Bắc Giang: Kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị
Đại tá Lê Văn Thắng tặng hoa tại Lễ kỷ niệm. |
Tham dự có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Ngọc Văn, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược (Bộ Quốc phòng); Đại tá Lê Văn Thắng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang; lãnh đạo huyện Hướng Hóa và Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị).
Cùng dự có đại diện một số ngành, hội, đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh cùng 150 đại biểu, hội viên.
Trong âm hưởng hào hùng, các cựu chiến binh (CCB) đã ôn lại những trận đánh, những kỷ niệm của 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972) bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Thành cổ Quảng Trị - một tiêu điểm ác liệt diễn ra suốt cả ngày và đêm là nơi thể hiện tinh thần anh dũng hy sinh, chiến đấu phi thường, ghi dấu sức mạnh kiên cường, ý chí bền bỉ mạnh mẽ của quân và dân ta. Sự kiện này mãi là khúc tráng ca trong lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Thắng lợi này đã tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh và đấu tranh ngoại giao, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
Các đại biểu, cựu chiến binh tham dự Lễ kỷ niệm. |
Trong 81 ngày đêm lịch sử này, tỉnh Bắc Giang có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hơn 100 sinh viên đang học tập tại các trường đại học đã vào trận.
Bất chấp mọi hiểm nguy, vượt sông Thạch Hãn giữa mưa bom, bão đạn của kẻ thù, mưa lũ lớn, các chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường để bảo vệ Thành cổ. Nhiều chiến sĩ hy sinh, máu xương các anh hòa vào đất đai, cây cỏ, hòa vào dòng sông Thạch Hãn linh thiêng và nằm lại trong lòng đất mẹ Thành cổ. Nhiều người trở về mất một phần thân thể, bị ảnh hưởng chất độc hóa học, di chứng của chiến tranh…
Trung tướng Nguyễn Ngọc Văn, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược (Bộ Quốc phòng) ôn lại kỷ niệm chiến trường. |
Những năm qua, các cấp Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng của sự kiện 81 ngày đêm. Cùng đó lan tỏa tinh thần “Đền ơn đáp nghĩa” đến đông đảo hội viên, nhân dân và học sinh trên địa bàn tỉnh thông qua những hoạt động giáo dục truyền thống, tri ân nghĩa tình, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, tổ chức lễ kỷ niệm, lễ cầu siêu, thăm lại chiến trường xưa…
Phát biểu tại đây, Đại tá Lê Văn Thắng ghi nhận sự hy sinh cao cả, những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của những người lính Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Bắc Giang; cảm ơn lãnh đạo huyện Hướng Hóa, huyện Triệu Phong-là nơi đã nuôi dưỡng đùm bọc, chở che những cán bộ, chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị nói chung và cán bộ, chiến sĩ là con em của tỉnh Bắc Giang nói riêng đã về dự lễ kỷ niệm. "Trên cương vị Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang, bản thân luôn tự hào và trân trọng những chiến công oanh liệt và sự mất mát hy sinh không gì có thể so sánh được của lớp lớp cha anh đi trước; là tấm gương sáng cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ, sỹ quan trẻ noi theo"- Đại tá Lê Văn Thắng nhấn mạnh.
Những tiết mục văn nghệ, bài ca cách mạng vang lên tại lễ kỷ niệm. |
Đồng chí cho biết: “Tham dự buổi lễ hôm nay, tôi có suy nghĩ đây không đơn thuần là một buổi gặp mặt, kỷ niệm thông thường mà cao hơn nữa là một hội thảo về sự kiện 81 ngày đêm. Các đồng chí đã đưa ra những luận chứng khoa học nhằm đấu tranh với những luận điệu, quan điểm chưa đúng về sự kiện này nên càng có ý nghĩa sâu sắc. Đây là bài học ghi nhớ nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuẩn mực cho lớp sỹ quan sau này”.
Kế thừa và phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, trở lại với cuộc sống đời thường, các CCB Thành cổ đã tích cực tham gia xây dựng và quê hương, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổ chức nhiều hoạt động tình nghĩa, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống; tham gia phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh; là những tấm gương sống để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Những việc làm đó đã góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh vượt qua khó khăn, chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” của tỉnh đã đề ra.
Tin, ảnh: Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)