Đồng hành với lao động xa quê
BẮC GIANG - Hiện tỉnh Bắc Giang có hơn 9,5 nghìn doanh nghiệp (DN) đang hoạt động với khoảng 306 nghìn lao động, trong đó hơn 60 nghìn người là công nhân ngoại tỉnh. Vì vậy thời gian qua, đời sống, việc làm của người lao động (NLĐ), nhất là lao động xa quê trở thành đề tài báo chí phong phú cho phóng viên Báo Bắc Giang nói riêng và người làm báo tại Bắc Giang nói chung thực hiện.
Gắn bó, sẻ chia
Tại Bắc Giang, số công nhân ngoại tỉnh chủ yếu tập trung ở các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Hà Giang. Xa quê, họ chịu nhiều áp lực, lo toan trong cuộc sống. Đó là tiền thuê trọ, chi phí sinh hoạt, tiền tiết kiệm mỗi tháng gửi về quê lo cho con học hành... DN hoạt động ổn định, tăng ca đều thì thu nhập tốt, nhưng nếu thiếu đơn hàng, nhà máy gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, những lao động nhập cư là đối tượng chịu tác động lớn nhất. Vì vậy, các bài viết về NLĐ xa quê ở Bắc Giang hầu như xuất hiện thường nhật trên báo chí. Từ hội nghị đến nhà máy, dây chuyền sản xuất hay các khu nhà trọ, nhà báo luôn có mặt để tìm hiểu và phản ánh chân thực mọi mặt cuộc sống của công nhân xa quê. Không ít phóng viên đã gắn bó, sẻ chia và bảo vệ quyền lợi NLĐ qua những đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng trong bài viết của mình.
Phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn công nhân ở thời điểm phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19. Ảnh tư liệu. |
Hơn 7 năm gắn bó với công tác tuyên truyền về hoạt động công đoàn và phong trào công nhân của tỉnh là khoảng ấy thời gian tôi có cơ hội được gặp gỡ, sẻ chia với lao động ngoại tỉnh. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán mỗi năm, tôi cùng anh chị em phóng viên Báo Bắc Giang thực hiện những bài viết, chùm ảnh về chuyến xe nghĩa tình của công đoàn đưa công nhân về quê đón Tết và nỗi niềm người ở lại. Vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, trên một chuyến xe nghĩa tình như vậy, chúng tôi có dịp trò chuyện với vợ chồng anh Lê Xuân Lợi (SN 1983) và chị Hoàng Thị Thanh (SN 1987), đều quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2015, sau khi kết hôn, anh chị cùng đến Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung (Bắc Giang) làm công nhân với mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hai con nhỏ đều sinh ở quê nhưng khi được 1 tuổi, anh chị đón lên xóm trọ ở cùng bố mẹ.
Các nhà báo, phóng viên đã đồng hành cùng chúng tôi trong quá trình chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ; qua đó, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn, tiếp tục thu hút, tập hợp đoàn viên".
Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh
|
Anh Lợi chia sẻ: “Vất vả một chút nhưng cả nhà được ở gần nhau. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết, tôi và nhiều anh chị em công nhân xa quê đều nhận được sự sẻ chia của công đoàn KCN và DN. Phần quà Tết, hay chiếc vé xe giá trị dù nhỏ nhưng chúng tôi hy vọng vẫn sẽ được quan tâm để có thêm động lực, tiếp tục làm việc, gắn bó với mảnh đất Bắc Giang". Tâm tư, nguyện vọng của anh Lợi cũng giống như hàng chục nghìn công nhân xa quê làm việc tại Bắc Giang được các nhà báo truyền tải tới đông đảo độc giả. Đó cũng là tiếng nói khách quan của người làm báo để chính quyền, ngành chức năng, công đoàn, đặc biệt là DN quan tâm hơn nữa đến NLĐ.
Nhớ lại thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2021, Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước. 67 nghìn công nhân, đa phần là người ngoại tỉnh nằm trong vùng cách ly, khu phong tỏa. Không thể đi làm, không có thu nhập, đời sống của họ gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Các nhà báo Kim Hiếu, Công Doanh, Hoài Thu (Báo Bắc Giang); Danh Lam (Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Bắc Giang); Thanh Huyền, Đức Bích, Minh Quang (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh)… là những người đã không ngại nguy hiểm đi vào các điểm “nóng” thực hiện những bài viết miêu tả chân thực về đời sống công nhân trong tâm dịch.
