Thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai
BẮC GIANG - Ngày 4/4, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024; triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Dự hội nghị có các đồng chí: Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Đại tá Phạm Văn Tạo, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
![]() |
Các đại biểu dự hội nghị. |
Năm 2024, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ba cấp (tỉnh, huyện, xã) tiếp tục được kiện toàn, duy trì hoạt động. Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, các sở, ban, ngành cũng thành lập bộ phận thường trực; chủ động phối hợp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.
Ngay từ sớm, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai; rà soát, bổ sung phương án ứng phó với nhiều cấp độ rủi ro; tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, đầu tư, xây dựng, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đê điều và công trình phòng, chống thiên tai được quan tâm. Năm 2024, tổng kinh phí của Trung ương và của tỉnh phục vụ công tác này là 43,4 tỷ đồng.
![]() |
Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Nhờ chủ động từ sớm, từ xa nên công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó với các đợt thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh đã kịp thời, hiệu quả, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Đặc biệt, liên quan đến cơn bão số 3 với cường độ mạnh, sức tàn phá lớn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã bám sát chỉ đạo của cấp trên, kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở, đại diện lãnh đạo các sở, ngành trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó với bão, lũ ở các địa bàn trọng điểm. Trước và trong khi cơn bão đổ bộ, các cơ quan, chính quyền địa phương, lực lượng công an, quân đội… đã nhanh chóng di dời hơn 13 nghìn hộ gia đình sinh sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao, ngập lụt đến nơi an toàn; quan tâm xử lý sự cố đê điều; bảo đảm giao thông, liên lạc thông suốt, lưới điện an toàn.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Giang, đông đảo mạnh thường quân ở trong và ngoài tỉnh đã chung tay ủng hộ kinh phí, vật chất giúp đỡ người dân vùng bị thiệt hại. Sau khi thiên tai đi qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sở, ngành tập trung khắc phục hậu quả trong sản xuất nông nghiệp, khôi phục cơ sở hạ tầng, bảo đảm môi trường và phòng ngừa dịch bệnh.
Từ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, tỉnh Bắc Giang rút ra nhiều bài học kinh nghiệm như: Cần tổ chức trực ban nghiêm túc; nắm bắt thông tin nhanh, chính xác; có sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của các cấp chỉ huy, nhất là trong việc sơ tán; không mất bình tĩnh trước các tình huống ngoài mong đợi; việc khắc phục thiệt hại phải bảo đảm giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như tổng thể và lâu dài.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Thế Tuấn đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Có lúc, có nơi, cán bộ chưa quyết liệt, chưa xác định được phương án tốt nhất cho tình huống xấu nhất; chưa nắm rõ nhiệm vụ của các tuyến đê bao, đê bối dẫn đến chỉ đạo xử lý sự cố chưa phù hợp...
Để công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn năm 2025 và những năm tiếp theo được hiệu quả, đồng chí đề nghị, các địa phương, đơn vị, sở ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác định rõ tinh thần phòng hơn chống; không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống; thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.
Xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn sát thực tiễn. Đặc biệt, cần có kịch bản hướng dẫn di dời người dân ở vùng trũng, thấp đến vị trí an toàn khi có mưa lũ xảy ra; xử lý sạt lở ở miền núi và thoát nước, khắc phục ngập úng ở vùng trũng; có phương án bảo đảm cho các địa bàn trọng yếu về chính trị, quốc phòng, an ninh, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Thường xuyên kiểm tra thực địa; đánh giá hiện trạng các tuyến đê, hồ đập, trạm bơm, vị trí xung yếu, những nơi dễ xảy ra sạt lở để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố. Bảo đảm tốt phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; nhất là khi xảy ra ở vùng sâu, xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp.
Bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, đê điều; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn đã ban hành cho đến khi hoàn thành việc chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính mới; không để nhiệm vụ này bị gián đoạn.
Ý kiến bạn đọc (0)