Phụ nữ liên kết, giúp nhau phát triển kinh tế
BẮC GIANG - Xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Giang đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên vươn lên trong cuộc sống.
Tạo việc làm, tăng thu nhập
Theo chân cán bộ Hội LHPN phường Trần Phú (TP Bắc Giang), chúng tôi đến thăm cơ sở may quần áo đồng phục học sinh Tuấn Hoa của chị Nguyễn Thị Hoa, chủ cơ sở, Phó Chủ nhiệm Tổ hợp tác may gia công Hoàng Hoa Thám đúng lúc chị và các thành viên đang kiểm hàng giao cho khách. Mỗi người một việc, những cánh tay thoăn thoắt cắt chỉ thừa, gấp gọn và đóng túi.
Tổ hợp tác may gia công Hoàng Hoa Thám, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) tạo việc làm ổn định cho nhiều chị em phụ nữ. |
Chị Nguyễn Thị Phượng (SN 1976), thành viên của tổ cho biết: "Trước đây, tôi hay nhận đơn gia công quần áo ở nhà nhưng đơn hàng không đều, thu nhập bấp bênh. Tham gia tổ hợp tác, công việc đều đặn mỗi ngày, thu nhập 6-8 triệu đồng/tháng tùy vào số ngày làm việc". Được biết, Tổ hợp tác may gia công Hoàng Hoa Thám thành lập từ tháng 6/2024 với 10 thành viên; là tổ hợp tác đầu tiên của phụ nữ phường Trần Phú.
Theo chị Lê Thị Thu Giang, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Hoàng Hoa Thám, chủ nhiệm tổ hợp tác, đặc thù chi hội có nhiều chị em làm nghề may, sửa chữa quần áo. Bởi vậy, việc thành lập tổ để liên kết, hỗ trợ nhau sản xuất sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Cụ thể, các thành viên khi tham gia tổ sẽ được chị Nguyễn Thị Hoa chia đơn công việc. Mỗi người một công đoạn, ai chưa biết nghề may thì được hướng dẫn.
Mới đây, thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hòa) ra mắt mô hình tổ liên kết sản xuất bánh chưng Bắc Lý. Bánh được sản xuất từ gạo nếp cái hoa vàng Bắc Lý - đặc sản của vùng đất này. Theo chị Nguyễn Thị Huân, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn, gạo nếp cái hoa vàng Bắc Lý đạt chuẩn OCOP 3 sao. Hạt gạo tròn, dẻo, hương thơm đặc biệt nên được nhiều người ưa chuộng dùng để gói bánh chưng, bánh tro, nấu xôi... Việc thành lập tổ liên kết gói bánh vừa góp phần tăng lượng sản xuất, tiêu thụ bánh lại vừa quảng bá sản phẩm gạo nếp của địa phương. Qua đó giúp hội viên phụ nữ có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Tại huyện Yên Dũng triển khai mô hình “Phụ nữ liên kết sản xuất và ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn”. Hội viên tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, nhiều hội viên đã mạnh dạn khởi nghiệp, liên kết phát triển sản xuất. Đơn cử như Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Yên Dũng được thành lập từ tháng 9/2016 với diện tích sản xuất ban đầu chỉ 13 ha. Đến nay, HTX đã mở rộng quy mô lên hơn 65 ha, trong đó có 17 ha chăm sóc theo mô hình nhà lưới công nghệ cao và bón phân tự động của Israel; có hơn 35 nghìn m2 nhà lưới công nghệ cao, ứng dụng công nghệ linh hoạt trong sản xuất.
Tại đây sản xuất khoảng 60 sản phẩm rau củ quả, chủ lực là một số giống trồng trong nhà màng, nhà lưới như: Dưa lê, dưa chuột, cà chua, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột baby, dưa kim hoàng hậu. Các sản phẩm được cung cấp cho nhiều cửa hàng, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Doanh thu của HTX trung bình khoảng 5 - 7 tỷ đồng/tháng; tạo việc làm cho 85 lao động địa phương, trong đó phần đông là phụ nữ với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Hỗ trợ phù hợp, nhân rộng mô hình
Thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đem lại hiệu quả thiết thực.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Việt Yên ra mắt CLB Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. |
Theo đó, Hội tập trung khai thác các nguồn lực để phát huy tính chủ động của chị em trong phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm; phối hợp tổ chức hội thảo kết nối cung cầu, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch. Tích cực vận động chị em thực hiện các phong trào thi đua: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Cuộc vận động 5 không, 3 sạch”, “Giúp phụ nữ nghèo là chủ hộ, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, “Xây dựng các mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững”, “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”...
Bà Trần Thị Cẩm Ly, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lục Nam cho biết: “Quá trình hỗ trợ, chúng tôi đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời khuyến khích liên kết liên doanh thành lập tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, HTX. Nhờ vậy, đông đảo hội viên phụ nữ đã được tiếp cận, tham gia phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, có việc làm và thu nhập ổn định”.
Để có phương thức hỗ trợ phù hợp, hằng năm, các cơ sở hội rà soát, thống kê danh sách hộ gia đình phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn để theo dõi, phân công từng chi hội vận động hội viên khá giả hơn tạo điều kiện giúp đỡ bằng nhiều hình thức. Tranh thủ các nguồn lực, tổ chức 40 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về khởi sự kinh doanh, khởi sự HTX, quản lý vốn cho gần 3,4 nghìn hội viên phụ nữ; phối hợp tổ chức 718 lớp tập huấn kiến thức kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 52 nghìn lượt hội viên phụ nữ.
Kết quả, từ khi triển khai Đề án đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã hỗ trợ thành lập 42 HTX, 163 tổ hợp tác, tổ liên kết do phụ nữ làm chủ; giúp hơn 2,2 nghìn chị em khởi nghiệp thành công; gần 1,4 nghìn hội viên phụ nữ vay hơn 81 tỷ đồng vốn; 1,7 nghìn hội viên được hỗ trợ thủ tục đăng ký kinh doanh, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Qua đó góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ, đóng góp vào sự phát triển KT - XH tại địa phương, thực hiện bình đẳng giới.
Cán bộ phụ nữ xã Tư Mại (Yên Dũng) nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh tại mô hình nuôi cấy đông trùng của hội viên phụ nữ thôn Tư Mại (xã Tư Mại). |
Theo bà Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động thêm nhiều hội viên tham gia, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi. Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội nắm bắt tình hình hội viên, kịp thời hỗ trợ, định hướng, giúp đỡ hội viên có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Bên cạnh đó, phối hợp với các ban, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng giải pháp thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là các mô hình do phụ nữ làm chủ; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lao động nữ, các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn trong khởi sự, khởi nghiệp và liên kết kinh doanh, xúc tiến thương mại, phát triển doanh nghiệp, HTX do phụ nữ làm chủ.
Ý kiến bạn đọc (0)