Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: Sự dấn thân lặng lẽ
Ngày đang học cấp ba, tôi luôn khao khát được làm nhà báo. Khi ước mơ đã trở thành hiện thực và có hàng trăm bài báo được in, tôi càng thấm thía rằng nghề báo chỉ dành riêng cho những ai biết lặng lẽ dấn thân một cách trung thực, trong sạch và tâm huyết.
Có lẽ, nghề nào cũng cần những phẩm chất đó nhưng với người làm báo thì càng đòi hỏi một cách rõ rệt, thường xuyên và quyết liệt.
Phóng viên Báo Bắc Giang tác nghiệp tại Trường Sa. |
Thời nào cũng vậy, xã hội luôn mang trong nó những sự trái ngược, tương phản hoặc đối lập. Cái tốt, cái xấu; cái trong, cái đục; cái hay, cái dở… luôn tồn tại cùng nhau. Không chỉ trong xã hội đâu mà ở mỗi con người cũng thường xảy ra những xung đột, giằng xé, đấu tranh giữa các mặt không đồng nhất như thế. Với người làm báo, sự nhạy cảm luôn vượt trội thì cuộc “gạn đục khơi trong”, tự vượt qua, vượt lên để chiến thắng mình càng cần thiết và tinh tế hơn.
Cũng thật sự gay cấn và đương nhiên là không dễ dàng chút nào. Lằn ranh giữa vinh quang và nhục nhã rất mong manh; đó chính là dấu hiệu của sự nguy hiểm thường nhật mà người làm báo nào cũng thấy. Còn có những hoàn cảnh nguy hiểm hơn như khi người cầm bút là phóng viên chiến trường phơi thân giữa hai làn đạn; khi trong vai “thám tử” điều tra các vụ việc; khi viết bài phản ánh tiêu cực hoặc khi đụng chạm tới các thế lực nhiều tiền, nhiều quyền… trong xã hội.
Không hiếm lời đe dọa, lăng mạ, hành hung, thậm chí ám sát nhà báo khi họ vì chính nghĩa, vì đất nước và nhân dân quyết làm rõ sự thật, đưa ra công luận những tác phẩm báo chí làm chấn động xã hội.
Tuy nhiên, chỉ có những nhà báo đích thực mới dám dấn thân để ngợi ca và phê phán xã hội bằng những tác phẩm mang cái tâm, cái tầm xứng đáng với danh xưng của mình. Những nhà báo như thế trước hết và xuyên suốt là người có lòng yêu nước, thương dân. Họ sẵn sàng có mặt ở điểm nóng, mũi nhọn của cuộc sống, không nề hà vất vả khó khăn, chấp nhận sự thiệt thòi hoặc hy sinh vì Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.
Phóng viên phỏng vấn thương nhân đến Bắc Giang thu mua vải thiều. |
Trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc cũng như sự nghiệp dựng xây đất nước đã có hàng trăm nhà báo là liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Họ không vắng mặt trên những mặt trận, chiến trường nóng bỏng gian khổ nhất; nhiều nhà báo - chiến sĩ đã ghi công vào trang sử vẻ vang bi tráng của dân tộc Việt Nam. Họ là những tấm gương soi sáng cho thế hệ mai sau.
Chúng ta có lý do chính đáng để tự hào với đội ngũ nhà báo cách mạng Việt Nam. Cả trong quá khứ và hiện tại. Cuộc sống trên mọi miền đất nước hôm nay, từ hội trường Quốc hội đến những vùng biên cương, biển đảo xa xôi đã được phản ánh kịp thời trên các trang báo nóng hổi. Báo hình, báo nói, báo viết, báo điện tử đã bám sát đời sống xã hội ghi nhận kịp thời những thành tựu, thành tích, chiến công của quân và dân ta trong công cuộc đổi mới dựng xây và bảo vệ đất nước đang còn rất nhiều gian khó, thách thức, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến đông đảo nhân dân.
Báo chí cũng luôn tiên phong trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực bằng những tác phẩm báo chí sâu sát, sắc sảo, nóng bỏng. Báo chí cất lên tiếng nói chính đáng của nhân dân, là điểm tựa tin cậy để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Không ít quyền lợi của người dân đã được thực hiện thông qua sự phản ánh kịp thời, trung thực của báo chí.
