50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị: Vang mãi bản hùng ca
Để tiếp tục củng cố vững chắc thế thượng phong ở Hội nghị Paris đang đi vào hồi kết và cũng là tạo áp lực lớn hơn lên chính quyền của Tổng thống Mỹ Richard Nixon từ Quốc hội và cử tri Mỹ, tháng 3/1972, ta mở cuộc tổng tấn công chiến lược trên toàn miền Nam và các hướng chiến lược quan trọng, tập trung chủ yếu trên hướng Trị - Thiên.
Quân giải phóng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu. |
Sau 3 đợt tấn công, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và 3 xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là một đòn tấn công chiến lược “Choáng váng và bất ngờ” giáng vào Mỹ - Ngụy. Mất Quảng Trị, Mỹ sẽ phải về tay không từ Hội nghị Paris.
Do vậy, ngày 28/6/1972, Mỹ - Ngụy đã huy động tối đa những đơn vị chủ lực, cơ động, chiến lược, tinh nhuệ và thiện chiến nhất của quân lực Việt Nam Cộng hòa, cùng với việc “Mỹ hóa” tối đa trở lại cuộc chiến của Mỹ ở mặt trận Trị - Thiên bằng không quân và hải quân, hỗ trợ không hạn chế cho “Chiến dịch Lam Sơn 72” với mật lệnh “Thần tốc xông lên, tái chiếm lãnh thổ”.
Mục tiêu và quyết tâm chiến lược của “Chiến dịch Lam Sơn 72” là “Bằng mọi giá tái chiếm Quảng Trị” lập lại tình hình toàn bộ ở Quảng Trị như trước ngày 30/3/1972 (trước ngày ta tấn công giải phóng Quảng Trị). Mục tiêu cụ thể của "Chiến dịch Lam Sơn 72" là trước 2 tuần (trước ngày 10/7) “Cắm cờ hội quân Thành cổ Quảng Trị” để phục vụ cho phiên họp thứ 150 Hội nghị Paris dự định họp vào ngày 13/7/1972, sau 3 tháng tái chiếm toàn bộ tỉnh Quảng Trị.
Phía ta, cùng với quyết tâm và mục tiêu chiến lược là bằng mọi giá giữ vững Thành cổ Quảng Trị, thị xã Quảng Trị và toàn bộ vùng giải phóng Quảng Trị cũng là để giữ vững thế thượng phong ở Hội nghị Paris đang đi vào hồi kết. Một cuộc quyết chiến chiến lược đến từ hai phía nhằm “Quyết giành” và “Quyết giữ” Thành cổ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị bằng mọi giá.
Tính khốc liệt của chiến tranh được đẩy lên ở mức cao nhất. Sau khi kết thúc cuộc chiến, nghe trực tiếp cán bộ ta báo cáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói: “Hàng ngày, thậm chí hàng giờ tôi nghe cơ quan tham mưu báo cáo, nhưng không hình dung nổi mức độ ác liệt diễn ra như các đồng chí báo cáo hôm nay”.
Với sự huy động tối đa lực lượng mạnh nhất của quân lực Việt Nam Cộng hòa, cùng sự hỗ trợ không hạn chế của không quân và hải quân Mỹ, Mỹ - Ngụy tin rằng sẽ nhanh chóng đè bẹp ý chí chiến đấu của quân ta để tái chiếm Quảng Trị. Thế nhưng, khi đã quá thời hạn để thực hiện mục tiêu “Cắm cờ hội quân Thành cổ”, các hướng tiến quân của Mỹ - Ngụy vẫn còn bị kìm chân cách xa Thành cổ.
Biết không thể chiếm lại toàn bộ tỉnh Quảng Trị, Mỹ - Ngụy thu nhỏ mục tiêu chiến lược của "Chiến dịch Lam Sơn 72" về mức tối thiểu là “Cắm cờ, quay phim chụp ảnh Thành cổ Quảng Trị” - một chiến thắng mang tính biểu tượng cho sức mạnh của quân lực Việt Nam Cộng hòa nhằm tuyên truyền khuếch trương chiến thắng, đánh lừa dư luận Mỹ và Quốc hội Mỹ; để có cái mặc cả với phía ta ở Hội nghị Paris.
Cuộc chiến “Cắm cờ” và “Chống cắm cờ” giữa địch và ta diễn ra vô cùng kịch tính, ác liệt. Đã có không dưới chục lần Mỹ - Ngụy phải gia hạn “cắm cờ”, đồng thời gia hạn cho phiên họp chính thức thứ 150 của Hội nghị Paris được tổ chức. Khi mà lòng tin của Mỹ về sức mạnh quân lực Việt Nam Cộng hòa đã cạn, ý chí của Mỹ “Duy trì thế mạnh về chính trị trên bàn đàm phán Hội nghị Paris” đã bị đánh bại, ngày 11/9/1972, Cố vấn Mỹ Kissinger đã chấp nhận phương án ngừng bắn, rút quân.
Ngày 16/9/1972, ta chủ động rút khỏi Thành cổ Quảng Trị, quân Ngụy chiếm lại và cắm cờ lên Thành cổ, tuyên bố chiến thắng, kết thúc "Chiến dịch Lam Sơn 72" diễn ra trong 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972). Ta rút lui khỏi Thành cổ, hơn 80% diện tích tỉnh Quảng Trị vẫn do phía ta kiểm soát. Các căn cứ, yếu điểm quan trọng về quân sự vẫn do ta chiếm giữ cho tới khi Hiệp định Paris được ký kết.
Cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 chính là cuộc chiến chúng ta đã đánh bại "Chiến dịch Lam Sơn 72" của Mỹ - Ngụy. Đó không chỉ là bản anh hùng ca về lòng dũng cảm mà còn là biểu hiện nổi bật của trí thông minh, sáng tạo về cách đánh giặc của dân tộc Việt Nam.
Thân Quang Hoạt (Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 TP Bắc Giang)
Ý kiến bạn đọc (0)