Đưa tiếng Anh về với học trò miền núi
Tốt nghiệp đại học năm 2001, thầy Thăng được phân công giảng dạy môn tiếng Anh tại Trường THCS Trường Sơn (Lục Nam) đến năm 2008 thì chuyển về Đồng Hưu (Yên Thế). Xuất thân từ nông thôn, tuổi thơ từng chịu những thiệt thòi khi việc học tập thiếu thốn nên thầy giáo trẻ luôn đồng cảm, chia sẻ với nỗi vất vả của người dân nông thôn.
Thầy Nguyễn Trọng Thăng dạy học trò tiếng Anh qua hình ảnh theo chủ đề. |
Phần lớn học sinh ở miền núi tính nết thật thà, lễ phép nhưng lại rụt rè, thiếu tự tin trong giao tiếp. Khi tiếp cận với ngôn ngữ nước ngoài, các em càng nhút nhát hơn, trong khi đó cơ sở vật chất, thiết bị ở trường chưa đáp ứng yêu cầu. Khó khăn này cũng là động lực để thầy giáo trẻ tìm nhiều giải pháp đưa tiếng Anh đến gần hơn với học sinh.
Muốn trò yêu thích học ngoại ngữ, thầy Thăng xác định trước tiên giáo viên phải không ngừng học tập, sáng tạo, khẳng định được năng lực chuyên môn. Phát huy tinh thần tự học, tự rèn, năng lực tiếng Anh của thầy không ngừng nâng lên, đạt trình độ chuẩn B2 khung năng lực châu Âu, được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; được Chủ tịch UBND tỉnh, huyện Yên Thế tặng Bằng khen, Giấy khen và các danh hiệu thi đua.
Mỗi dịp được cấp trên giới thiệu tham gia các lớp nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của Hội Đồng Anh (tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và giáo dục của Vương quốc Anh tại Việt Nam), thầy giáo trường làng coi đó là cơ hội để giao lưu mở rộng kiến thức. "Mỗi chuyến đi học được nhiều điều hay, giúp cho tôi có kỹ năng sư phạm, khả năng ứng dụng ngoại ngữ trong giao tiếp, giảng dạy tốt hơn" - thầy Thăng chia sẻ.
Ở Trường Tiểu học Đồng Hưu, thầy giáo Nguyễn Trọng Thăng tích cực tham mưu với Ban Giám hiệu triển khai nhiều phương pháp dạy học tích cực. Trường cách xa trung tâm huyện, đứng chân ở địa bàn khó khăn song là đơn vị tiên phong xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ.
Trong lớp học đến hành lang, cổng trường, cầu thang, các gốc cây... đều xuất hiện những hình ảnh sinh động kèm theo từ khóa, thành ngữ có chủ đề thân thiện với học sinh bằng tiếng Anh như: Thời tiết, trang phục, đồ ăn uống, đồ chơi, con vật yêu thích... Ngoài ra, thầy cùng đồng nghiệp còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, trò chơi hấp dẫn học sinh trong ngày hội tiếng Anh hằng năm.
Với quan niệm người thầy giỏi phải hiểu được tâm lý của học sinh, khéo léo hướng các em đến các hoạt động học tập thông qua lồng ghép những trò chơi. Vốn hát không hay nhưng biết các em thích âm nhạc, thầy đã tìm trên mạng Internet các bài hát, trò chơi tiếng Anh phù hợp với lứa tuổi tải về đưa vào giảng dạy. Không khí giờ học luôn sôi nổi bởi trò hào hứng, thầy vui vẻ mà không hề cảm thấy áp lực. Không chỉ tương tác với học sinh trên lớp, sau mỗi giờ giảng, bài học được thầy gửi vào nhóm Zalo với phụ huynh các lớp để cha mẹ ở nhà thuận tiện theo dõi, hướng dẫn con ôn luyện thêm.
Điều khiến tôi và đồng nghiệp hạnh phúc hơn cả là học sinh miền núi quê mình đã tự tin hơn trong các hoạt động trải nghiệm, giao lưu với các đơn vị bạn, chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường nâng lên, được Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT ghi nhận". Thầy giáo Nguyễn Trọng Thăng |
Từ năm 2009 đến nay, vừa đảm nhiệm công tác giảng dạy, thầy Thăng còn kiêm thêm vai trò là Tổ trưởng Tổ tiếng Anh cấp tiểu học trực thuộc Phòng GD&ĐT. Tại buổi sinh hoạt chuyên môn với đồng nghiệp hằng tháng hoặc thường xuyên qua hòm thư điện tử, nhóm Zalo, thầy thường xuyên chia sẻ tài liệu hay, những hình ảnh, clip hỗ trợ giảng dạy hữu ích. Kiến thức tích lũy trong công tác, qua các đợt tập huấn được thầy biên soạn thành tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu và chuyển đến đồng nghiệp trong toàn huyện cùng học tập, trao đổi.
Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thế Phạm Đình Thơ cho biết: Ngoài điểm sáng về đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh ở Trường Tiểu học Đồng Hưu, giáo viên ở các trường thuộc địa bàn khó khăn cũng nỗ lực tìm tòi, áp dụng nhiều giải pháp nâng chất lượng dạy học. Từ một đơn vị xếp tốp cuối của tỉnh, những năm học gần đây, phong trào dạy và học tiếng Anh ở huyện Yên Thế có chuyển biến tích cực, được nhiều trường trong tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm".
Chia sẻ về niềm đam mê với nghề, thầy Thăng cho hay: "Không thể kể hết những khó khăn, vất vả của giáo viên trong thời gian đầu triển khai giảng dạy tiếng Anh. Điều khiến tôi và đồng nghiệp hạnh phúc hơn cả là học sinh miền núi quê mình đã tự tin hơn trong các hoạt động trải nghiệm, giao lưu với các đơn vị bạn, chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các nhà trường nâng lên, được Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT ghi nhận".
Huyện Yên Thế có 23 trường tiểu học, trường liên cấp tiểu học và THCS. Từ năm học 2020-2021, 100% các trường đủ điều kiện triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh từ khối 1 đến khối 5. Mong muốn tiếp tục xây dựng phong trào học tiếng Anh phát triển, hiện thầy tập trung hướng dẫn giáo viên bộ môn các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới giờ học, tổ chức hoạt động trải nghiệm,trò chơi khám phá giúp học sinh hứng thú, say mê hơn với môn học.
Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)