Đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun (Lào) thăm vùng cây ăn quả Lục Ngạn
Đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun tham quan vùng vải thiều Lục Ngạn. |
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Lê Ô Pích, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và huyện Lục Ngạn.
Tại đây, đồng chí Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Lục Ngạn thông tin khái quát tình hình phát triển KT - XH của huyện. Theo đó, những năm gần đây, huyện Lục Ngạn đã có sự phát triển vượt bậc, đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 14,1%.
Huyện có tiềm năng, lợi thế phát triển vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, giá trị kinh tế cao. Theo định hướng, Lục Ngạn sẽ trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm của quốc gia với tổng diện tích khoảng 28.000 ha. Giá trị sản xuất từ cây ăn quả hằng năm đạt từ 3 đến 4 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng riêng của huyện Lục Ngạn.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn và tỉnh Xay Sổm Bun thăm vườn vải thiều ở xã Hộ Đáp. |
Trên địa bàn huyện Lục Ngạn có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giàu tiềm năng để phát triển du lịch như: Hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần… Có nhiều sản phẩm chủ lực, đặc trưng, trong đó vải thiều đã khẳng định chất lượng, uy tín thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước, xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, các nước châu Âu, khu vực Đông Nam Á...
Ngoài ra, huyện còn có cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh, mỳ gạo Chũ, rượu men lá, mật ong... Các sản phẩm từ cây ăn quả và ngành nghề, dịch vụ liên quan mang lại nguồn thu nhập trực tiếp cho người dân khoảng 7 nghìn tỷ đồng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất/ha đất canh tác nông nghiệp của huyện đạt khoảng 130 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, huyện có nhiều thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng; du lịch văn hóa, tâm linh… gắn với vùng cây ăn quả trọng điểm. Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đón hơn 230 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Đoàn công tác thăm HTX sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ gạo Chũ - Hiền Phước. |
Đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun đã tham quan, tìm hiểu thực tế tại Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ gạo Chũ - Hiền Phước (xã Nam Dương); đồi vải thiều ở xã Hộ Đáp và mô hình trồng vú sữa ở xã Hồng Giang.
Nhân dịp này, lãnh đạo huyện Lục Ngạn trao đổi kinh nghiệm sản xuất cây ăn quả, việc hỗ trợ, cấp chứng chỉ, mã vùng cho các chủ vườn, tập huấn kỹ thuật để quả vải thiều và các nông sản khác đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Chú trọng bao tiêu sản phẩm cho nông dân; phát triển du lịch nông nghiệp thông qua các mô hình HTX...
Tham quan thực tế các mô hình, Trung tướng Vông-sỏn In-pan-phim cho rằng, Lục Ngạn là huyện miền núi kiểu mẫu về phát triển cây vải thiều nói riêng, cây ăn quả nói chung. Địa phương có rất nhiều cách làm hay, kinh nghiệm quý để tỉnh Xay Sổm Bun học tập, áp dụng.
Nhân chuyến thăm này, đồng chí đề nghị các cơ quan liên quan của tỉnh Xay Sổm Bun trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động và trực tiếp liên hệ với huyện Lục Ngạn cũng như các ban, ngành của tỉnh Bắc Giang. Mục tiêu là thực hiện hiệu quả Thoả thuận hợp tác giữa hai tỉnh nói chung và hai huyện Lục Ngạn - A nụ vông nói riêng.
Đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun tìm hiểu kỹ thuật làm mỳ. |
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lê Ô Pích đánh giá cao chuyến thăm, làm việc của đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun. Trong suốt chuyến thăm, các thành viên đoàn công tác đều tích cực tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, phương pháp, cách làm trên cơ sở đó áp dụng trong thực tiễn.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn chứng gia đình ông Lý Văn Ngân ở thôn Cái Căn, xã Hộ Đáp đoàn công tác vừa đến tham quan. Từ gia đình khó khăn, nhà tranh vách đất, nhờ trồng hơn 1 ha vải thiều, gia đình ông Ngân đã vươn lên khá giả, thu nhập bình quân mỗi năm đạt khoảng 500 triệu đồng. Đây là minh chứng khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Bắc Giang trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Đánh giá tỉnh Xay Sổm Bun có nhiều điều kiện tương đồng với tỉnh Bắc Giang, còn rất nhiều dư địa cho sự phát triển, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, đồng chí Lê Ô Pích cho biết tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển với tỉnh Xay Sổm Bun. Đồng chí mong rằng hai tỉnh sẽ thành lập nhiều đoàn công tác để trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để đạt được những kết quả như Thoả thuận hợp tác đã ký kết.
Tin, ảnh: Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)