Chung sức tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh đầu tư phát triển doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ). |
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các DNNN trong tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có khoảng 680 DNNN. Trong đó có 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, số còn lại DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của các DNNN đạt 580 nghìn tỷ đồng, bằng 53,7% kế hoạch năm và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng.
Tỉnh Bắc Giang hiện có 12 DNNN và 6 DN có vốn góp của Nhà nước. Các DN này đều là DN nhỏ và vừa, hoạt động chủ yếu lĩnh vực công ích, an sinh xã hội. Tỉnh quan tâm chỉ đạo rà soát, sắp xếp, cơ cấu tinh gọn tổ chức bộ máy quản lý DNNN, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế nhằm phát huy hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNN hiệu quả không cao, có DN hoạt động kém hiệu quả.
Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng công nghệ số; sắp xếp lại DN cổ phần hoá; ban hành hướng dẫn quy định cụ thể về trình tự, thủ tục các bước thực hiện thoái vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước.
Xây dựng cơ chế đặc thù chuyển nhượng vốn đối với các công ty có số vốn góp của Nhà nước chiếm tỷ lệ thấp hoặc đã có cổ đông chiếm quyền chi phối, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả không hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất hướng dẫn xử lý về các khoản vay nợ cũ của các công ty nông, lâm nghiệp...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong phát triển KT- XH. Chính phủ xác định DNNN giữ vị trí then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp của DNNN đối với sự phát triển của đất nước, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các DN phải đối mặt thời gian qua. Cộng đồng DN nói chung và DNNN nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực vươn lên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp của hội nghị đó là “Chung sức, đồng lòng, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế đất nước”.
Thủ tướng yêu cầu các ngành, các đơn vị liên quan thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, nghị định, thông tư... nhằm tháo gỡ khó khăn cho DNNN.
Các DN cần tăng cường đóng góp, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Trong đó tích cực tham gia, thực hiện có hiệu quả hơn nữa các chương trình, dự án lớn của nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước xây dựng thương hiệu của mỗi DN, qua đó góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm, đoàn kết, thống nhất, cạnh tranh lành mạnh và giúp nhau cùng phát triển
Đồng chí yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đồng hành cùng DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn để DN vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.
Tin, ảnh: Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)