Góp ý sửa đổi, bổ sung quy định về xét tặng danh hiệu 'Nghệ sĩ Nhân dân', 'Nghệ sĩ Ưu tú'
Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ IX năm 2019. |
Báo cáo tại hội nghị, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”. Từ năm 2015 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 2 đợt xét tặng danh hiệu này, lần thứ 8 vào năm 2015 và lần thứ 9 năm 2019. Nhìn chung, công tác xét tặng được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục, hồ sơ theo quy định. Các hồ sơ đề nghị xét tặng đều thực hiện qua 3 cấp Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở; Hội đồng cấp bộ, tỉnh và Hội đồng cấp Nhà nước.
Trong quá trình xét tặng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò là cơ quan Thường trực Hội đồng cấp Nhà nước đã nỗ lực thực thi trách nhiệm, chủ động, minh bạch nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các nghệ sĩ. Qua 2 đợt xét tặng danh hiệu theo quy định của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước xem xét, phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” cho 186 nghệ sĩ và xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú” cho 686 nghệ sĩ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xét tặng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhận được một số đơn thư, kiến nghị. Bộ đã triển khai xem xét đơn thư gồm: Kiểm tra hồ sơ cá nhân; yêu cầu Hội đồng cấp bộ, tỉnh báo cáo, giải trình và trả lời cá nhân có đơn thư kiến nghị theo đúng quy định. Tất cả các đơn thư được kiểm tra, rà soát, xác minh kịp thời, đảm bảo minh bạch, tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ.
Theo đánh giá, Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành với các nội dung, quy định rõ ràng, có nhiều quy định mới, đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn về công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” so với những quy định trước đây. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trên thực tế đã nảy sinh một số vướng mắc trong quá trình xét tặng. Đó là bất cập trong cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, tiêu chuẩn giải thưởng, số lượng thành viên Hội đồng các cấp và cơ cấu thành phần Hội đồng, tỷ lệ phiếu bầu tại các Hội đồng xét tặng danh hiệu, tỷ lệ phần trăm số lượng thành viên Hội đồng có mặt tại cuộc họp…
Tại hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cung cấp dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ với một số nội dung sửa đổi liên quan đến các bất cập vướng mắc nêu trên...
Đa số các ý kiến của đại biểu tại hội nghị đều cho rằng, việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ là cần thiết, đáp ứng niềm mong mỏi của các nghệ sĩ. Các đại biểu cũng góp ý kiến về những nội dung sửa đổi trong dự thảo Nghị định, chỉ ra ưu điểm cũng như điểm chưa hợp lý trong dự thảo lần này.
Trong đó, nhiều đại biểu đóng góp ý kiến cụ thể về quy định trong việc quy đổi huy chương, tỷ lệ phiếu bầu trong các Hội đồng xét duyệt. Một số đại biểu chỉ ra những bất cập của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung lần này đối với từng lĩnh vực nghệ thuật như điện ảnh, sân khấu truyền thống, nghệ thuật múa. Có ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị định lần này chưa chú trọng đến các nghệ sĩ công tác ở những vị trí đặc thù như đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, nhạc công, người phụ trách âm thanh, ánh sáng…
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2014/NĐ-CP, trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)