Gỡ khó trong xử lý phương tiện vi phạm giao thông
Chị N.T.T ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) có chiếc xe máy mua từ gần 20 năm trước. Thời điểm ấy, với gia đình chị, chiếc xe là tài sản lớn, gom góp trong nhiều năm mới mua được. Gần đây, chồng chị trong một lần đi uống bia đã bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) phát hiện vi phạm nồng độ cồn, bị lập biên bản xử lý, giữ phương tiện và ra quyết định xử phạt. Chị T tiếc chiếc xe mang nhiều kỷ niệm nhưng vẫn có ý định “bỏ” luôn không lấy xe về. Chị lý giải: “Hiện tại, chiếc xe máy đó giá trị còn lại chẳng đáng là bao trong khi số tiền xử phạt gấp 2-3 lần. Tôi quyết định bỏ xe cũ, mua xe mới làm phương tiện đi lại”.
Hàng trăm xe mô tô lưu tại bãi giữ phương tiện vi phạm của Phòng CSGT. |
Tìm hiểu tại công an các huyện khác trong tỉnh cũng có tình trạng tương tự, nhiều kho giữ phương tiện vi phạm hiện trong tình trạng quá tải vì số người bỏ xe ngày càng nhiều, nhất là từ khi CSGT tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Trung tá Thân Văn Cường, Đội trưởng Đội CSGT - trật tự, Công an huyện Yên Dũng trao đổi: “Khu vực tạm giữ phương tiện vi phạm của đơn vị hiện có hơn 200 xe, chủ yếu là mô tô, xe máy. Trong đó có hơn 50 xe cũ nát, lưu giữ nhiều năm, Công an huyện đã thông báo cho người vi phạm nhưng chủ phương tiện không đến nhận nên đã đủ điều kiện để thanh lý”.
Tuy nhiên, việc quản lý phương tiện vi phạm gặp nhiều khó khăn không chỉ do thiếu mặt bằng, quá tải mà còn có yếu tố cháy nổ từ xăng dầu, bình ắc quy… Tại điểm giữ phương tiện vi phạm của Phòng CSGT, Công an tỉnh tại khu vực bờ đê sông Thương thuộc địa bàn phường Trần Phú (TP Bắc Giang), hàng trăm xe nằm phơi ngoài trời. Tác động mưa nắng thấy rõ trên những phương tiện này, nhiều xe nằm lẫn trong đám cỏ dại hoặc lớp lá khô, phủ bụi dày đặc. Chỉ cần nhìn qua cũng nhận thấy hầu hết những xe này đều đã cũ, không ít xe vỡ nát phần vỏ nhựa, giá trị còn rất thấp.
Phòng CSGT đang tạm giữ hơn 800 ô tô, xe máy vi phạm các lỗi về trật tự ATGT; ngoài ra, có hơn 330 phương tiện các loại đang lưu giữ ở kho từ nhiều năm nay. |
Trung tá Nguyễn Văn Phú, cán bộ Đội tuyên truyền, điều tra tai nạn giao thông và xử lý vi phạm, Phòng CSGT cho biết, khi đưa các phương tiện vi phạm về khu vực lưu giữ, đơn vị đều phải hút hết nhiên liệu đề phòng cháy nổ. Ngoài ra, Phòng cũng cho lắp đặt hệ thống camera, thiết bị cảnh báo, chữa cháy, ký hợp đồng với người trông coi, quản lý phương tiện, tang vật. Phòng đang tạm giữ hơn 800 ô tô, xe máy vi phạm trật tự ATGT.
Ngoài ra còn có hơn 300 phương tiện các loại đang ở kho nhiều năm nay, không chỉ mang biển số trong tỉnh mà nhiều xe ở các tỉnh, TP khác đa số bị giữ từ năm 2021, Phòng đã thông báo nhiều lần đến người vi phạm, chủ xe. Một số xe khi xác minh số khung, số máy cho thấy có dấu hiệu bị thay đổi, không đúng với đăng ký. Nhiều xe bị mua đi bán lại nhiều lần nên rất khó xác định chủ xe cuối cùng để có biện pháp xử lý, giải quyết.
Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh xử lý vi phạm nồng độ cồn thì số lượng phương tiện giao thông bị tạm giữ sẽ càng nhiều. Đây là vấn đề lớn đặt ra đối với việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm trong điều kiện khu vực tạm giữ còn có nhiều hạn chế, nhiều nơi không có mái che, nhà kín bảo quản phương tiện. Để giải quyết khó khăn về mặt bằng kho bãi tạm giữ phương tiện, Phòng CSGT và công an các huyện, TP chủ động bố trí những địa điểm đủ điều kiện về diện tích, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tài sản, an toàn cháy nổ để lưu giữ xe.
Các đơn vị chủ động sắp xếp chỗ để, trường hợp quá tải sẽ xem xét ký hợp đồng với các tổ chức, doanh nghiệp để thuê kho bãi. Phân công cán bộ phụ trách, quản lý nghiêm số phương tiện, tang vật, tránh để xảy ra mất tài sản của công dân.
Về số lượng phương tiện vi phạm lưu tồn nhiều năm, cơ quan công an đều tiến hành đề xuất, thực hiện các thủ tục thanh lý những phương tiện quá hạn, Thượng tá Nguyễn Công Điệp, Phó trưởng Phòng CSGT cho biết: “Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành đối với mô tô, xe máy là 12 tháng. Nếu quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận, không có lý do chính đáng, các đơn vị sẽ thông báo trên các phương tiện truyền thông. Nếu người vi phạm hoặc chủ sở hữu hợp pháp không đến nhận, người có thẩm quyền sẽ ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.
Nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật, Phòng CSGT và công an các địa phương thực hiện đầy đủ các bước từ xác minh, thông báo công khai, rộng rãi đến ra quyết định tịch thu, thẩm định giá, bán đấu giá… Quá trình này mất từ 2-3 năm. Tuy khó khăn về nhân lực, xác định chủ phương tiện, khối lượng công việc nhiều, thủ tục phức tạp nhưng các đơn vị đều thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, không để ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)