TP Bắc Giang đổi mới, nâng chất lượng dạy và học tiếng Anh
Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ
Học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong giao lưu tại ngày hội tiếng Anh. |
Trước năm 2016, trên địa bàn có 33 trường tiểu học và THCS nhưng chỉ có 7 trường có phòng học tiếng Anh chuyên dụng; khoảng 60% trường có phòng học thông thường nhưng hầu hết đã xuống cấp. Nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn B2, phương pháp giảng dạy cũ ảnh hưởng đến chất lượng bộ môn. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 31/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh dạy và học tiếng Anh, từ năm học 2016-2017, TP Bắc Giang tích cực triển khai Đề án đổi mới dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông giai đoạn 2016-2020.
4 năm qua, UBND TP đã đầu tư gần 40 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị phục vụ dạy và học tiếng Anh theo hướng hiện đại. Hiện toàn ngành có 133 phòng học chuyên dụng, tăng 225% so với năm 2016 và 507 phòng học thông thường, vượt nhiều lần kế hoạch đề ra. Tại các phòng học được trang bị ti vi, loa, đài, bộ đồ dùng dạy học, nhất là ở các phòng chuyên dụng có bảng tương tác điện tử, máy tính xách tay, bộ trắc nghiệm, bảng phấn viết, thiết bị âm thanh không dây phục vụ tốt yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng môn học.
Xác định đội ngũ giáo viên là lực lượng nòng cốt trong lộ trình đổi mới dạy và học tiếng Anh, Phòng Giáo dục - Đào tạo TP (GD&ĐT) quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho thầy cô dạy bộ môn. TP là đơn vị duy nhất của tỉnh tổ chức bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh với 100% giảng viên là người nước ngoài. Đồng thời duy trì tốt hoạt động sinh hoạt chuyên môn cụm trường và toàn TP nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng giảng dạy.
Theo cô Trịnh Thanh Huyền, Tổ trưởng Tổ Năng khiếu Trường THCS Lê Quý Đôn, thông qua dự giờ, các giáo viên cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kỹ năng sư phạm và phương pháp dạy học. Trong đó đổi mới phương pháp theo hướng lấy hoạt động học tập của học sinh làm trung tâm, học sinh được “học mà chơi- chơi mà học” bằng các hoạt động nhóm, trò chơi tiếng Anh, từ đó phát huy sự chủ động lĩnh hội kiến thức, phát triển năng lực.
Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, các giáo viên bộ môn đã chủ động tự học, tự rèn, không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, tích cực tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn, dự giờ để tích lũy thêm kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy. Đến nay, 100% giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học và THCS có chứng chỉ từ B2 trở lên, trong đó có 12 giáo viên có chứng chỉ C1 (trên mức chuẩn) bảo đảm giảng dạy chương trình sách giáo khoa mới.
Xây dựng môi trường học ngoại ngữ
Cuối tháng 9 vừa qua, các em học sinh Trường THCS Trần Phú sôi nổi tham gia ngày hội tiếng Anh với chủ đề “Chào năm học mới”. Sau khi hòa mình vào các màn dân vũ, những bài hát tiếng Anh sôi động, các em được giao lưu với các thầy cô người nước ngoài đến từ trung tâm Anh ngữ bằng các cuộc đối thoại ngắn và các trò chơi.
Em Gia Huy, lớp 7A3 chia sẻ: “Tham gia ngày hội, em được giao lưu, học hỏi, rèn luyện các kỹ năng nghe, nói tiếng Anh, giúp em tự tin hơn trong giao tiếp và phát âm chuẩn từ vựng”.
Những năm gần đây, hoạt động ngoại khóa được nhiều trường học tại TP tổ chức với chủ đề khác nhau nhằm khuyến khích sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp. 100% trường tiểu học và THCS đều thành lập Câu lạc bộ (CLB) nghe - nói tiếng Anh và duy trì hoạt động thường xuyên; tổ chức giao lưu giữa các CLB cùng trường và các trường trong và ngoài TP.
Các trường trang trí cảnh quan phòng học, góc học ngoại ngữ tại sân trường, mở trang facebook học tập tiếng Anh để học sinh được thể hiện, phát huy khả năng nghe - nói, học hỏi phương pháp học tập. Cô Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dĩnh Kế cho biết, vào thứ 3 và 5 hằng tuần, các lớp đều dành 15 phút đầu giờ để các em học sinh nói tiếng Anh theo chủ đề. Mỗi tháng một lần vào giờ chào cờ, CLB nghe - nói tiếng Anh của trường và các khối, lớp tổ chức giao lưu. Tại các lớp trang trí góc học tập theo chủ đề bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Năm học 2019-2020, TP có 15/16 trường tiểu học và 8/17 trường THCS, 8/19 trường mầm non hợp tác với người nước ngoài trong giảng dạy tiếng Anh. Kết quả khảo sát cho thấy, học sinh đã hào hứng, chủ động hơn trong giao tiếp; phản xạ, kỹ năng nghe - nói tiến bộ. Giáo viên bộ môn cũng nâng cao khả năng nghe - nói khi dự giờ trao đổi chia sẻ phương pháp giảng dạy với giáo viên nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Linh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP cho biết, với nhiều giải pháp tích cực, chất lượng dạy và học tiếng Anh trên địa bàn những năm gần đây đã nâng lên rõ rệt. Điển hình như năm học 2018-2019, CLB “Toán- Tiếng Anh” bậc tiểu học và THCS của TP đại diện cho tỉnh Bắc Giang tham gia giao lưu Toán - Tiếng Anh cấp toàn quốc tại Đà Nẵng có 18/18 học sinh đoạt giải gồm 2 huy chương Vàng, 11 huy chương Bạc và 5 huy chương Đồng.
Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh năm học vừa qua, đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh lớp 9 của TP dẫn đầu tỉnh với 8 học sinh đoạt giải cao. Kết quả thi môn tiếng Anh của học sinh TP luôn dẫn đầu tỉnh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh và đứng tốp đầu các tỉnh, thành trong các kỳ thi Toán - Tiếng Anh cấp toàn quốc.
Đặc biệt, một số học sinh đội tuyển tiếng Anh lớp 9 của nhà trường đã có chứng chỉ IELTS từ 6.5 đến 7.5 (mức nhiều trường đại học cho phép tuyển thẳng) đã khẳng định chất lượng dạy và học tiếng Anh trên địa bàn TP.
Vi Lệ Thanh
Ý kiến bạn đọc (0)