Doanh nghiệp chủ động thích ứng xu thế kinh tế mới
Sản xuất xanh
Nắm bắt xu thế chuyển dịch, tiêu chuẩn mới, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã năng động, đổi mới quy trình sản xuất. Là DN xuất khẩu giấy Tissue (gồm giấy ăn, khăn lụa, giấy vệ sinh nhãn hiệu Posy) vào thị trường châu Âu, Mỹ lớn nhất cả nước, từ cuối năm 2020, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang quan tâm đầu tư dây chuyền mới hiện đại để nâng công suất sản phẩm. Bình quân mỗi năm, sản lượng giấy Tissue của DN đạt hơn 60 nghìn tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 24 nghìn tấn. Nhằm nâng sản lượng, tăng đơn hàng, DN vừa dành 191 tỷ đồng lắp đặt thêm dây chuyền công nghệ sản xuất giấy của Áo, công suất 17 nghìn tấn/năm.
Dây chuyền sản xuất giấy Tissue của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang. |
Ông Hà Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: “Có dây chuyền mới, dự kiến sản lượng giấy Tissue của DN đạt khoảng 70-75 nghìn tấn/năm, nâng tỷ trọng xuất khẩu đạt 50-60%, cao hơn 10-15% so với trước. Hiện nay, dây chuyền đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, chuẩn bị các bước chạy thử và đưa vào vận hành trong quý I/2024”. Cùng với nâng công suất, Công ty coi trọng sản xuất xanh. Đó là nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, các thông số trong bộ chỉ số được kết nối tự động với máy chủ theo dõi đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Nguyên liệu sử dụng rõ nguồn gốc, xuất xứ, chỉ sử dụng bột giấy được sản xuất từ rừng trồng, vùng được phép khai thác.
Là DN sản xuất may mặc, thị trường xuất khẩu sản phẩm chính là các nước châu Âu, Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (Lạng Giang) luôn chú trọng khai thác nguồn năng lượng tái tạo. Năm 2021, Công ty đầu tư 10 tỷ đồng lắp hơn 2,2 nghìn tấm pin năng lượng mặt trời, tổng công suất 993,6 kWp. Theo đại diện Công ty, việc sử dụng điện từ năng lượng mặt trời trong sản xuất không chỉ để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm mà còn đáp ứng yêu xu hướng chuyển dịch kinh tế mới. Một số DN châu Âu khi hợp tác đã ưu tiên lựa chọn đối tác sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất.
Cùng với DN trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh cũng nghiên cứu và chủ động sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn mới. Các DN thuộc Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) tại Bắc Giang có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường châu Âu chiếm khoảng 17% tổng sản lượng của cả Tập đoàn. Trong quá trình sản xuất, Tập đoàn chỉ đạo các DN bảo đảm chế độ đãi ngộ người lao động, quan tâm bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology Bắc Giang (Khu công nghiệp Vân Trung) là DN thuộc Tập đoàn Foxconn chuyên sản xuất tai nghe, dây kết nối và các sản phẩm điện tử khác có hơn 23 nghìn công nhân làm việc tại các xưởng nên nước thải sinh hoạt mỗi ngày ra môi trường khá lớn. Công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt công suất 900 m³/ngày đêm bằng công nghệ vi sinh kết hợp màng vi lọc MBR (viết tắt từ cụm từ Membrane Bio-Reactor). Theo đánh giá của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology Bắc Giang là một trong những DN điển hình chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường.
Tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức
Theo bà Nguyễn Minh Hằng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao), một số xu thế chính nổi lên của kinh tế thế giới gồm: Bước đầu hình thành cơ chế định giá carbon qua biên giới; thương mại chuỗi cung ứng toàn cầu gắn với các tiêu chí về phát triển bền vững, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, lao động; các nước gia tăng đầu tư cho chuyển đổi xanh, đầu tư cho phát triển công nghệ sạch... Các nước Liên minh châu Âu (EU) đi tiên phong áp dụng toàn diện nhất các tiêu chuẩn mới, đã ban hành một loạt biện pháp sẽ đi vào thực thi trong những năm tới như: Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới; đạo luật phòng, chống phá rừng; quy định về thẩm định chuỗi cung ứng...
Để thích ứng các tiêu chuẩn kinh tế mới cũng như khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), tỉnh Bắc Giang coi trọng phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu đầu tư cho tăng trưởng xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, năng lượng tái tạo phục vụ cho tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, trên thực tế, một số DN của tỉnh đã chủ động chuyển đổi mô hình, chú trọng sản xuất xanh, song nhiều DN chưa đáp ứng được. Với vai trò của ngành, Sở đã tham mưu ban hành Kế hoạch thực thi các hiệp định FTA thế hệ mới Việt Nam đã ký kết với các nước; Đề án nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia FTA. Trong đó, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triểnthương hiệu cho các ngành hàng và DN; tháo gỡ các khó khăn, vướngmắc về chính sách để phát triển nguồn nguyên liệu, giúp DN đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng tốt hơn các cơ hội mang lại từ các FTA. Qua đó, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của Bắc Giang 8 tháng năm nay đạt hơn 14,5 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam khuyến nghị, để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội của tiêu chuẩn xu thế kinh tế mới, ngoài chính sách của quốc gia cần có chính sách riêng của địa phương để hỗ trợ DN xuất khẩu, nhất là vào thị trường châu Âu. Đó là hỗ trợ đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái bởi hiện nhiều quốc gia, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra số tiền cao để mua sản phẩm được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Tỉnh nên có chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, đây là nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ có nhiều đóng góp cho sản xuất của DN. Về phía DN cần cải tổ sản xuất, tăng trưởng xanh. Kinh nghiệm cho thấy, DN nào chủ động đón bắt, nhanh nhạy thích ứng sớm thì có khả năng cạnh tranh cao, bứt phá mạnh và ngược lại.
Bài, ảnh: Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)