Giữ vững thương hiệu sản phẩm du lịch OCOP bản Ven
Điểm đến hấp dẫn
Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh vừa qua, cùng nhóm bạn tại TP Bắc Giang và Hà Nội về bản Ven, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sức hút của khu du lịch này. Theo đại diện HTX Thân Trường, trong 4 ngày nghỉ lễ, điểm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven đón hơn 2 nghìn lượt du khách đến trải nghiệm.
Du khách ghi lại khoảnh khắc trải nghiệm tại điểm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven. |
Được biết, cách đây vài năm, du khách đến đây chủ yếu là người dân địa phương nhưng giờ đa dạng hơn nhiều, từ TP Hà Nội đến các tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn... Khách không chỉ đi theo nhóm, gia đình mà còn theo chương trình của các đơn vị lữ hành.
“Dù đã nhiều lần đến Bắc Giang song đây là lần đầu tiên tôi cùng gia đình khám phá, trải nghiệm dịch vụ và thưởng thức ẩm thực tại bản Ven. Tôi thực sự ấn tượng khi ghé thăm bản Ven, cây lim nghìn tuổi... cùng những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Cao Lan như: Gà đồi, xôi ngũ sắc, trứng kiến, nhộng ong... Có dịp, nhất định tôi sẽ trở lại”, anh Cương, du khách đến từ TP Hà Nội chia sẻ.
Mặc dù được công nhận là điểm du lịch cộng đồng cách đây chưa lâu (10/2019) nhưng bản Ven đã nhanh chóng được đông đảo du khách biết đến nhờ sở hữu cảnh quan thiên nhiên xanh mát, các công trình di tích lịch sử văn hóa như: Đình, chùa Xuân Lung, giếng cổ, thác Ngà, hồ Ngạc Hai, cây lim xanh cổ thụ...
Đặc biệt, bản Ven có vùng sản xuất chè chất lượng cao với phương thức bí truyền của người dân tộc Cao Lan. Những đồi chè như bát úp không chỉ là nguồn thu nhập chính của người dân mà còn làm say lòng bao du khách. Để khai thác lợi thế, thu hút du khách, những năm gần đây, huyện Yên Thế đã quan tâm đầu tư phát triển du lịch tại xã Xuân Lương; hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng.
Ngành văn hóa quan tâm tập huấn, bồi dưỡng phương thức làm du lịch cộng đồng cho người dân, đồng thời tăng cường công tác quảng bá.
Bà Lý Thị Hợi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Thân Trường chia sẻ: “Đến bản Ven, du khách được nghỉ tại nhà sàn, thăm các trang trại chăn nuôi gà đồi Yên Thế, chăn nuôi dê, trải nghiệm thú vui câu cá, leo thác, leo núi, khám phá khu rừng Xuân Lung - Thác Ngà. Cùng đó có thể trải nghiệm hái chè, sao chè và tìm hiểu bản sắc văn hóa, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí của người Cao Lan”.
Tăng tính chuyên nghiệp
Phát huy tiềm năng, lợi thế, năm 2022, UBND huyện Yên Thế đã đăng ký sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với bộ sản phẩm: Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Với cụm nhà nghỉ cộng đồng (homestay) gồm 6 nhà sàn cùng gần chục chòi nhỏ, khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng có thể đáp ứng nhu cầu lưu trú qua đêm cho gần 300 khách/đêm; phục vụ ăn uống cho khoảng 1 nghìn khách/ngày.
Đồng bào dân tộc Cao Lan, xã Xuân Lương luyện tập văn nghệ để giao lưu với du khách. |
HTX Thân Trường liên kết với 22 hộ dân ứng dụng khoa học, công nghệ sản xuất, chế biến chè xanh bản Ven theo tiêu chuẩn VietGAP; tổ chức hoạt động trải nghiệm (hái chè, sao chè), góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân.
Ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Với việc có sản phẩm đầu tiên thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch được công nhận OCOP 3 sao, Bắc Giang đã có sản phẩm OCOP ở 5/6 nhóm (hiện chưa có sản phẩm thuộc nhóm nội thất, trang trí - PV). Điều này sẽ mở ra cơ hội, khuyến khích các chủ thể đang hoạt động du lịch đầu tư phát triển thành sản phẩm OCOP”.
Để giữ vững và nâng tầm thương hiệu sản phẩm du lịch sinh thái- văn hóa bản Ven, từ đầu tháng 5/2022, HTX Thân Trường đầu tư cải tạo khu rừng trúc, bố trí một số mô hình, trang trí tiểu cảnh. Trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh vừa qua, HTX mở thêm dịch vụ đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ với đồng bào dân tộc Cao Lan cho các nhóm du khách.
Ngay sau khi được công nhận 3 sao, HTX xây dựng kế hoạch nâng tầm sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven, trong đó tập trung vào các tiêu chí đạt điểm thấp, nhất là nâng cao trình độ đội ngũ lễ tân, hướng dẫn viên, đầu bếp. HTX đã tìm đối tác để cử nhân viên tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ; liên kết với một số đơn vị nhằm tìm kiếm nhân lực có trình độ. Bố trí khoảng 2-3 tỷ đồng để nâng chất lượng hoạt động lưu trú.
“Năm 2023, chúng tôi sẽ hoàn thiện các điều kiện để nâng sao cho sản phẩm. Cùng với phát triển cơ sở vật chất, nhân lực, chúng tôi sẽ kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ hộ dân xây dựng cơ sở lưu trú tại gia đình mình. Điều này vừa góp phần đa dang sản phẩm của HTX, vừa tăng tính chuyên nghiệp, thu nhập cho người dân”, bà Lý Thị Hợi cho biết.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)