Tân Yên: Ưu tiên nguồn lực kiên cố hóa trường học
BẮC GIANG - Nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Tân Yên đặc biệt quan tâm, ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa hàng chục công trình trường, lớp hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học, góp phần nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia và thực hiện các tiêu chí giảm nghèo đa chiều.
Thêm nhiều trường, lớp mới
Thời điểm này, từng tốp công nhân đang tập trung sơn tường, dọn dẹp công trình xây mới dãy nhà hiệu bộ và các phòng chức năng của Trường Mầm non xã Liên Chung. Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất với UBND xã yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ; dự kiến khánh thành vào dịp 20/11 - Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sau khi hoàn thành, số lượng phòng học mới đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học của trường. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để trường có sự bứt phá, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào cuối năm nay”. Hiện Trường có 16 nhóm lớp với 450 học sinh. Xác định đầu tư cho giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, vừa qua, Đảng ủy, UBND xã Liên Chung tập trung cao hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng diện tích 2 ha để xây mới trường tiểu học. Công trình dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm học 2025-2026.
Trường THCS Ngọc Vân được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục phòng học, nhà đa năng. |
Thời gian qua, nhiều công trình giáo dục được huyện Tân Yên xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Từ nguồn tài trợ của các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đầu năm học 2023 - 2024, Trường THCS thị trấn Cao Thượng đưa vào sử dụng ngôi trường mới có đầy đủ hạng mục đồng bộ, hiện đại với tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng. Công trình có tổng diện tích hơn 18 nghìn m2, thiết kế 4 tầng gồm 25 phòng học, 13 phòng chức năng, 14 phòng hiệu bộ. Các phòng được thiết kế bảo đảm tiêu chuẩn với đầy đủ thiết bị hiện đại như: Bàn ghế, bảng trượt, máy tính, hệ thống camera giám sát quản lý, điều hoà, máy chiếu. Ngoài ra còn có bể bơi bốn mùa, sân bóng mặt cỏ nhân tạo, nhà đa năng.
Trước đó, cuối năm 2023, Trường THCS Ngọc Vân đưa vào sử dụng một số công trình phòng học, phòng làm việc mới. Dẫn chúng tôi tham quan trường, thầy giáo Dương Quý Quyền, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: "Trải qua nhiều năm hoạt động, cơ sở vật chất trường lớp cũ xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu. Từ các nguồn lực, huyện, xã đã đầu tư xây dựng dãy nhà hiệu bộ 2 tầng, nhà đa năng và 15 phòng học mới. Ngoài ra, nhà trường cũng được ngân sách hỗ trợ sửa chữa, cải tạo sân trường, tường rào, nhà để xe, sơn lại toàn bộ các phòng học cũ. Nhờ vậy góp phần để trường hoàn thành các tiêu chí đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2023. Năm học này, Trường có 639 học sinh, 15 lớp. Đến nay, diện mạo trường, lớp khang trang tạo động lực cho thầy trò bước vào năm học mới đạt nhiều thành tích.
Theo chia sẻ của lãnh đạo nhiều nhà trường, việc có thêm phòng học, phòng bộ môn mới khang trang góp phần giải bài toán khó khăn về cơ sở vật chất ở các trường. Đồng thời giúp cán bộ, giáo viên, học sinh được giảng dạy, học tập, sinh hoạt trong điều kiện tốt hơn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Riêng năm học 2024 - 2025, toàn huyện xây mới 23 phòng bộ môn và phòng chức năng; sửa chữa, cải tạo 105 phòng học, 23 phòng bộ môn và phòng chức năng; xây mới sửa chữa các hạng mục công trình nhà vệ sinh, sân trường, tường rào với tổng kinh phí hơn 32 tỉ đồng.
Nâng tỷ lệ kiên cố hóa
Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển nên Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt việc quy hoạch mở rộng thêm đất cho giáo dục; đồng thời tăng cường các nguồn lực hỗ trợ xây dựng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã chỉ đạo quy hoạch, bổ sung 9,47 ha đất cho giáo dục; xây mới 524 phòng học, 93 phòng chức năng, phòng bộ môn, 9 nhà đa năng, 18 khu hiệu bộ. Tổng kinh phí hơn 770 tỷ đồng, trong đó UBND huyện hỗ trợ kinh phí từ 60% trở lên cho các công trình xây mới. Tiêu biểu là công trình trường học trên địa bàn các xã: Ngọc Vân, Việt Lập, Lam Cốt, Phúc Sơn, thị trấn Nhã Nam.... Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, vận động và tuyên truyền để toàn dân cùng tham gia, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất. Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường học của huyện đạt 99,6%; 100% các trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 tăng 13 trường (so với thời điểm năm 2021), đạt 36,6%; vượt mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, Trường THCS Cao Xá có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. |
Kinh nghiệm để nâng tỷ lệ kiên cố hóa trường học của huyện Tân Yên là làm tốt công tác rà soát, dự báo và huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất. Ông Thân Tuấn Anh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện cho biết: “Từ giữa năm học, các nhà trường sẽ rà soát, đánh giá cơ sở vật chất để xây dựng kế hoạch cho năm học sau và lộ trình 5 năm tiếp theo. Sắp xếp những hạng mục trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia để đề xuất ưu tiên bố trí nguồn lực. Để tạo sự đồng thuận về chủ trương xã hội hóa xây dựng trường, lớp học, những năm gần đây, Phòng tham mưu với UBND huyện tổ chức hội nghị tiếp xúc với cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn, cha mẹ học sinh và nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, lãnh đạo huyện nắm bắt sâu sát thực trạng, kịp thời có quyết sách phù hợp. Công tác đầu tư xây mới, sửa chữa được ưu tiên cho các xã, thị trấn khu vực trung tâm, quá tải học sinh; địa bàn khó khăn, có công trình xây dựng lâu năm, không phù hợp với mô hình giáo dục hiện đại”.
Làm tốt công tác đầu tư cơ sở vật chất góp phần nâng chất lượng dạy và học của huyện. Ảnh: Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Ngọc Thiện. |
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, giáo dục là một trong những chỉ số thuộc tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, bổ sung đội ngũ giáo viên và triển khai hiệu quả chương trình dạy học... có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, huyện Tân Yên rà soát quy hoạch mạng lưới trường, lớp, bảo đảm quỹ đất cho xây trường học. Dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn của địa phương, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương và xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung các thiết bị hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển lĩnh vực GD&ĐT. Chỉ đạo Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kiểm điểm tiến độ xây dựng các công trình trường học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Ý kiến bạn đọc (0)