Giải quyết án ly hôn: Thẩm định chính xác tài sản, không để quá hạn
Mỗi năm, Tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND tỉnh) xét xử khoảng 300 vụ ly hôn. Trong đó, nhiều trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài. Đây là loại án có thủ tục phức tạp bởi Tòa án không thể tống đạt (thông báo, giao hoặc nhận hồ sơ, tài liệu, quyết định) trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài mà phải thông qua đường bưu điện hoặc ủy thác tư pháp. Điều này dẫn đến thời gian giải quyết án thường kéo dài.
Cán bộ TAND TP Bắc Giang rà soát, phân loại các vụ việc phức tạp. |
Để bảo đảm tiến độ, đơn vị yêu cầu các thẩm phán khi thụ lý phải phối hợp, chủ động xây dựng kế hoạch giải quyết án trong từng tháng, định kỳ hằng tuần báo cáo với lãnh đạo đơn vị. Với những vụ án phải gia hạn, yêu cầu thẩm phán đề xuất trước 5 ngày trước khi hết hạn chuẩn bị xét xử. Nhờ quan tâm đôn đốc, chỉ đạo thường xuyên nên số vụ án phải kéo dài thời gian giải quyết từ 12 tháng trở lên giảm đáng kể.
Là một trong những địa bàn có nhiều án về hôn nhân gia đình, TAND huyện Việt Yên luôn yêu cầu quá trình xét xử án, các thẩm phán phải chú trọng thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu, lựa chọn thời điểm hòa giải thích hợp nhằm hóa giải mâu thuẫn của các đương sự.
Đây cũng được coi là phương thức hiệu quả để bảo đảm quyền quyết định, tự định đoạt của đương sự, hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị. Từ đầu năm đến nay, đơn vị có 46 vụ thông qua hòa giải người đứng đơn đã tự nguyện rút đơn về đoàn tụ.
Từ đầu năm đến nay, TAND hai cấp thụ lý hơn 2.500 vụ việc về dân sự. Trong đó chiếm 2/3 là án hôn nhân gia đình, đã giải quyết 1.700 vụ, số còn lại đang giải quyết theo thẩm quyền. |
Qua thống kê, mỗi năm, TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh xét xử từ 4.000 - 4.500 vụ án về hôn nhân gia đình. Khó khăn chung đối với việc xét xử và giải quyết án hôn nhân và gia đình là do nhận thức về Luật Hôn nhân và gia đình của các cặp vợ chồng còn hạn chế; các tranh chấp về việc phân chia tài sản chung, quyền nuôi con, nợ chung sau khi ly hôn diễn ra phức tạp.
Từng tham gia xét xử nhiều vụ án phức tạp về hôn nhân gia đình, thẩm phán Nguyễn Trần Kiên (TAND TP Bắc Giang) cho biết: "Đối với các vụ án ly hôn, trong quá trình giải quyết án chúng tôi thường khuyến khích các đương sự tự thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung, chỉ khi nào không tự chia được mới phải ra bản án. Việc tự thỏa thuận không chỉ bảo đảm quyền tự do định đoạt đối với quyền sở hữu tài sản mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tố tụng trong việc không cần phải xác minh nguồn gốc cũng như giá trị tài sản chung của vợ chồng".
Được biết, để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử án hôn nhân gia đình, hằng năm, ngoài duy trì kiểm tra định kỳ, TAND tỉnh còn tổ chức kiểm tra đột xuất về giải quyết án dân sự đối với các đơn vị tòa cấp huyện. Nội dung kiểm tra về trình tự tố tụng, thời gian giải quyết án từ khâu tiếp nhận đơn đến khi kết thúc vụ án.
Cùng đó, chú trọng công tác đào tạo, tổ chức tập huấn cho đội ngũ thẩm phán, thư ký và hội thẩm nhân dân về chuyên môn, cung cấp đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan. Đối với những vụ án phức tạp yêu cầu các đơn vị giao cho các thẩm phán có nhiều kinh nghiệm giải quyết nhằm bảo đảm việc xét xử có chất lượng, không để án quá hạn luật định.
Trước yêu cầu cải cách tư pháp, TAND hai cấp còn chủ động phối hợp với Viện KSND cùng cấp thực hiện các phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm đối với án dân sự, hôn nhân gia đình bằng hình thức trực tuyến. Thực hiện công khai một số bản án, quyết định của Tòa lên cổng thông tin điện tử của TAND tỉnh và TAND Tối cao.
Theo bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chánh án TAND tỉnh: Để giải quyết án hôn nhân và gia đình đạt hiệu quả cao, tránh được những sai sót và bảo đảm quyền lợi cho các đương sự, các thẩm phán, thư ký tòa án nêu cao tinh thần trách nhiệm ngay từ bước thu thập chứng cứ, tài liệu làm cơ sở giải quyết vụ án. Khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản chung, thẩm phán, thư ký tập trung xác định, thẩm định chính xác tài sản chung, riêng của vợ chồng; xác định vai trò, đóng góp của mỗi bên trong việc duy trì, phát triển tài sản chung.
Khi đưa ra quyết định về quyền nuôi con cho cha hay mẹ, Hội đồng xét xử căn cứ quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, điều kiện vật chất, tinh thần để xem xét, phán quyết giao con chung cho bên nào nuôi. Các nội dung này được thể hiện rõ trong bản án, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cả hai bên.
Bài, ảnh: Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)