Ghép tế bào gốc cứu sống bé gái ung thư thận
Bé Chi điều trị tại viện sau ca ghép tế bào gốc. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Nhìn con hồi phục từng ngày sau ca ghép tế bào gốc, chị Lương Thị Phương, 33 tuổi, mẹ bé, thêm hy vọng sau quãng thời gian chạy chữa bệnh cho con. Con mệt, nằm li bì bởi tác dụng phụ của ca ghép tế bào gốc mạnh gấp 5-7 lần so với truyền hóa trị, nhưng sau hai tháng, sức khỏe Diệp Chi đã ổn định, thể trạng tốt.
Bé Chi quê ở Hà Nam, được phát hiện bệnh vào tháng 7/2022. Trước đó, em hơi sốt nhẹ, bác sĩ khám kê toa thuốc nhưng uống không đỡ. Khoảng 20 ngày sau, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương, phát hiện u nguyên bào thận, giai đoạn hai. Đây là loại khối u ác tính, chủ yếu gặp ở trẻ em, thường 3-4 tuổi.
"Tôi luôn tự hỏi tại sao con mình lại bị căn bệnh quái ác như vậy, vì trong dòng họ chưa ai mắc", người mẹ cho biết.
Thời gian đầu, bé Chi được điều trị hóa chất nhẹ, liệu trình một tuần một lần. Sức khỏe bé vẫn ổn định nhưng mệt nhiều, lười ăn, buồn nôn, đi ngoài, đau dạ dày. Được 6 tuần, tóc Chi rụng hết nên bị bạn trêu "không có tóc", người mẹ phải động viên con nhiều.
Đầu năm 2023, Chi đau bụng thường xuyên hơn, đau cả ngày lẫn đêm. Chị Phương đưa con đi khám, bệnh đã di căn đến gan, phổi, phúc mạc, ống sống (là nơi chứa đựng tủy sống và các rễ thần kinh). Lần này, Chi phải điều trị hóa chất liều cao trong nhiều tuần, hầu hết thời gian đều nằm viện. Bé sốt, giảm tiểu cầu, bạch cầu, thiếu máu nặng, sức khỏe yếu.
Lúc đó, Chi mới đi học được một tháng đã phải bỏ để chữa bệnh nên rất thèm đi học, thèm có bạn chơi cùng. Thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà nên mỗi lần được về với em, bé lại khóc không muốn lên viện.
Không chỉ suy sụp vì con mắc bệnh, chị Phương còn lo lắng tài chính ngày càng cạn kiệt, không có tiền chạy chữa. Vợ chồng chị vốn là công nhân viên, lương 5-6 triệu đồng một tháng. Từ ngày bé Chi bị bệnh, chị phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc hai con và mẹ chồng bệnh tuổi già, trong khi chồng đi làm xa.
Do tình trạng nặng, phác đồ điều trị của Chi gồm mổ cắt u và xạ trị, truyền hóa chất liều cao kết hợp ghép tế bào gốc. Bác sĩ tư vấn ghép tế bào gốc - biện pháp cuối cùng giúp trẻ sống sót, khỏe mạnh. Tuy nhiên, chi phí một lần ghép khá cao trong khi tiền nằm phòng cách ly, vô khuẩn không được bảo hiểm y tế chi trả. Liệu pháp này chỉ có thể thực hiện ở những trung tâm có phương tiện kỹ thuật và cơ sở vật chất tốt, gồm máy thu hoạch, nơi lưu trữ, phòng thực hiện ghép tế bào gốc đạt chuẩn (có hệ thống lọc khí). Ê kíp bác sĩ phải được đào tạo và có kinh nghiệm ghép tế bào gốc. Đây là rào cản chữa bệnh của các gia đình khó khăn nói chung và vợ chồng chị Phương nói riêng.
Hai tháng trước, bé Chi may mắn được chương trình Mặt trời Hy vọng (Quỹ Hy vọng - VnExpress) hỗ trợ chi phí truyền tế bào gốc chặn ung thư di căn xa. Sau truyền, bé mệt, nằm li bì, không nói chuyện cũng không ăn uống. Chi gặp tác dụng phụ sau ghép nên cơ thể mệt mỏi nhiều, bị viêm ruột, đi ngoài. May mắn khoảng nửa tháng sau, bé hồi phục dần.
Bác sĩ điều trị cho biết do khối u di căn nặng vào gan nên sau ghép tế bào gốc, bé được phẫu thuật gan. Sức khỏe Chi sau ghép đã ổn định, đủ để thực hiện phẫu thuật, may mắn không còn tế bào ác tính. Bệnh nhi được điều trị phục hồi, sau đó về nhà.
Hằng ngày tại căn nhà nhỏ, chị Phương lại đẩy xe đưa con đi chơi bởi sức khỏe em còn yếu sau ca đại phẫu, phải ngồi xe lăn. Tuy nhiên, bé vẫn rất vui vẻ, sức khỏe ổn định, tăng cân, ăn được nhiều hơn, dần bình phục.
Liệu pháp tế bào gốc được xem là cuộc cách mạng y học, niềm hy vọng cho những bệnh nhân mắc bệnh nan y. Đây là phương pháp sử dụng tế bào gốc hoặc các dẫn xuất của chúng để kích thích quá trình chữa lành cơ thể và sửa chữa các mô bị hư hỏng, mắc bệnh hoặc bị tổn thương. Việt Nam áp dụng liệu pháp tế bào gốc từ nhiều năm nay, chủ yếu cho bệnh nhân ung thư.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)