Những tác phẩm báo chí khi ấy đã cung cấp thông tin kịp thời tới độc giả, góp phần cổ vũ, lan tỏa tinh thần chống dịch. Cùng đó, tập thể Báo Bắc Giang và nhiều anh chị em phóng viên đã trở thành cầu nối thông tin, tiếp nhận nguồn vận động nhu yếu phẩm của các nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh để trao cho công nhân, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. "Khi NLĐ được hỗ trợ vượt qua khó khăn, trụ lại ở Bắc Giang tiếp tục lao động, những người làm báo chúng tôi cũng thấy được niềm vui trong công việc của mình" - nhà báo Danh Lam chia sẻ.
Cùng lao động "an cư"
Với số lượng lao động nhập cư lớn, sau thời gian dài làm việc ở Bắc Giang, rất đông lao động ngoại tỉnh xem đây là quê hương thứ hai của mình, mong muốn gắn bó lâu dài. Thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 5,4 nghìn nhà trọ với hơn 56,3 nghìn công nhân thuê trọ. Qua khảo sát, cơ bản các nhà trọ đầu tư tự phát, xây dựng cao tầng kiên cố, các phòng trọ hầu hết có công trình phụ khép kín, dành cho 1-2 người ở. Tuy nhiên, ở đây còn thiếu nhiều thiết chế văn hóa, phòng ở nhỏ, không bảo đảm diện tích, thiếu ánh sáng, ẩm thấp.
Anh Lê Xuân Lợi và gia đình trước ống kính của phóng viên Báo Bắc Giang. |
Một số khu nhà trọ công nhân còn để xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn phòng cháy, chữa cháy, tệ nạn xã hội. Đồng hành với lao động xa quê, phóng viên Báo Bắc Giang cùng các cơ quan báo chí khác đã thực hiện nhiều bài viết, phóng sự xoay quanh đề tài nhà trọ công nhân, cùng chính quyền, ngành chức năng giải quyết bài toán "an cư" cho công nhân, tạo sự ổn định về nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của DN.
Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030” của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2024, Bắc Giang phải hoàn thành 12,5 nghìn căn nhà ở xã hội. Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai 14 dự án nhà ở xã hội (11 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, 3 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp) với khoảng 28 nghìn căn hộ. Năm 2023, đã hoàn thành 2 dự án, với tổng số 2.411 căn hộ; còn lại 12 dự án đang triển khai thực hiện.
Trong suốt quá trình các dự án nhà ở cho NLĐ được triển khai, đội ngũ người làm báo trên địa bàn tỉnh đã kịp thời thông tin, đồng hành khích lệ, đồng thời giám sát quá trình DN thực hiện các dự án. Nhiều phóng viên cho rằng, qua đợt dịch Covid-19 mới thấy, không gian nhà trọ nhỏ hẹp mà nhiều lao động đang sinh hoạt chưa bảo đảm an toàn, vệ sinh, tạo cơ hội để dịch bệnh lây lan nhanh, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống công nhân. Vì vậy, việc phản ánh, đưa ra những kiến nghị với cấp có thẩm quyền có giải pháp khắc phục để giúp NLĐ có nơi ở tốt hơn vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm của người cầm bút.
Thực tế hiện nay, trong số 12 dự án đang triển khai chỉ có dự án khu nhà ở xã hội dành cho công nhân tại khu đô thị mới phường Nếnh, thị xã Việt Yên được chủ đầu tư tích cực thực hiện, dự kiến hoàn thành bàn giao 1 nghìn căn hộ trong thời gian tới. Số còn lại đều chậm tiến độ, có dự án rất chậm, phải gia hạn nhiều lần. Cùng đó, việc tiếp cận mua nhà ở xã hội của NLĐ còn gặp nhiều khó khăn.
Nhà báo Trịnh Lan (Báo Bắc Giang) cho biết: “Chúng tôi tiếp tục bám sát tiến độ xây dựng, những vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án và khó khăn của NLĐ khi tiếp cận mua nhà để phản ánh nhanh, phân tích, kiến giải sâu trên các sản phẩm báo chí. Trong các cuộc họp báo, phóng viên cũng đặt ra nhiều câu hỏi để chất vấn các sở, ngành liên quan, thậm chí đề xuất các giải pháp để ngày càng có thêm nhiều nhà ở giá rẻ giúp NLĐ xa quê được “an cư lập nghiệp” ở Bắc Giang".
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)