Diện mạo văn hóa Bắc Giang khởi sắc
![]() |
Dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Việt Hưng. |
Đến nay, kho tàng di sản văn hóa Bắc Giang có 99 di tích cấp quốc gia, trong đó có ba di tích quốc gia đặc biệt là chùa Vĩnh Nghiêm với kho mộc bản gồm 3.050 tấm hay 6.021 mặt khắc chữ Hán, chữ Nôm, một số chữ Phạn ngược để in các bộ kinh, sách rất có giá trị được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế với 23 điểm gồm 33 di tích đình, đền, nghè, chùa…
Mới đây thêm chùa Bổ Đà được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Toàn tỉnh có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó quan họ, ca trù, thờ mẫu Tam Phủ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngoài ra, 16 xã của huyện Hiệp Hòa được công nhận An toàn Khu II trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và gần 600 di tích cấp tỉnh. Rồi đây, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Bắc Giang còn được tiếp tục công nhận, nhất là di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số anh em.
Khái niệm Kho tàng di sản văn hóa rất rộng, bao gồm các truyền thống văn hóa đủ các loại hình dân gian và văn hóa học của cha ông để lại. Song với danh sách các di sản văn hóa chính thức được nhà nước ta và thế giới công nhận nói trên đã là rất lớn và đa dạng. Nhiệm vụ quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy các di sản văn hóa đó rất nặng nề. Trải qua năm tháng, có di sản văn hóa vật thể bị hư hỏng, mất mát, bộ phận này, bộ phận kia đòi hỏi phải sưu tầm, phục chế trả lại như cũ, có trường hợp đã từng tu sửa nhưng không cẩn thận mà gán ghép sai lạc, bổ sung chi tiết sai lầm nghiêm trọng phải thay đổi mới bảo đảm giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử nguyên vẹn.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể, việc quản lý, sử dụng, truyền dạy, phát huy liên quan tới rất nhiều cấp, ngành, nhiều đơn vị đều có sự kết nối, hiệp đồng, trao đổi thống nhất phương hướng hoạt động. Riêng Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) có các đơn vị trực thuộc là Bảo tàng tỉnh, Ban Quản lý di tích tỉnh, Trung tâm văn hóa tỉnh, Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà hát Chèo tỉnh đã tích cực trong công tác bảo tồn, truyền bá, phát huy di sản văn hóa phi vật thể mà nổi bật nhất là diễn xướng văn hóa, văn hóa nghệ thuật dân gian các dân tộc tỉnh Bắc Giang trong suốt 20 năm tái lập tỉnh. Tuy nhiên nếu cần rút kinh nghiệm thì vẫn còn nhiều vấn đề trao đổi giúp cho công tác này ngày càng hiệu quả hơn.
![]() |
CLB Hát dân ca Yên Dũng biểu diễn ca trù. Ảnh: Anh Tuấn. |
Thành tựu trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy kho tàng di sản văn hóa của tỉnh là không thể phủ nhận. Song, một điều phải thừa nhận, ngành văn hóa tỉnh đang thiếu một đội ngũ nhà nghiên cứu chuyên nghiệp di sản văn hóa. Bất kỳ di sản văn hóa nào cũng do nhiều thành phần văn hóa, văn nghệ cấu tạo nên, đòi hỏi có các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp trên các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ phối hợp hoạt động để mang lại hiệu quả mong muốn.
Hơn lúc nào hết, trước một kho tàng di sản văn hóa khá đồ sộ của Bắc Giang hiện nay, nếu không có cán bộ nghiên cứu chuyên tâm, có trình độ khoa học tương xứng thì không sao đủ năng lực khám phá, phát hiện, đề xuất đáp ứng yêu cầu được mà ít ra là có khả năng tiếp thu thành quả nghiên cứu của các tổ chức, các nhà khoa học trung ương để ứng dụng ở địa phương. Đội ngũ cán bộ quản lý hiện nay có trình độ đại học, trên đại học nhưng quá bận rộn với nhiệm vụ quản lý sự vụ, ít có điều kiện đi sâu vào đề tài nghiên cứu như những năm trước đây. Là chủ nhân của nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể yêu cầu đặt ra là phải có chuyên gia giỏi về từng di sản văn hóa, hiểu ngọn ngành về mỗi di sản.
Tỉnh đã có quá trình nghiên cứu, vận dụng tinh hoa di sản văn hóa trong nhiều năm vào xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở Bắc Giang. Từ xác định bản sắc đa dân tộc, đa văn hóa, tự hào với các di văn hóa nổi tiếng của dân tộc trên quê hương, chúng ta đã làm cho diện mạo văn hóa Bắc Giang được thể hiện ngày càng khởi sắc trên nhiều bình diện. Trong đó đã khẳng định có một văn hóa Bắc Giang trong đại gia đình văn hóa Việt Nam.
Vừa qua, Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) “Về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” được ban hành. Mục “Bảo vệ và phát huy các những giá trị văn hóa dân tộc” nêu rõ: “Giữ vững và không ngừng phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam… Xây dựng văn hóa trong kinh tế; khai thác hiệu quả khía cạnh kinh tế của văn hóa, nâng cao giá trị văn hóa trong các sản phẩm mang đặc trưng, đặc sản của mỗi địa phương… Các địa phương chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức các chương trình văn hóa tại địa phương mình hoặc ở nước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa độc đáo của địa phương; đồng thời chủ động mở rộng hợp tác với các địa phương trên thế giới”.
Nghị quyết T.Ư đã nhấn mạnh đặc trưng văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay phải được giữ vững và phát huy theo định hướng rất cụ thể, rõ ràng. Di sản văn hóa có một vị trí rất quan trọng để khai thác, phát hiện truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc nói chung, địa phương nói riêng. Vì thế với kho tàng di sản văn hóa Bắc Giang phong phú, đa dạng đã có và còn có thêm, tỉnh cần đề ra một chương trình kế hoạch bảo tồn và nghiên cứu song song, thường xuyên liên tục, đạt hiệu quả cao.
Nguyễn Đình Bưu
Ý kiến bạn đọc (0)