Bắc Giang: "Đại sứ Văn hóa đọc" biết nói tiếng Anh từ lúc 3 tuổi
Em Nguyễn Sơn Long nhận giải thưởng "Đại sứ Văn hóa đọc" tỉnh Bắc Giang năm 2020. |
Hằng ngày, khi nói chuyện với các thành viên trong gia đình, Long cũng luôn sử dụng tiếng Anh dù đôi lúc làm bố mẹ “khó chịu” vì không hiểu. Thấy con có khả năng, vài năm gần đây, vào những ngày nghỉ, gia đình chị thường cho con ra bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) giao tiếp với người nước ngoài.
Đáng chú ý, Long có thể nói chuyện bằng tiếng Anh cả buổi với họ về rất nhiều chủ đề, từ cuộc sống, sinh hoạt, lao động, học tập cho đến thiên nhiên, môi trường, sức khỏe... Khi xem các bộ phim nước ngoài có phụ đề bằng tiếng Anh 3-4 lần là em có thể nhớ hết toàn bộ nội dung phụ đề đó.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) trao giải "Đại sứ Văn hóa đọc" tỉnh Bắc Giang năm 2020 cho em Nguyễn Sơn Long. |
Để tạo điều kiện cho con được thực hành, trao đổi, kết nối, tương tác tiếng Anh với nhiều người, gia đình đã tạo cho em tài khoản facebook, zalo dưới sự định hướng, giám sát của bố mẹ. Các video clip của Long nhận được nhiều lời ngợi khen từ những người yêu thích ngoại ngữ.
Tham gia Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” tỉnh Bắc Giang năm 2020, Long làm 1 video clip gần 9 phút. Đề thi yêu cầu viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách mà em đã đọc và nếu được chọn là Đại sứ Văn hóa đọc, em có kế hoạch và biện pháp gì để khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách nhiều hơn.
Được sự tư vấn của mẹ về đề tài, Nguyễn Sơn Long lấy cốt truyện từ bài văn “Câu chuyện bó đũa” trong sách tiếng Việt tập 2 phát triển thành bài thuyết trình bằng tiếng Anh có phụ đề tiếng Việt nói về sức mạnh của tinh thần đoàn kết và liên hệ với thực tiễn.
Em Nguyễn Sơn Long chụp ảnh lưu niệm cùng cô Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học thị trấn Bích Động và chị gái tại Hội nghị tuyên dương cháu ngoan Bác Hồ huyện Việt Yên năm 2020 (ảnh do gia đình cung cấp). |
Phần đầu video clip Long giới thiệu về sở thích đọc sách của em với những câu chuyện cổ tích; các cuốn sách về Bác Hồ, lịch sử, thám hiểm, các quốc gia trên thế giới. Long hóa thân là một trong những người con trai trong “Câu chuyện bó đũa” và thực hiện lời dạy của người bố về tình đoàn kết.
4 người con sống ở làng chài, do tôm, cá ở vùng ven biển ngày càng ít, người dân không đánh bắt được, cuộc sống nghèo khổ. Bốn người con đã bàn bạc, hợp sức lại đóng 1 thuyền lớn để ra khơi, mỗi lần trở về, tôm, cá đầy khoang. Người dân thấy vậy cũng hợp sức đóng thuyền cùng nhau đánh bắt xa bờ kiếm được nhiều tôm, cá.
Từ câu chuyện này, Sơn Long liên hệ về tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Nhờ tinh thần đoàn kết, Việt Nam đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, là hình mẫu điển hình về phòng chống, dịch Covid-19, được thế giới ghi nhận, đánh giá cao.
Trong phần hùng biện nếu trở thành “Đại sứ văn hóa đọc”, Long chia sẻ, việc đầu tiên vẫn là duy trì đọc sách mỗi ngày. Tiếp đó, Long sẽ giúp các em nhỏ trong xóm đọc sách và học tiếng Anh, đồng thời tạo một nhóm riêng trên mạng xã hội “thách thức” các bạn tham gia đọc sách mỗi ngày cùng mình, nếu hoàn thành sẽ được nhận phần thưởng, nếu bạn nào không thực hiện được sẽ nộp 10 nghìn đồng vào quỹ ủng hộ người nghèo của trường. Long mong muốn mượn được nhiều cuốn sách hay để chia sẻ với các bạn trong xóm cùng đọc.
Đáng chú ý, nội dung kịch bản video Long chỉ đọc ba lần trong một buổi tối đã thuộc, hôm sau mẹ Long nhờ người ghi hình các cảnh quay để mang đi dự thi.
Nguyễn Sơn Long còn giỏi Toán và có năng khiếu cờ vua (ảnh do gia đình cung cấp). |
Mới đây, Long được tham dự Hội nghị tuyên dương cháu ngoan Bác Hồ năm 2020 do huyện Việt Yên tổ chức. Chia sẻ về sở thích và mơ ước của mình, Long mong muốn trở thành chuyên gia giỏi tiếng Anh để dạy, truyền đạt, thực hành giao tiếp với nhiều người và mở mang kiến thức.
Ý kiến bạn đọc (0)