Bảo vệ sức khoẻ bằng điều dưỡng tinh thần và ăn uống
Điều dưỡng tinh thần
Con người thuận ứng với khí dương của mùa xuân thăng phát, do vậy tinh thần luôn chỉ nghĩ đến chữ “sinh”, trước mắt chỉ nhìn thấy chữ “sinh”. Có nghĩa là tâm trạng phải khoan dung, khoáng đạt, lạc quan vui vẻ, nhất thiết không được sát hại, không tước đoạt, không ức chế.
Tinh thần vui vẻ giúp cho tinh chí phát sinh, mà muốn cho tinh thần vui vẻ thì phải “giới nộ” - ngăn chặn nóng giận. Giận dữ là yếu tố số một gây bệnh, nó cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người. Cổ nhân dạy: Ngày ngày phải dưỡng khí, mà dưỡng khí thì tối kỵ giận dữ. Khi nổi giận, khí sẽ nghịch chứ không thuận, sẽ nghẽn chứ không thông, làm tổn thương khí của ta, tức là làm tổn thương thân thể ta.
Ảnh minh hoạ.
|
Muốn “giới nộ”, trước hết phải dùng ý thức để khống chế. Khi thấy cơn giận dữ bốc lên đầu, đang định nặng lời cãi lộn, sỉ vả người khác thì lập tức tự nhắc nhở mình cãi lộn có hại cho sức khỏe, có hại cho cả mình và người… Thứ nữa thì giải tỏa tâm trạng nóng giận, bực dọc trong lòng, tống khứ nó đi mà nhanh chóng khôi phục sự cân bằng tâm lý. Phải tìm cách thay đổi tâm trạng hoặc thay đổi hoàn cảnh xung quanh để khỏi phải tiếp xúc với yếu tố kích thích gây nóng giận nhằm giải thoát tâm trạng uất ức của mình.
Để duy trì tâm trạng vui vẻ, ngoài “giới nộ”, còn phải bồi dưỡng tính cách khoan dung, phóng khoáng vì những tính cách này liên quan chặt chẽ với tâm trạng lạc quan. Phải thiết lập quan hệ giao tiếp, bạn bè tốt đẹp với mọi người, từ đó làm ta vui vẻ, thoải mái, tự nhiên; bồi dưỡng cho mình tư tưởng biết đủ thì luôn vui, không theo đuổi danh lợi và hưởng thụ quá phúc phận của mình. Kế đó phải bồi dưỡng tính hài hước, mà hiệu quả trực tiếp của sự hài hước là tiếng cười - thần dược cho sức khỏe con người. Cuối cùng phải biết sắp xếp sinh hoạt sao cho phong phú, đa dạng, lúc làm việc, lao động, lúc vui đùa với trẻ con, tập thể dục thể thao, lúc dã ngoại đi du lịch...
Điều dưỡng ăn uống
Trước hết phải tuân theo nguyên tắc “xuân hạ dưỡng dương”, nghĩa là nên dùng các loại thực phẩm ôn bổ khí dương như hành, tỏi, kinh giới, tía tô…
Ở đây chúng tôi đã nêu rồi chỉ xin nhắc đôi điều: Tỏi không chỉ có tác dụng sát khuẩn rất mạnh trị cảm mạo, đau bụng tiêu chảy, viêm dạ dày và ruột, mà còn thúc đẩy sự ăn uống, kích thích ăn uống, phòng bệnh xơ vữa động mạch và huyết áp cao. Lưu ý: Tỏi sống không nên ăn quá nhiều và người hư nhược có nhiệt chớ ăn. Hành có hàm lượng vitamin C rất cao. Mùa đông, mùa xuân có bệnh truyền nhiễm đường ruột, ăn hành sống có tác dụng phòng bệnh. Hành còn có chức năng miễn dịch và kháng bệnh cho cơ thể, giảm tỷ lệ mỡ máu, làm tiêu tình trạng máu đóng cục, gây tắc động mạch.
Mùa xuân nên giảm chất chua, tăng chất ngọt để dưỡng tỳ vị. Mùa xuân can khí vượng, gan quá mạnh, theo ngũ hành gan thuộc Mộc, tỳ thuộc Thổ, Mộc khắc Thổ, vậy nên gan vượng gây tổn thương tỳ, ảnh hưởng chức năng tiêu hóa và hấp thụ của tỳ. Vị chua đi vào gan, trong khi gan đã vượng, còn vi ngọt đi vào tỳ trong khi tỳ bị khắc nên cần tăng cường vị ngọt giảm vị chua nghĩa là vậy.
Bên cạnh đó ta nên ăn nhiều rau. Ở nước ta, vụ đông xuân rau rất nhiều, rất phong phú ta có thể tha hồ lựa chọn, thay đổi các loại rau trong bữa ăn cho hợp khẩu vị và để có đủ chất vì mỗi loại rau có đặc tính và chất riêng.
Lương y Vũ Huy Ba
Ý kiến bạn đọc (0)