Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Tính trung thực của người làm báo
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam thường căn dặn: Tính trung thực là tiêu chuẩn hàng đầu của nhà báo. Người nói: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” và “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.
Trưng bày “Đứng lên và Cất tiếng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò điểm lại những dấu ấn của Báo chí Cách mạng Việt Nam qua 97 năm hình thành và phát triển. |
Một nhà báo lão thành khi truyền nghề cho lứa sinh viên chúng tôi vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước thì nói ngắn gọn: Giá trị của báo chí không ở đâu xa mà chính là những thông tin khách quan, trung thực mà nó đem lại cho công chúng và xã hội. Báo chí cách mạng có nhiều “tính”, nhưng có một “tính” cốt lõi nhất mong các bạn nhớ cho: Chân, chân, chân; thật, thật, thật.
Người làm báo biết đến nhiều câu chuyện, nhiều kỷ niệm khi bàn tới tính trung thực của người làm báo. Ngày 19/5 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Bác Hồ, tại Hà Nội đã có sáng kiến tổ chức không gian “kể chuyện” lịch sử báo chí cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò. Gian trưng bày “Ðứng lên và Cất tiếng” với hai nội dung là "Tiếng nói dân tộc" và "Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng" được người xem, phần lớn là các nhà báo trẻ, hết sức xúc động.
Người phụ trách Gian trưng bày đã giới thiệu tỉ mỉ về các tờ báo đặc biệt trong các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Nhà tù Hỏa Lò là nơi xuất bản các tờ báo “Con đường chính”, “Ðuốc Việt Nam”, “Lao tù”. Người chỉ đạo và trực tiếp viết bài chính là các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta: Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Ðình Cửu. Còn ở Nhà tù Sơn La thì có báo “Suối reo” do các đồng chí Xuân Thủy, Trần Huy Liệu, Đặng Văn Lâm chỉ đạo và viết bài.
Báo được viết tay trên giấy thường. Khổ báo 20 x 14 cm, mỗi tháng xuất bản hai kỳ, mỗi kỳ nhiều nhất là… hai số. Nhà tù Côn Ðảo xuất bản tờ “Phá ngục”. Tờ báo vô cùng lạ lẫm này được người tù dùng vỏ sò, san hô nung lên làm phấn và viết trên nền nhà. Theo các nhà sử học, trong giai đoạn 1930 - 1945, đã có khoảng 20 tờ báo được “xuất bản” trong các nhà tù ở ba miền Bắc - Trung - Nam. Tại các nhà tù khủng khiếp nhất là Hỏa Lò, Côn Đảo, Buôn Ma Thuột, Sơn La… đều có các tờ báo. Báo chí trong tù ở Việt Nam đúng là dòng báo chí độc nhất vô nhị trên thế giới.
Phóng viên Báo Bắc Giang tác nghiệp tại doanh nghiệp trong đợt dịch Covid-19 năm 2021. |
Tính trung thực của các “nhà báo” trong tù được khẳng định bằng chính sự dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh. Cai ngục lùng sục, quản lý gắt gao. Việc viết bài, “phát hành” đều làm bí mật vào ban đêm. Những bài báo nóng hổi, mang ánh sáng tư tưởng của Đảng đã soi chiếu, vạch trần tội ác của thực dân, đế quốc và chỉ rõ con đường tranh đấu giành thắng lợi của cách mạng. Điều này nhà báo Xuân Thủy từng viết trong thơ: “Hôm nay rừng nặng sương chiều/ Ngày mai nắng sớm lưng đèo nở hoa”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần dũng cảm, trung thực của các nhà báo ngoài mặt trận. Chính những bài viết, những thước phim, tấm ảnh được thực hiện trong chiến hào là nguồn tin quý báu, nguồn cổ vũ lớn lao đối với quân và dân cả nước. Đồng thời nó chính là bằng chứng đanh thép bác bỏ những thông tin bịa đặt, xuyên tạc của địch. Trên chiến trường các nhà báo thật sự là những chiến sĩ vừa cầm bút vừa cầm súng. Hàng trăm cán bộ, phóng viên đã ngã xuống trên các mặt trận. Riêng Thông tấn xã Việt Nam đã có hơn 260 cán bộ, phóng viên hy sinh.
Loài người đã đi qua hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Sự phát triển KT-XH, nhất là sự phát triển nhanh chóng của Internet kéo theo sự phát triển thần tốc của báo chí. Báo chí cạnh tranh nhau từng phút, bàn đến mọi ngõ ngách của đời sống. Đã có tình trạng một số tờ báo chạy theo mạng xã hội, thậm chí vô tình bị “dẫn dắt” bởi mạng xã hội.
Điển hình là trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, đã lợi dụng quyền tự do dân chủ đăng tải các thông tin bịa đặt, xâm phạm lợi ích Nhà nước, các tổ chức, ảnh hưởng đời tư một số cá nhân. Thế nhưng, có những tờ báo chạy theo nguồn tin thiếu kiểm chứng, gây nên những hậu quả đáng tiếc. Điều này càng đòi hỏi tính trung thực, sự chính xác của nguồn tin. Nhanh nhưng phải đúng. Trúng nhưng phải hay. Đừng để “tay nhanh hơn não”.
