Thị xã Việt Yên: Hiệu quả từ dạy kỹ năng số trong trường học
BẮC GIANG - Thời gian qua, các trường THCS trên địa bàn thị xã Việt Yên đã tích cực đưa nội dung về 5 kỹ năng số cơ bản vào giảng dạy trong chương trình ngoại khóa hoặc hoạt động tập thể. Qua đó giúp học sinh hiểu rõ hơn về tiện ích của công nghệ số để ứng dụng vào đời sống và trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng.
Có mặt trong giờ sinh hoạt của lớp 9A1, Trường THCS Việt Tiến, chúng tôi thấy không khí tiết học rất sôi nổi. Cô Đặng Thị Thu Hiền, giáo viên Khoa học tự nhiên đang sử dụng điện thoại thông minh, máy vi tính, tivi kết nối mạng Internet để giới thiệu kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến cho học sinh. Đối với mỗi nội dung số, cô giáo vừa giới thiệu cách thức thực hiện vừa trực tiếp thao tác và hướng dẫn các em theo hướng “cầm tay chỉ việc”.
Cô Đặng Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THCS Việt Tiến dạy kỹ năng số cơ bản cho học sinh. |
Cô Hiền chia sẻ: “Sau khi được tập huấn, tôi đã nghiên cứu và thực hành nhiều lần để thành thục các thao tác. Quá trình giảng dạy tôi đều lồng ghép với công việc hằng ngày, gần gũi với học sinh để các em dễ nhớ, dễ áp dụng. Đơn cử như kỹ năng thanh toán trực tuyến, tôi hướng dẫn học sinh cách đóng tiền học qua tài khoản. Theo đó, nhà trường sẽ chuyển thông báo thu tiền kèm mã QR gửi cho phụ huynh học sinh; chỉ cần quét mã, số tiền cần đóng sẽ hiện ra cụ thể và tiền học được chuyển thẳng vào tài khoản của trường”.
Được thầy cô hướng dẫn, đông đảo học sinh Trường THCS Việt Tiến đã biết sử dụng, có thể hướng dẫn phụ huynh đóng tiền học qua tài khoản. Từ năm học 2023- 2024 đến nay, 100% các khoản thu của nhà trường đều thanh toán theo hình thức không dùng tiền mặt. Em Nguyễn Thị Khánh Linh, học sinh lớp 9A1 chia sẻ: “Sau khi được cô giáo giảng dạy kỹ năng số, em về nhà hướng dẫn lại cho mẹ để mẹ thao tác. Em thấy việc thanh toán trực tuyến rất tiện ích. Em không còn lo làm rơi, mất tiền khi phải mang tiền mặt đến đóng học như trước”.
Năm nội dung kỹ năng số cơ bản gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến; tự bảo vệ mình trên không gian mạng; sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương. |
Thực hiện công tác chuyển đổi số, thị xã Việt Yên đặt mục tiêu phấn đấu mỗi gia đình có ít nhất một người thành thạo 5 kỹ năng số cơ bản, tiến tới xây dựng công dân số. Đó là: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng, sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.
Thị xã Việt Yên có 19 Trường THCS. Ngay đầu năm học 2023-2024 và 2024 - 2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các nhà trường tuyên truyền tài liệu bồi dưỡng “Phổ cập kỹ năng số cộng đồng” của Bộ Thông tin và Truyền thông để cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và người dân có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng học tập, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số mọi lúc, mọi nơi, đơn giản.
Xây dựng kế hoạch, chương trình dạy 5 nội dung kỹ năng số cơ bản trong chương trình ngoại khóa hoặc hoạt động tập thể. Phân công giáo viên có kỹ năng sử dụng công nghệ số thành thạo, nhiệt tình với hoạt động cộng đồng tham gia các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn cư trú. Rà soát, bảo đảm các điều kiện hạ tầng số, đường truyền băng thông, triển khai nền tảng thích hợp, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm an toàn thông tin để vận hành hệ thống.
Các em học sinh Trường THCS Việt Tiến tìm hiểu kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến. |
Theo ông Trần Văn Huân, Phó trưởng Phòng GD&ĐT thị xã, Việt Yên có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện giảng dạy kỹ năng số cho học sinh Trường THCS. Bởi giáo viên, học sinh đã thành thạo sử dụng các phần mềm, ứng dụng học tập, quản lý trên mạng Internet. Cơ sở vật chất không ngừng được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Qua thời gian triển khai dạy kỹ năng số ở trường học cho thấy các em học sinh không những nắm bắt tốt, áp dụng vào các hoạt động thường ngày mà còn trở thành tuyên truyền viên tích cực, hướng dẫn mọi người xung quanh. Tỷ lệ thanh toán các khoản thu trong cơ sở giáo dục của thị xã theo hình thức không dùng tiền mặt đạt cao; thị xã Việt Yên xếp thứ 2 tỉnh về chỉ số chuyển đổi số năm 2023.
Đơn cử như Trường THCS Bích Sơn, để làm tốt công tác giảng dạy 5 kỹ năng số cơ bản, nhà trường quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng chất lượng đội ngũ. Thầy giáo Trần Kim Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có gần 1,1 nghìn học sinh với 26 lớp; 43 giáo viên đứng lớp.
Đội ngũ giáo viên trẻ, thành thạo kỹ năng số, các phần mềm, ứng dụng. Xác định việc phổ cập kỹ năng số rất quan trọng trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, nhà trường lựa chọn giáo viên dạy môn Tin học, giáo viên chủ nhiệm và Tổng phụ trách Đội trực tiếp tham gia dạy về kỹ năng số.
Cùng đó dành kinh phí đầu tư, nâng cấp đường truyền mạng, hệ thống wifi, máy tính phục vụ giảng dạy. Bên cạnh việc hướng dẫn học sinh thao tác nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến, đội ngũ giáo viên nhà trường còn tuyên truyền, hướng dẫn các em cách bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, phân biệt tin tốt, tin xấu và phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.
Giáo viên Trường THCS Bích Sơn hướng dẫn học sinh cách bảo vệ bản thân trên không gian mạng. |
Theo ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã, việc triển khai dạy 5 kỹ năng số trong trường học là một trong những cách làm hiệu quả nhằm phổ cập công nghệ số trong cộng đồng. Để làm tốt công tác chuyển đổi số trong thời gian tới, thị xã tiếp tục dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, đào tạo đội ngũ.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch đẩy mạnh dạy tin học và ứng dụng công nghệ thông tin trong trường phổ thông gắn với kế hoạch chuyển đổi số của thị xã. Mục tiêu đến 2030, mỗi trường tiểu học, THCS được trang bị tối thiểu 3 phòng học thông minh; thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện ngành giáo dục, phấn đấu đưa ngành giáo dục Việt Yên nằm trong nhóm dẫn đầu của tỉnh về chuyển đổi số.
Ý kiến bạn đọc (0)