Khi băng tan, hé lộ bí ẩn trên đỉnh Everest
Everesthay Chomolungma là đỉnh núi cao nhất trên Trái Đất so với mực nước biển. Tính đến thời điểm hiện tại là 8.848 m, giảm khoảng 2,4 cm sau trận động đất tại Nepal ngày 25-4-2015 và đã dịch chuyển 3 cm về phía Tây Nam. Đỉnh Everest có hai đường lên chính, một đường phía Đông Nam xuất phát từ Nepal và đường phía Đông Bắc từ Tây Tạng, ngoài ra còn có 13 đường leo ít thông dụng khác.
Trong hai con đường chính, sườn núi phía Đông Nam dễ lên hơn về mặt kỹ thuật và do vậy là đường leo được sử dụng thường xuyên hơn. Đây cũng là tuyến đường Edmund Hillary và Tenzing Norgay đi qua vào năm 1953. Tuy nhiên, quyết định chọn con đường này là do hoàn cảnh chính trị hơn là chủ ý bởi biên giới Tây Tạng đã bị đóng lại đối với người nước ngoài vào năm 1949.
Đỉnh Everest cao 8.848 m so với mực nước biển. |
Việc chinh phục Everest thường được thực hiện vào tháng 4 hay tháng 5 trước khi mùa mưa xuất hiện, ngoài ra đây cũng là thời điểm tốc độ gió trên đỉnh núi giảm. Mặc dù là ngọn núi cao nhất thế giới nhưng Everest lại là địa danh du lịch hấp dẫn, nhất là với nhóm người ưa mạo hiểm, thích khám phá yếu tố mới lạ. Gần đây, do biến đổi khí hậu cực đoan, băng tan nhanh nên trên tuyến đường lên Everest lộ ra nhiều xác người còn nguyên vẹn. Theo thống kê, trong số gần 5.000 người được cho đã chinh phục thành công Everest thì có tới khoảng 300 người đã bỏ mạng trên đường đi.
Trong du lịch, những gì được xem là mạo hiểm lại càng kích thích tính tò mò của con người. Bởi vậy, việc chinh phục Everest cũng không phải là ngoại lệ. Hành trình đầy gian nan và nguy hiểm lên nóc nhà thế giới Everest thường gặp phải những chướng ngại vật bất ngờ và nguy hiểm, như tuyết lở, địa hình hiểm trở, nhiệt độ quá lạnh, áp lực giảm, gió thổi mạnh kèm theo tuyết bay... Trong số 300 thi thể hiện đang nằm trên Everest, phần lớn còn nguyên vẹn do được tuyết bảo vệ.
Gần đây, các thi thể này bắt đầu lộ thiên do băng tan chảy. Băng tan tại nhiều nơi, đặc biệt là tại khu vực Khumbu Icefall (thác băng Khumbu), địa điểm nguy hiểm nhất trên hành trình leo núi. Tại đây có các khối băng khổng lồ có thể sập bất cứ lúc nào và lộ ra nhiều điều bất ngờ, đặc biệt là các xác chết nguyên vẹn giống như người đang ngủ.
Trên thực tế, ở phía Bắc Everest nơi có cung đường được các nhà leo núi đặt tên Cầu Vồng (Rainbow Ridge) có nhiều xác chết nhất. Trong số này có người còn lộ nguyên quần áo y chang khi còn sống, kèm theo dụng cụ leo núi. Đây cũng là khu vực nhiều hướng dẫn viên người Sherpa bị thiệt mạng nhất. Theo tờ Guardian của Anh, vụ lở tuyết ngày 18-4-2014 trên đỉnh Everest đã cướp đi sinh mạng của 16 hướng dẫn viên người Sherpa. Thảm họa này xảy ra ra sớm hơn mọi năm khiến thiệt hại khó lường, trong đó có lý do biến đổi khí hậu gây ra.
Đỉnh Everest nhìn từ Tây Tạng. |
Các hướng dẫn viên du lịch người Sherpa nói trên được truyền thông thế giới tôn vinh là những người hùng. Họ đều là những vận động viên leo núi điệu nghệ và lão luyện, đảm nhận việc “thồ hàng” khuân vác dụng cụ, nấu ăn và hướng dẫn di chuyển trên núi. Nếu không có các Sherpa, việc chinh phục Everest khó có thể thành công dù những người leo núi có giỏi đến mấy.
Theo hãng tin CBC, mỗi người Sherpa kiếm được từ 3.000-6.000 USD cho một mùa leo núi so với mức thu nhập bình quân đầu người Nepal là 700 USD. Ngoài thu nhập, các hướng dẫn viên Sherpa còn có địa vị cao trong cộng đồng, tuy nhiên mối nguy hiểm rập rình cũng không phải nhỏ. Tạp chí National Geographic cho biết, trong gần 300 người thiệt mạng có tới 40% các Sherpa và những hướng dẫn viên leo núi khác của Nepal. Các Sherpa không được cung cấp bình oxy như các nhà leo núi, không sử dụng thuốc kích thích để tăng cường thể lực.