Trung thực chính là cái cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp, mà cũng chẳng riêng nghề báo. Trung thực là trầm trong thân gỗ. Nhưng trầm không đợi tuổi. Ngay từ những cây non, đã phải tích tụ từ rất sớm cái “chất trầm” - điều các thế hệ đi trước luôn mong đợi ở thế hệ làm báo hôm nay và tương lai. |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng báo chí viết sai sự thật, nhưng tập trung ở mấy vấn đề. Một, người viết không hiểu biết thấu đáo, không thẩm định kỹ thông tin trước khi viết bài; hai, biết là chưa chính xác, nhưng vì động cơ muốn câu view nên cố tình viết sai, viết ẩu; ba, có những bài xuyên tạc, bôi nhọ, nhằm mục đích cá nhân, có người “thuê” thì có người viết; bốn, lợi dụng các con số, sự việc để minh họa cho ý đồ xấu, sự thật thì hình thức đó không phản ánh đúng bản chất vụ việc.
Một nhà báo lớn từng trò chuyện với chúng tôi: Khó mà có thể viết một bài báo chiều lòng, vừa lòng tất cả mọi người. Sự thật nhiều khi mất lòng. Nhưng đã dấn thân vào cái nghề vất vả và cao quý này thì chỉ có một con đường, một chủ nghĩa để tôn thờ: Sự thật! Cái mà lâu nay chúng ta hay nói là “uốn cong ngòi bút” chính là đã chối bỏ sự thật. Cần phân biệt giữa sự thật và trung thực.
Ở những nơi nội bộ mất đoàn kết, có những “sự thật” được dàn dựng, được thêu dệt do ý đồ của phe này cánh nọ. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì thấy đúng, nhưng đi sâu tìm hiểu, lắng nghe nhiều chiều thì không phải vậy. Trung thực chính là mắt của mắt, tai của tai, là sự nhạy cảm của người làm báo. Điều này chỉ có được ở những cây bút có kinh nghiệm, dấn thân, tỉnh táo. Nói rộng hơn, đó là cái góp phần làm nên phong cách và bản lĩnh của cây bút có thẩm quyền.
Có thể có người cho rằng, những điều nêu trên chúng tôi nghe nói nhiều rồi. Báo chí truyền thống hay báo chí hiện đại thời cách mạng công nghiệp 4.0 đều cần phải có lòng trung thực. Vấn đề là làm sao, điều kiện cần và đủ như thế nào để người làm báo giữ được “cái trung” trong mọi điều kiện, hoàn cảnh có bao điều thách thức, bao nhiêu cám dỗ.
Cùng vào nghề báo, ngó ngang ngó dọc, bạn bè nhiều người viết lách chẳng hơn ai mà có nhà lầu, xe hơi, nói năng có gang có thép. Còn mình cứ chung thủy với cái xe máy cũ, với cái láp-tốp có “thâm niên” cả chục năm, nhà đi thuê, vợ/chồng con nheo nhóc. Đấy là cái tác động hằng giờ, hằng ngày. Đấy là cái thử thách ngòi bút, bàn phím ghê gớm nhất.
Trung thực là chuyện lớn. Nhưng “đời thường” lại không thường. Có những phóng viên tham gia đánh hội đồng, chia sẻ “đơn kiện”, “phóng viên đếm tầng” đã bị xử lý trước pháp luật là vì đã không vượt qua cái ranh giới mong manh ấy. Có khi họ nhầm chỗ của người thông tin, bàn luận, với người xử kiện. Trước muôn điều phức tạp, trước những thử thách nghiệt ngã, xin hãy bình tĩnh làm nghề, như ngạn ngữ của người phương Tây: “Bình tĩnh là vương miện của tinh thần”.
Ở một Đài truyền hình lớn có chị phóng viên khá xinh đẹp, đi làm việc ở đâu chị cũng từ chối… “phong bì”. Chuyện này nhiều đồng nghiệp biết, nhiều người khen, nhưng cũng không ít lời gièm pha, thậm chí cho rằng đó là cách “làm màu”(!). Đúng hay không đúng? Một câu hỏi không dễ trả lời bằng cái gật đầu. Còn chị phóng viên “giàu cá tính” kia thì vẫn liên tục có mặt ở những nơi khó khăn, nguy hiểm: Vùng bão lũ, sạt lở núi, cháy rừng; bệnh viện dã chiến điều trị người nhiễm Covid-19; nơi xảy ra nạn bảo kê, đầu gấu ở chợ ven đô…
Chị bảo: "Hạnh phúc của nhà báo không phải là những danh hiệu này nọ, đơn giản là mình được ký tên sau mỗi bài viết, nói những điều đúng đắn bảo vệ được lẽ phải, minh oan cho người bị oan. Tôi rất mong mọi người đừng nhìn mãi vào cái chưa có, hãy nhìn vào cái đã có".
Như vậy, trung thực chính là cái cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp, mà cũng chẳng riêng nghề báo. Trung thực là trầm trong thân gỗ. Nhưng trầm không đợi tuổi. Ngay từ những cây non, đã phải tích tụ từ rất sớm cái “chất trầm” - điều các thế hệ đi trước luôn mong đợi ở thế hệ làm báo hôm nay và tương lai.
Hải Đường
Ý kiến bạn đọc (0)