Kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị: Nghĩa tình ngày gặp lại
Mới đây, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 huyện Việt Yên tổ chức kỷ niệm 50 năm diễn ra sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng trị (từ 28/6 đến 16/9/1972). Từ đầu giờ sáng, hơn 100 hội viên đã có mặt đông đủ. Các cựu binh dành cho nhau những cái ôm, nắm tay thật chặt.
Cựu chiến binh Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 huyện Việt Yên gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm diễn ra sự kiện lịch sử. |
Thời gian trôi đi, người lưng còng, người tóc bạc trắng, có thể quên chuyện này chuyện khác nhưng ký ức những ngày tháng chiến đấu anh dũng nơi Thành cổ thì chẳng hề nhạt phai. Họ hỏi han, khoác vai nhau và cùng bước vào hội trường như thời mười tám, đôi mươi hành quân ra trận.
Tiếng nhạc vang lên, tất cả cùng lắng nghe bài hát “Gặp lại nhau đây/ Những cựu chiến binh/ Tưởng như năm tháng ngày xưa hiện về/ Gặp lại nhau đây/ Ai còn ai mất/ Để lòng tôi xao xuyến bồi hồi…”. Cứ thế, ký ức một thời tuổi trẻ xông pha nơi tiền tuyến ùa về trong mỗi người lính già.
Ông Nguyễn Danh Bình, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 huyện Việt Yên xúc động: “Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ diễn ra như huyền thoại, là khúc tráng ca hào hùng của lịch sử, là ký ức không thể nào quên của mỗi người. Ngày ấy, chúng ta đã thề với non sông rằng còn người còn Thành cổ, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Khó khăn, gian khổ ngoài sức tưởng tượng song chúng ta đã chiến đấu anh dũng.
Cựu chiến binh Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 huyện Việt Yên gặp mặt. |
Hôm nay, đứng tại đây, tôi không biết diễn tả cảm xúc của mình như thế nào…”. Cả hội trường im lặng tiếp tục lắng nghe câu chuyện của ông Bình, đâu đó cũng chính là chuyện của những đồng đội khác. 17 tuổi, chàng thanh niên trẻ ở xã Quảng Minh (Việt Yên) Nguyễn Danh Bình nhập ngũ vào K15 (tức Tiểu đoàn 15 Đặc công), Mặt trận B5.
Ngày nắng cũng như hôm mưa, người lính trẻ cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn luồn sâu, đánh phá các sở chỉ huy, ụ pháo của địch, ngăn không cho địch xông vào đánh phá Thành cổ. Sau trận cuối cùng, đơn vị chỉ còn 21 người, mất mát lớn nhất là gần 600 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Nói xong cổ ông nghẹn lại, giọng lạc đi. Hay như câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Quang Khải cũng khiến mọi người xúc động.
Năm nay, ông đã bước sang tuổi 84, mắt mờ, chân chậm nên khi được mời lên phát biểu, phải nhờ đồng đội dìu từng bước. Ông là bộ đội thông tin, để bảo đảm thông tin liên lạc trong điều kiện địa hình rừng núi, bom đạn quân thù bủa vây là điều không hề dễ. Ông nói: “Dây thông tin đứt ở đâu, chúng tôi nhanh chóng nối lại ở đó, nhiều lần phải bơi qua sông Thạch Hãn sang bờ bên kia nối dây ngay bên cạnh đồng đội đã hy sinh nhưng chưa lần nào chúng tôi than vãn, chùn bước”.
Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Bắc Giang hiện có gần 1 nghìn hội viên. Về đời thường, những cựu binh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, động viên nhau lúc ốm đau hoạn nạn, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. |
Dịp này, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 ở tất cả các huyện, TP khác trong toàn tỉnh đều tổ chức gặp mặt.
Ông Cao Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh nhấn mạnh: “Sau 81 ngày đêm năm ấy, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và ba xã thuộc huyện Hương Điền (Thừa Thiên - Huế), tiêu diệt khoảng 27 nghìn tên địch, phá hủy hàng nghìn xe tăng, thiết giáp, máy bay.
Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó nhiều quân nhân là con em tỉnh Bắc Giang. Ngày hôm nay, chúng ta gặp lại nhau để ôn lại những tháng ngày quyết chiến nơi chảo lửa, để nhắc nhớ, giáo dục cho thế hệ trẻ về sự kiện lịch sử hào hùng".
Được biết, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Bắc Giang hiện có gần 1 nghìn hội viên. Về đời thường, những cựu binh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, động viên nhau lúc ốm đau hoạn nạn, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Năm 2021, hội viên ủng hộ vật chất, kinh phí giúp lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 với tổng số tiền hơn 120 triệu đồng. Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 huyện Lục Ngạn có nhiều điển hình làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Qua đó càng tô thắm hình ảnh kiên cường, bất khuất của những cựu chiến binh đã từng tham gia sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm xưa.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)