Doanh nghiệp Bắc Giang hồi phục nhanh, bứt phá mạnh
Thêm đơn hàng mới, tuyển dụng nhiều lao động
Công ty TNHH Celink Việt Nam, KCN Vân Trung (Việt Yên) là DN chuyên sản xuất, gia công lắp ráp linh kiện điện tử. Trong khó khăn chung, DN đã có hướng đi để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, tìm kiếm đơn hàng mới. DN đầu tư dây chuyền công nghệ tự động hóa ở một số công đoạn, tiết kiệm nhân lực, hạ giá thành sản phẩm. Cùng đó, bước sang năm 2023, lần đầu tiên DN đã quảng bá hình ảnh của mình tại sảnh quốc tế thuộc sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Celink Việt Nam. |
Ông Vương Tiền Triều, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Chúng tôi muốn khách quốc tế khi đặt chân đến Việt Nam sẽ nhìn ngay thấy tên DN hoạt động tại Việt Nam. Đây là cách làm mới, góp phần lan toả tên tuổi, thương hiệu DN với bạn hàng nước ngoài”. Ngoài ra, Công ty thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng tại Việt Nam; tuyển dụng lao động với nhiều ưu đãi, trọng tâm là tăng mức lương cơ bản, cải thiện điều kiện làm việc.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, bắt đầu từ tháng 4/2023, DN đã đón nhiều khách hàng, trong đó có cả bạn hàng truyền thống và mới đến tham quan nhà máy. Đây là cơ hội lớn cho Công ty tiếp cận đối tác mới, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển sản phẩm. Hiện sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Âu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Doanh thu 8 tháng của DN ước tăng khoảng 20% so với mục tiêu đề ra của cả năm, tạo việc làm cho hơn 3 nghìn lao động, gấp đôi so với đầu năm nay.
Cũng theo ông Vương Tiền Triều, với nhu cầu của khách hàng, thời gian tới DN tiếp tục tuyển dụng lao động, mở rộng quy mô sản xuất bởi hiện nhà máy mới hoạt động đạt 50% công suất so với thiết kế. Sản phẩm sản xuất tập trung vào thiết bị kết nối tín hiệu phục vụ điện thoại, máy tính; sản phẩm mang tính chủ đạo như hỗ trợ sạc ô tô, camera giám sát hành trình.
Hiện trong KCN có hơn 400 DN đang hoạt động với hơn 190 nghìn công nhân, cao hơn so với trước đại dịch Covid-19. Dự báo trong tháng 9, số lao động sẽ tăng lên khoảng 200 nghìn người. |
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện nay cùng với Công ty Celink, hàng loạt DN trong KCN có đơn hàng mới, gấp rút sản xuất để bảo đảm thời gian giao cho đối tác. Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, nhiều DN đăng thông tin tuyển dụng lao động quy mô lớn. Công ty TNHH New Wing (KCN Vân Trung) cần tuyển 10 nghìn lao động phổ thông; Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (KCN Quang Châu) cần tuyển 5 nghìn lao động thời vụ.
Trong tháng 8, Công ty TNHH Hosiden, Công ty TNHH Fuyu, đặc biệt Công ty TNHH Luxshare (KCN Quang Châu) sau một thời gian xưởng 2, xưởng 3 dừng hoạt động để sửa chữa, nâng cấp mở rộng đã hoạt động trở lại với khoảng 25 nghìn lao động, gấp 2,2 lần so với tháng trước, góp phần đưa lượng lao động trong KCN tăng cao. Hiện trong KCN có hơn 400 DN đang hoạt động với hơn 190 nghìn công nhân, cao hơn so với trước đại dịch Covid-19. Dự báo trong tháng 9, số lao động sẽ tăng lên khoảng 200 nghìn người.
Đồng hành cùng DN
Việc tuyển dụng lượng lao động lớn như hiện nay của các DN trong KCN đã cho thấy tín hiệu vui của nền kinh tế, đó là sự phục hồi mạnh mẽ của DN trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức. Từ đó, thúc đẩy phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý Các KCN tỉnh đánh giá, các DN đã có sự bứt phá những tháng gần đây. Minh chứng, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp hằng tháng chỉ dao động khoảng 30 nghìn tỷ đồng nhưng trong tháng 8 lên tới hơn 45 nghìn tỷ đồng.
Công ty TNHH Đồ gia dụng Blue&Green Việt Nam (KCN Quang Châu) chuẩn bị mở rộng quy mô nhà xưởng tại KCN Việt Hàn. |
Từ thành quả đạt được, đại diện một số chủ DN đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Bắc Giang, trân trọng cảm ơn sự quan tâm của tỉnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Với phương châm hành động “phát triển của DN là sự phát triển của tỉnh”, Bắc Giang luôn chỉ đạo sát sao việc hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt, trong thời điểm nắng nóng vào quý II năm nay, việc cung cấp điện cam go, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đã họp khẩn trực tuyến với đại diện hàng trăm DN, đưa ra giải pháp điều tiết điện phù hợp trong tình huống bất khả kháng là “ngày cấp điện sản xuất, đêm cấp điện sinh hoạt”.
Giải pháp được các DN đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên vẫn có DN gặp khó khăn vì đúng thời điểm đó DN bắt đầu có đơn hàng, cần tăng ca gấp. “Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo tỉnh, Ban Quản lý các KCN và được hỗ trợ cấp điện đối với đơn hàng gấp. Vì vậy, kịp giao hàng theo hợp đồng ký kết. Không chỉ được cấp điện mà nhiều vấn đề khúc mắc khác, DN cũng được hỗ trợ tháo gỡ nên yên tâm đầu tư hoạt động tại địa phương” - ông Vương Tiền Triều, Tổng Giám đốc Công ty Celink Việt Nam chia sẻ.
Có đơn hàng mới, bứt phá mạnh song hiện nay nhiều DN trong KCN đang đối mặt với những khó khăn về lao động. Liên quan nội dung này, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ DN, dự kiến trong tháng 9 tổ chức ngày hội việc làm tại một số địa phương để tuyển dụng lao động. DN trong KCN có đóng góp lớn đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh, do đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN.
Việc hỗ trợ tập trung vào tuyển dụng lao động. Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 8 vừa qua, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, hiện nhiều nhà máy đi vào hoạt động, DN mở rộng sản xuất, đầu tư nhiều dây chuyền mới. Dù công nghệ hiện đại song vẫn có công đoạn sử dụng lao động. Vì vậy, đồng chí chỉ đạo không chỉ lao động trong tỉnh mà cơ quan chức năng còn làm việc với các tỉnh bạn để tuyển dụng lao động cho DN. Về lâu dài cần quan tâm đào tạo nhân lực kỹ thuật, nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu DN.
Bài, ảnh: Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)