Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang phổ biến Luật Tư pháp người chưa thành niên
BẮC GIANG - Ngày 4/4, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tư pháp người chưa thành niên cho các luật sư và đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Luật sư Giáp Thị Vân, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh thông tin một số điểm chính trong Luật Tư pháp người chưa thành niên.
![]() |
Luật sư Giáp Thị Vân thông tin một số điểm chính của Luật Tư pháp người chưa thành niên. |
Theo đó, Luật Tư pháp người chưa thành niên được Quốc Hội khóa 15, kỳ họp thứ VIII thông qua ngày 30/11/2024 gồm 8 phần, 179 điều và có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Các quy định tại điều 139, khoản 1 và khoản 2 điều 162 của Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2028.
Luật ban hành đã góp phần thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội luật hóa các cam kết quốc tế. Tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi bằng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ...
![]() |
Các luật sư dự hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu làm rõ một số điểm mới, nổi bật và những tác động của Luật đối với quá trình tố tụng, bào chữa, bảo vệ cho người chưa thành niên.
Theo đó, Luật đã giới hạn phạm vi điều chỉnh bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng.
Đồng thời thực hiện nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội bảo đảm đặt trọng tâm vào việc giáo dục, giúp đỡ thay vì trừng phạt nặng nề.
Một số biện pháp thay thế hình sự đó là hướng tới các hình thức như: Hòa giải, giáo dục tại cộng đồng thay vì áp dụng hình phạt tù. Quyền lợi của người chưa thành niên khi tham gia tố tụng là quyền có người giám hộ, luật sư bảo vệ, không bị ép buộc khai báo.
Để Luật đi vào đời sống, một số đại biểu đề xuất thực hiện giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền Luật đối với người chưa thành niên tại các trường học, xã hội và gia đình; đa dạng hóa các kênh, phương thức truyền tải bằng mạng xã hội Zalo OA, facebook, tiktok. Biên tập, ban hành các tài liệu phù hợp với người chưa thành niên để cán bộ tư pháp, hội, đoàn thể ở cơ sở lấy làm căn cứ tổ chức tuyên truyền...
Ý kiến bạn đọc (0)