu ra của nông sản, nâng cao doanh số, tối ưu lợi nhuận của nông dân.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (ngoài cùng bên phải), Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) hướng dẫn nông dân Lục Ngạn kỹ năng livestream bán hàng nông sản. |
Cuối tháng 10 vừa qua, UBND huyện Lục Ngạn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện. Giảng viên là ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông).
Tại đây, các đại biểu được trao đổi kiến thức, kỹ năng tham gia, tạo gian hàng, xây dựng video ngắn để quảng bá và bán sản phẩm; ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào kinh doanh; hoạt động nhận diện, bảo hộ thương hiệu. Đồng thời, trực tiếp hướng dẫn các HTX, hộ kinh doanh, người nông dân kỹ năng livestream, hậu kỳ video, lồng tiếng, phụ đề, để thu hút người xem, quảng bá, bán hàng trên kênh mạng xã hội.
Nhờ livestream bán hàng, các sản phẩm bưởi tạo hình của gia đình chị Bằng Thị Sáu, xã Quý Sơn được nhiều người đặt hàng. |
Tiếp thu kiến thức sau khi tham gia tập huấn, hộ chị Bằng Thị Sáu, xã Qúy Sơn chuyên sản xuất hoa quả hàng thờ như: Bưởi đỏ, cam ngọt, bưởi đường Cát Quế tạo hình tượng phật, hoa sen hoặc tạo chữ “Phúc, Lộc, Thọ, Tài”... đã tổ chức livestream bán cam, bưởi ngay tại vườn. Theo chị Sáu, khi tài khoản mạng xã hội Facebook “Sáu Bằng” quay, phát trực tiếp lên mạng với hình ảnh vườn quả chín mọng, nhiều khách hàng rất thích thú. Thời điểm này, gia đình đang tổ chức livestream bán cam, bưởi tạo hình trên mạng xã hội để khách hàng biết và đặt dịp Tết Nguyên đán 2025.
Trên địa bàn huyện Lục Ngạn hiện có hơn 40 sản phẩm OCOP. Những sản phẩm này đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Qua đó góp phần tăng giá trị nông sản, thu nhập của người dân được cải thiện, góp phần giảm nghèo bền vững. Theo kết quả rà soát sơ bộ năm 2024, huyện Lục Ngạn còn 1.404 hộ nghèo, chiếm 2,47% (giảm 601 hộ, đạt 117,61% kế hoạch giao); 2.072 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,64% (giảm 572 hộ, đạt 112,82% kế hoạch giao).
Được tiếp cận bán nông sản trên sàn thương mại điện tử từ vài năm nên việc kinh doanh của HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền (xã Phì Điền) thuận lợi. Anh Phan Văn Nết, Giám đốc HTX cho biết: “Nhờ áp dụng công nghệ thông tin, việc bán hàng nông sản như: Vải thiều, táo... qua sàn thương mại điện tử đã giúp HTX tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn”. Chỉ bằng một vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối internet là người mua có thể đặt hàng và HTX nhanh chóng xác nhận đơn hàng. Có thời điểm mỗi ngày HTX có hàng trăm đơn hàng gửi đi các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thời điểm này, tại huyện Lục Ngạn, nông dân đang thu hoạch cam, bưởi và bán từ nay đến Tết Nguyên đán. Bởi vậy việc tích cực ứng dụng công nghệ số sẽ giúp thị trường tiêu thụ được mở rộng, tăng doanh số bán hàng. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn.
Ý kiến bạn đọc (0)