Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp thúc đẩy dư nợ cho vay
Các đồng chí chủ trì hội nghị. |
Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh cùng đại diện 20 tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại (NHTM), hơn 50 DN, HTX, hộ kinh doanh trong tỉnh. Đến nay, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt hơn 78,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2021.
Thực hiện Nghị định 31, NHNN đã cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của DN, người dân; phổ biến, quán triệt kịp thời chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước. Chỉ đạo các ngân hàng thực hiện rà soát, tiếp cận, đánh giá khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất.
Qua thống kê có hơn 1,8 nghìn khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định của Nghị định 31 nhưng chỉ có 189 khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất. Tính đến 15/10, mới hỗ trợ lãi suất cho 10 khách hàng, với doanh số cho vay 36,3 tỷ đồng. 24 khách hàng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất.
Tại đây, đại diện một số DN, HTX cho rằng, quá trình thực hiện Nghị định 31 còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Khách hàng ngại vay vì thủ tục thanh tra, hậu kiểm; nhiều DN hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực và quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng nên việc bóc tách dư nợ gặp khó khăn. Nhiều đối tượng trong diện được hỗ trợ lãi suất nhưng không đáp ứng đủ điều kiện về đăng ký kinh doanh hay hóa đơn, chứng từ nên không được hỗ trợ.
Đại diện lãnh đạo DN thu mua nông sản tại huyện Yên Thế thông tin, do DN thu mua nông sản trực tiếp với nông dân nhưng muốn được hỗ trợ theo Nghị định 31 cần phải có hóa đơn đỏ. Việc này DN không thể đáp ứng đủ điều kiện vì nông dân không có hóa đơn.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Do đó, DN đề nghị xem xét lại điều kiện hỗ trợ đối với nội dung này. Một số đại biểu kiến nghị NHNN và các cơ quan chức năng cần tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm.
Cũng tại đây, một số DN quan tâm, kiến nghị về việc tăng lãi suất cho vay. Đại diện Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại 216 (Lạng Giang) nêu, thời gian qua, DN đồng loạt nhận được thông báo và áp dụng tăng lãi suất của các NHTM. Hiện nay, DN đang có dư nợ tại Vietinbank và Oceanbank. Đối với Vietinbank, từ tháng 5/2022, DN vay với lãi suất 6,5%/năm, tháng 7 điều chỉnh lên 7%/năm, tháng 8, tháng 9 lên 7,1%/năm.
Đồng thời, ngân hàng này áp dụng luôn tăng lãi suất đối với các khoản vay cũ từ ngày 3/10 mà không có văn bản gửi điều chỉnh lãi suất cho vay, tự ý điều chỉnh lãi suất.
Tương tự, Oceanbank từ ngày 5/10, tăng lãi suất vay từ 6,15%/năm lên 7,2%/năm và tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ gây khó khăn cho DN.
Đại diện Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Bắc Giang nêu khó khăn vay theo Nghị định 31. |
Qua đề xuất của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Văn Oánh, Giám đốc NHNN tỉnh ghi nhận và chia sẻ những khó khăn mà NHTM và các khách hàng trong triển khai thực hiện Nghị định số 31 của Chính phủ.
NHNN sẽ tổng hợp những vướng mắc, bất cập của việc thực hiện Nghị định 31 trên địa bàn tỉnh gửi NHNN Việt Nam kiến nghị Chính phủ điều chỉnh kịp thời; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để DN, HTX và các hộ kinh doanh tiếp cận kịp thời chương trình hỗ trợ lãi suất; nắm bắt, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; kiểm tra, xử lý những trường hợp thực hiện không đúng quy định.
Đồng chí Nguyễn Văn Oánh cũng thông tin, tăng lãi suất tiền gửi, cho vay là chính sách điều hành tiền tệ của Nhà nước do tác động của kinh tế thế giới. Việc này ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN nhưng vì lợi ích chung nên các DN cùng đồng hành, chia sẻ. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất của các NHTM cần có sự thỏa thuận theo hợp đồng và bảo đảm công khai, minh bạch với khách hàng, tránh tình trạng tăng đột ngột, tự ý tăng mà khách hàng vay không nắm được, gây bức xúc.
Tin, ảnh Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)