Thành công với nghề may gia công
BẮC GIANG - Với tinh thần dám nghĩ, dám làm và khát vọng vươn lên làm giàu, vợ chồng anh Lưu Văn Hợi (SN 1983) và chị Nguyễn Thị Hồng Vân (SN 1986) ở thôn Chùa, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) quyết tâm mở xưởng gia công hàng may mặc. Mô hình vừa tạo thu nhập cho gia đình vừa góp phần giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ tại địa phương.
Theo chân cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xã Lương Phong chúng tôi đến thăm xưởng may gia công của vợ chồng anh Hợi - chị Vân. Vừa đi, đồng chí cán bộ xã vừa kể, với lợi thế gần các công ty, cụm công nghiệp của thị xã Việt Yên và huyện Hiệp Hòa nên nhiều lao động địa phương có việc làm ổn định, thu nhập cao. Đời sống bà con ngày càng khấm khá.
Cùng với phần đông lực lượng lao động trẻ đi làm ăn xa, một số người sau khi có nghề lại trở về quê hương lập nghiệp, giúp nhiều bà con khác trong thôn, xã có việc làm gần nhà và góp phần “thổi làn gió” khởi nghiệp cho thanh niên, phụ nữ Lương Phong. Điển hình trong số đó là anh Hợi – chủ cơ sở may gia công Vân Hợi, có vợ là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã. Từ mô hình của gia đình anh chị, đến nay ở Lương Phong có 5-6 cơ sở may gia công như vậy, tạo việc làm cho nhiều người.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (người đứng) kiểm tra sản phẩm sản xuất tại xưởng. |
Xưởng may gia công Vân Hợi đặt ở tầng 4 của căn nhà anh chị đang sinh sống. Tại đây có 10 công nhân làm việc thường xuyên và đều là phụ nữ ở trong xã. Không khí lao động hăng say, ai cũng tập trung để hoàn thành đơn hàng kịp giao sớm mai. Phải một lúc sau, vợ chồng “bà chủ” Vân mới có mặt ở nhà. Thấy chúng tôi, chị vội nói: “Các anh, chị thông cảm. Em vừa cùng một số chị em trong chi hội đi tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phân loại rác thải tại nguồn, gây quỹ tiết kiệm giúp phụ nữ khó khăn. Còn anh nhà em đi công việc của xưởng”.
Ngồi kế bên, anh Hợi – chồng chị kể, trước đây, anh làm kỹ thuật tại Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong nhiều năm. Tuy nhiên, công việc của vợ bận rộn trong khi con còn nhỏ. Để thuận tiện, anh bàn với vợ nghỉ việc về mở xưởng ở nhà. Về phần chị Vân, tranh thủ ngoài giờ làm việc, chị lại giúp đỡ chồng kiểm tra hàng, đóng hàng…
Thời gian đầu thành lập (năm 2019), xưởng gặp không ít khó khăn do đơn hàng ít, thị trường đầu ra chưa ổn định, công nhân mới tuyển tay nghề chưa cao. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ những lô hàng bị lỗi, không đạt chất lượng, đến nay sản phẩm do xưởng làm ra đều bảo đảm về mẫu mã, chất lượng. Hiện xưởng chuyên gia công quần áo trẻ em và liên kết gia công cho một doanh nghiệp ở TP Hà Nội. Trung bình mỗi tháng, xưởng xuất bán từ 26 nghìn – 30 nghìn sản phẩm.
Làm việc tại đây, chị em có việc làm, thu nhập ổn định, trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Chị Vũ Thị Nguyên (SN 1976), thôn Chớp, xã Lương Phong vui mừng chia sẻ: “Chị em trong xã vào đây làm việc rất yên tâm. Ai không biết nghề sẽ được anh Hợi hướng dẫn. Nhờ vào làm tại đây nên tôi có thu nhập ổn định, thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Năm 2023, gia đình tôi đã ra khỏi diện cận nghèo”.
Không chỉ cùng chồng làm kinh tế giỏi, chị Vân còn là Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Phong. Với vai trò chủ tịch Hội, chị không ngừng nghiên cứu, tìm tòi những giải pháp, tranh thủ các nguồn lực để thực hiện nhiều hoạt động chăm lo đời sống hội viên, phụ nữ. Tích cực tuyên truyền, hỗ trợ chị em có việc làm ổn định; tham gia các lớp tập huấn, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Nhờ thấm nhuần câu “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, gia đình anh Hợi – chị Vân trở thành điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Ý kiến bạn đọc (0)