Không thể nói khác được, sự dấn thân lặng lẽ là tiêu chí để định danh một nhà báo. Mỗi hiện thực xã hội, mỗi hoàn cảnh tác nghiệp là một đỉnh núi mà người làm báo cần biết cách vượt qua. Và, xin nhắc lại lần nữa, vượt qua mình, chiến thắng mình mới là cái khó nhất, lớn nhất với người làm báo. |
Đất nước vừa trải qua hơn hai năm cực kỳ gian khổ, nhiều thử thách không lường hết. Đại dịch Covid-19 như một “cơn bão đen” cực kỳ nguy hiểm bao trùm lên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chưa kể mất mát về con người để lại muôn vàn đau thương cho chúng ta, đại dịch ấy gây nên sự thiệt hại về kinh tế vô cùng to lớn.
Giữa những ngày tháng đó, nhiều nhà báo đã có mặt ở các tâm dịch, điểm nóng như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Giang… để phản ánh nhanh tinh thần “chống dịch như chống giặc” của quân và dân ta, biểu dương kịp thời những thầy thuốc, các chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng thanh niên ở tuyến đầu cũng như chia sẻ với đau thương mất mát của đồng bào.
Vào tâm dịch là có thể nhiễm bệnh, có thể ra đi như bao người xấu số khác nhưng nhiều nhà báo vẫn sẵn sàng chấp nhận điều đó để làm tròn chức trách người cầm bút. Thiên tai xảy ra, những nhà báo lại có mặt trong mưa to gió lớn, từ giữa tâm bão, trên đỉnh lũ nhiều tác phẩm báo chí hay đã ra đời và lan tỏa rộng rãi trong nhân dân. Biển đảo, biên giới hôm nay không còn xa xôi nữa khi có những tác phẩm báo chí được ra đời từ những vùng miền này.
Tuy nhiên, ta không thể không nhắc tới những “con sâu” trong làng báo. Tuy nó ít ỏi thôi nhưng đã làm ảnh hưởng tới vị thế của nền báo chí nước nhà. Đó là những người lợi dụng cái danh nhà báo để làm điều khuất tất, tăm tối nhằm thu lợi cho mình. Hành vi đe dọa, “tống tiền”, nhận hối lộ của một số người làm báo đã bị vạch trần, xử lý. Đấy là những người làm báo bị thoái hóa, biến chất, sự dấn thân vì đất nước, vì nhân dân của họ đã bị đánh mất. Họ không chiến thắng được mình và kết cục như thế nào thì mọi người đã rõ.
Với người làm báo, không gì quý hơn danh dự và cần thiết hơn là tài năng. Những tác phẩm báo chí xuất sắc đều được hội tụ khá đầy đủ hai yếu tố đó. Danh dự và tài năng của người làm báo được thể hiện rõ ràng nhất trong những tác phẩm báo chí lay động lòng người. Không phải chỉ các tác phẩm văn học mới chiếm lĩnh được tâm hồn người đọc mà những tác phẩm báo chí xuất sắc cũng làm tốt điều đó.
Hiệu ứng của một tác phẩm báo chí hay có thể vượt ra ngoài khuôn khổ của những con chữ, lời đọc, bộ phim, bức ảnh… để bay xa và cuối cùng thấm sâu vào trái tim hàng triệu, hàng triệu người. Chỉ có những nhà báo biết dấn thân mới làm được điều đó.
Sự hời hợt, nhạt nhẽo, được chăng hay chớ chỉ cho ra những bài báo vô thưởng, vô phạt. Sự thoái hóa, biến chất của người làm báo sẽ cho ra những món ăn “độc hại”, những sản phẩm giả dối cho xã hội. Nó tiếp tay cho cái xấu, cái ác tồn tại và phát triển. Đó là điều một xã hội văn minh không thể, không bao giờ chấp nhận.
Không thể nói khác được, sự dấn thân lặng lẽ là tiêu chí để định danh một nhà báo. Cái đó được đo bằng các tác phẩm báo chí chân thực, nóng hổi, kịp thời, xúc động khi viết về những cái tốt đẹp hay cái xấu xa trong cuộc sống. Mỗi hiện thực xã hội, mỗi hoàn cảnh tác nghiệp là một đỉnh núi mà người làm báo cần biết cách vượt qua. Và, xin nhắc lại lần nữa, vượt qua mình, chiến thắng mình mới là cái khó nhất, lớn nhất với người làm báo.
Nguyễn Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc (0)