Quan trọng hơn, trên Everest, họ phải làm nhiều việc nặng nhọc như khuân vác đồ đạc, mang thang, thả dây, chuẩn bị nơi ăn nghỉ... Thường xuyên phải di chuyển qua các nơi nguy hiểm như thác băng Khumbu hay Rainbow Ridge, nơi được mệnh danh là bẫy tử thần của Everest. Vào mùa leo núi hằng năm, mỗi Sherpa có khi phải khuân đồ đạc vượt qua thác băng Khumbu hàng chục lần bởi vậy họ phải đánh cược mạng sống của mình với thần chết chỉ vì miếng cơm manh áo.
Everest đóng vai trò cực lớn trong ngành công nghiệp du lịch Nepal, bởi vậy vai trò của các hướng dẫn viên Sherpa cũng rất quan trọng. Những cái chết bất thần của các Sherpa khiến cho ngành du lịch nước này gặp không ít khó khăn. Theo Hiệp hội Hướng dẫn leo núi quốc gia Nepal, đến nay chưa có con số chính xác về số người nằm lại trên đỉnh Everest.
“Thi thể giày xanh” Tsewang Paljor. |
Tính đến năm 2015 người ta ước tính có khoảng 200 người được biết đến, trong số này có Tsewang Paljor, thi thể được xem là nổi tiếng nhất Everest với biệt danh “thi thể giày xanh” (Green Boots). Tsewang Paljor trông như người đang ngủ, nằm nghiêng về một bên, ngay dưới khối đá với chiếc mũ che kín mặt, hai tay khoanh trước ngực như thể để chống lại cái giá lạnh. Đôi chân duỗi ra gần lối đi, lộ ra đôi giày màu xanh lá cây giống như khi còn mới.
Thi thể giày xanh có niên đại trên 20 năm, nằm ở lối lên từ phía Bắc có tên Green Boots’ Cave (Hang giày xanh), điểm dừng chân nổi tiếng của những người chinh phục Everest nếu họ đi theo hướng này. Thi thể Tsewang Paljor vẫn còn nguyên vẹn trên Everest kể từ khi gặp nạn trong trận bão tuyết năm 1996. Theo Bách khoa thư mở, Tsewang Paljor là lính biên phòng Ấn Độ, mới chỉ 28 tuổi khi bị thiệt mạng trên Everest.
Tuy trẻ khỏe và giàu kinh nghiệm leo núi nhưng Everest lại có đủ cạm bẫy nên không lường hết nhất là những cú ngã bất ngờ, lở tuyết và cả yếu tố do sức khỏe của con người gây ra. Đặc biệt là tình trạng thiếu oxy ở độ cao, nó có thể phát sinh viêm phổi cấp, khiến mạch máu tiết dịch vào phổi, vào não người...
Theo nghiên cứu ở trên 200 ca tử vong tại Everest từ năm 1921 đến năm 2006, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts đã phát hiện thấy phần lớn các Sherpa chết ở độ cao thấp khi băng qua thác băng Khumbu. Trong khi đó, các khách hàng và người dẫn đường phương Tây lại hay thiệt mạng ở độ cao 8.000 mét khi đổ đồi. “Các ngọn núi không giết người mà đôi khi chính con người lại đoạt mạng của chính mình”, nghiên cứu nói trên đánh giá.
Vì sao các thi thể trên Everest hiện vẫn còn nguyên vẹn và để nguyên, đơn giản là do khí hậu lạnh được băng tuyết bảo vệ. Còn lý do sau là do chi phí và những nguy hiểm liên quan đến việc phục hồi. Theo nghiên cứu, cần từ sáu đến tám hướng dẫn viên Sherpa mới có thể đưa một thi thể từ Everest xuống dưới chân núi. Cơ thể của những người này rất nặng, đôi khi nặng gấp đôi trọng lượng nạn nhân khi còn sống, vì chúng bị đóng băng.
Các hướng dẫn viên Sherpas còn phải làm nhiều công việc khác như đào tuyết xung quanh. Chi phí cho các phần việc này không nhỏ, khái toán khoảng hàng chục ngàn đô la. Chưa kể, thi thể bị chôn vùi dưới băng sâu, trong khi đó chính bản thân người leo núi hay gia đình họ lại muốn ở lại nơi họ đã chết thay vì được đưa về nhà.
Bích Kim
Ý kiến bạn đọc (0)