Đừng tù mù tiền trường
Một danh sách khá dài các khoản thu tự nguyện được giáo viên chủ nhiệm triển khai. Từ bì giấy kiểm tra, vệ sinh, nước uống, sổ liên lạc điện tử đến học hai buổi/ngày, học Tiếng Anh với người nước ngoài v.v… Tất cả đều tự nguyện và đều phục vụ thiết thực cho con em mình.
Do là “thống nhất chủ trương” nên không có con số vận động cụ thể là bao nhiêu và đồng thời ngay với đó, phụ huynh truyền tay nhau ký vào bản khai sẵn có đồng ý hay không. Chẳng thấy ai ghi vào ô “không đồng ý” cả vì “cả làng” đã ghi sẵn “đồng ý”, cũng chẳng có chỗ nào để diễn tả mình không đồng ý khoản gì.
Một khoản hoàn toàn tự nguyện, 100% đó là quỹ lớp, do Ban đại diện Hội phụ huynh đứng ra thu để chi tiêu các hoạt động. Từ cái bóng điện cháy, bóng điện mờ, ghế ngồi, lọ hoa trang trí lớp, rèm cửa đến cái quạt hỏng, ti vi phục vụ cho dạy học công nghệ thông tin, điều hòa chưa có, tất cả đều “bổ đầu” phụ huynh, xã hội hóa.
Với những gia đình có điều kiện, việc ủng hộ nhà trường hay quỹ lớp một vài triệu đồng không phải là vấn đề quá lớn đối với họ song bên cạnh đó, còn không ít gia đình khó khăn. Chưa kể đến việc đóng góp, ủng hộ này đã phù hợp chưa, có thực sự là… tự nguyện và cần thiết.
Nhiều phụ huynh lăn tăn, 50.000 đồng cho việc sử dụng sổ liên lạc điện tử quá lãng phí, không cần thiết; cả năm nhà trường nhắn được vài ba tin, trong khi cơ bản các lớp đều lập nhóm zalo, facebook… để chủ động trao đổi. Hay như việc học Tiếng Anh với người nước ngoài, 30.000 đồng/buổi/học sinh, số tiền không nhỏ nhưng không cho con đi học không được vì trường xếp lịch gần như chính khóa, các bạn học con mình không thì lại không đành… Rồi còn chuyện đồng phục, cả tuần trường “bắt” mặc, các kiểu khác nhau và đều khó tự đặt may khiến không ít phụ huynh ngán ngẩm.
Vẫn biết, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc cấp kinh phí cho các nhà trường hằng năm được tính toán khá cẩn thận nên chi tiêu hoạt động của nhà trường không dư dả gì. Tuy nhiên, số kinh phí ấy không phải quá thiếu thốn bởi nó vẫn luôn bảo đảm 80% kinh phí chi thường xuyên và 20% còn lại chi không thường xuyên.
Điều đó cũng có nghĩa 20% kinh phí ấy đủ cho các các hoạt động giáo dục, các phong trào của nhà trường. Và chuyện sửa cái quạt hay đường điện hỏng, mua thêm ti vi đều là những danh mục được phép mua sắm.
Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng, về cơ bản phụ huynh đồng tình ủng hộ để chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất cho con em mình nhưng nếu cứ tù mù, không công khai, minh bạch thì lại phản tác dụng, tạo tiền đề cho việc lạm thu các năm tiếp theo.
Hồng Tâm
Ý kiến bạn đọc (0)