Khám, chữa bệnh từ xa: Kết nối đa tuyến, tăng hiệu quả điều trị
Xử trí nhiều ca bệnh khó
Thực hiện đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025 của Bộ Y tế, từ tháng 10/2020, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế bố trí nhân lực, triển khai lắp đặt hệ thống phòng khám, hội chẩn, phẫu thuật kết nối liên thông. Ngành y tế tỉnh đặt mục tiêu khám, chữa bệnh từ xa giúp mọi người dân đều được tư vấn, khám, chữa bệnh; các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ bệnh viện T.Ư; người dân được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Thời điểm mới triển khai, đề án ưu tiên đầu tư các chuyên khoa: Tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu.
Phẫu thuật nối mạch máu cho bệnh nhân bị tai nạn lao động tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh sau khi hội chẩn trực tuyến với chuyên gia Bệnh viện Việt Đức. |
Thụ hưởng từ đề án bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã lắp đặt hệ thống hội chẩn trực tuyến với một số bệnh viện tuyến T.Ư từ nhiều năm trước. Thực hiện đề án khám, chữa bệnh từ xa, tháng 10/2020, Bệnh viện lắp đặt hệ thống trực tuyến Telehealth do Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội Viettel cung cấp trên nền tảng hệ thống hội chẩn trực tuyến của đề án bệnh viện vệ tinh. Hiện Bệnh viện đã có phòng hội chẩn, phòng mổ kết nối liên thông với các bệnh viện lớn như: Việt Đức, E, Bạch Mai, Đại học Y.
Theo lịch, hằng tuần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Việt Đức vào chiều thứ 3; với Bệnh viện Đại học Y vào chiều thứ 3 và thứ 5; với Bệnh viện E vào chiều thứ 4 và thứ 6. Ngoài ra, đơn vị sẽ hội chẩn cấp cứu trong những trường hợp khẩn cấp để kịp thời cứu sống bệnh nhân. Điển hình như trường hợp chị Vũ Thị Thêm (49 tuổi) ở xã Đại Lâm (Lạng Giang) bị hôn mê sau tai nạn giao thông. Tình trạng của bệnh nhân cần được hỗ trợ từ tuyến trên nên Bệnh viện đã mời các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức tham gia hội chẩn trực tuyến, kịp thời phẫu thuật chấn thương sọ não cho bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Vang, Phó trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: "Trước đây, với những ca bệnh nặng như trường hợp của chị Thêm đều phải chuyển tuyến T.Ư để can thiệp. Giờ đây, nhờ hệ thống trực tuyến Telehealth, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cùng hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đa khoa tỉnh để đưa ra phương án tối ưu nhất. Từ khi triển khai đến nay, Bệnh viện đã hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện T.Ư 8 ca khó, qua đó kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân".
Khám, chữa bệnh từ xa không thay thế khám, chữa bệnh truyền thống nhưng sẽ giúp tăng cường năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, đáp ứng nhiệm vụ khám, chữa bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là bước chuyển đổi số quan trọng trong ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân". Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế |
Lợi thế của khám, chữa bệnh từ xa là khi tuyến dưới gặp ca bệnh khó có thể đưa lên hệ thống kết nối khám, chữa bệnh từ xa để được hội chẩn với nhiều chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm. Bởi vậy, không chỉ ở bệnh viện công lập mà cả đơn vị ngoài công lập cũng tham gia. Tháng 10/2020, Bệnh viện Đa khoa Anh Quất ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) cũng triển khai dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa. Thời điểm này, Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa chủ yếu ở nhóm kỹ thuật ngoại khoa liên quan đến gây mê hồi sức, phẫu thuật đa chấn thương, tiêu hóa, tiết niệu. Nhờ hệ thống này, gần đây, Bệnh viện đã kết nối với nhiều bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tuyến T.Ư khi giải quyết các ca bệnh khó.
Nâng chất lượng khám, chữa bệnh
Theo bác sĩ chuyên khoa II Thân Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong các buổi hội chẩn thường quy, ngoài giải quyết ca bệnh cụ thể, các bác sĩ tuyến trên sẽ khái quát hướng xử trí, đồng thời lồng ghép đào tạo, tập huấn, giảng dạy online giúp tuyến dưới tinh thông hơn về nhận biết dấu hiệu lâm sàng, đọc kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Người bệnh cũng yên tâm hơn vì biết có một tập thể, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành đang nghiên cứu đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho mình.
Được biết, trong 1 nghìn cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh từ xa trên toàn quốc giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Bắc Giang có 16 bệnh viện và trung tâm y tế tham gia. Đến nay, 2 đơn vị là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang đã có hệ thống phòng khám, hội chẩn, phẫu thuật liên thông với các đơn vị tuyến T.Ư. Tại hai Trung tâm Y tế huyện Sơn Động và Yên Thế, sau khi trao tặng, Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông quân đội Viettel đang tiến hành lắp đặt hệ thống hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa. Các đơn vị còn lại đang phối hợp với Viettel Bắc Giang lắp đặt thiết bị chuẩn bị đưa vào hoạt động từ tháng 1/2021.
Trong bối cảnh điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, kỹ thuật ở một số trung tâm y tế tuyến huyện chưa phát triển theo kịp tiến bộ của nền y khoa hiện đại, thông qua hệ thống Telehealth trực tuyến, các bệnh viện tuyến tỉnh, T.Ư sẽ hỗ trợ các trung tâm y tế tuyến dưới thực hiện một số dịch vụ, kỹ thuật mới giúp chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả. Với một số nhóm bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, plus ban đỏ có thể thăm khám từ xa, giãn cách thời gian tái khám trực tiếp.
Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Thời gian tới, đề án khám, chữa bệnh từ xa tiếp tục đầu tư cho các chuyên khoa: Hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt. Đây là hình thức khám, chữa bệnh mới nên Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trang bị nền tảng công nghệ thông tin hiệu quả, kết nối đa tuyến phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở tuyến dưới ngoài kết nối ca cấp cứu khó cần có lịch hội chẩn trực tuyến ca bệnh thường quy vào ngày cố định trong tuần để cùng thảo luận, đưa ra hướng xử trí tối ưu, tránh tình trạng lắp đặt hệ thống tốn kém nhưng không đem lại hiệu quả điều trị, gây lãng phí".
Ý kiến bạn đọc (0)