Đi lễ đầu năm
![]() |
Du khách sắp lễ vào chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Đỗ Quyên. |
Một năm bốn tiết xuân, hạ, thu, đông có thuận lợi, tốt đẹp hay không bắt đầu từ những thời khắc đầu tiên của tiết xuân. Vậy nên lúc giao thừa năm cũ sang năm mới trở nên thiêng liêng như vậy. Mồng Một Tết là ngày đặc biệt nhất trong năm. Một trong những việc cần làm đầu năm mới là đi lễ, trong xã hội hiện nay, đó chính là nhu cầu tự thân của mỗi người. Có thể nói, đi lễ đầu năm là nét văn hóa được kết tinh từ hàng nghìn năm của dân tộc ta. Nó thể hiện khát vọng về sự hòa bình, an lạc. Khát vọng ấy đơn giản là cầu mong một năm suôn sẻ, nhiều điều tốt đẹp đến với Tổ quốc, làng xóm, gia đình và bản thân.
Năm mới đến, hầu như mỗi người, mỗi nhà đều chuẩn bị một tâm thế hoàn toàn khác với năm cũ đã qua. Mọi điều không vừa lòng đều khép lại để hoan hỉ đón nhận những gì mới mẻ. Sắm một chút lễ mọn gồm hương hoa trà, quả cùng tấm lòng thành, khi đi lễ, ai cũng mong Trời, Phật phù hộ để có một gia đình hạnh phúc, yên ấm, con cái chăm ngoan, giỏi giang, mọi việc được tốt đẹp… Đấy là khát khao chính đáng. Tuy nhiên, mỗi người có một cách thực hiện ước mơ khác nhau, một thái độ sống và số phận khác nhau nên kết quả khác nhau. Không vị Phật, Thánh nào ban cho con người điều tốt đẹp ngoài chính con người, vì thế cổ nhân dạy “Phật tại tâm” hay “thiện căn ở tại lòng ta”. Với người Việt, từ xa xưa, đi lễ là để mong cầu gia đình được “ngũ phúc lâm môn” (nghĩa là 5 loại phúc đến cửa nhà mình). Cụ thể: Phú (chỉ sự giàu có); Quý (chỉ sự sang trọng); Thọ (sống thọ); Khang (sức khỏe); Ninh (an vui, bình an). Ngũ phúc còn có thể là: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Trong ngôi nhà Việt, tranh “ngũ phúc lâm môn” được treo ở nơi trang trọng nhất. Với những người tu tập theo Phật pháp thì “ngũ phúc” trên được biến tấu thành 5 loại phúc giữ giới. Cụ thể: Thọ mạng (với ý nghĩa muốn sống thọ thì không sát sinh); giàu sang phú quý (với ý nghĩa không tham lam, nên làm nhiều việc nghĩa thì sẽ giàu sang phú quý); sức khỏe (với ý nghĩa muốn có sức khoẻ phải sống thủy chung, có nghĩa có tình); danh thơm tiếng tốt (với ý nghĩa không nói dối, biết giữ danh dự sẽ tạo ra danh thơm tiếng tốt); trí tuệ (với ý nghĩa luôn tinh tấn -chuyên cần, siêng năng để đạt một mục đích chân chính tốt đẹp). Vậy để thấy rằng, người Việt đều giống nhau về mơ ước, 5 loại phúc được đề cao, với điều kiện hiện nay thì quan trọng nhất là loại phúc về sức khỏe. Nếu không có sức khỏe sẽ không thể làm bất cứ điều gì. Trên nền tảng ấy sẽ phấn đấu lao động để có tuổi thọ, giàu sang, an vui, hạnh phúc.
Đi lễ, trước cửa chùa (hoặc đình, đền, miếu), con người mong Trời, Đất, Phật, Thành Hoàng làng, Thần, Thánh…, những đấng siêu nhiên huyền bí chứng giám lòng thành, cầu mong quốc thái dân an, gia đình có được “ngũ phúc”. Đấy chính là truyền thống tốt đẹp của người Việt: Luôn hướng về nguồn cội, biết ơn những bậc tiền nhân, củng cố đức tin của chính mình để hành thiện, tránh xa điều ác. Đi lễ là để trải lòng, để gửi gắm tâm tư nhưng không thể chỉ “khoán” cho Thần, Phật mà quan trọng nhất là quá trình tu thân, tích đức, làm điều thiện, có trách nhiệm với cộng đồng của mỗi người.
Bây giờ, cuộc sống hiện đại, một số lễ hội bị biến tướng. Việc đi lễ đầu năm chỗ này chỗ khác, người này người khác đã không còn giữ được nét đẹp vốn có, bởi những mong cầu đã nặng về vật chất, thậm chí người cầu khấn nếu không toại nguyện còn trách cứ Thần, Phật. Đấy là do không hiểu bản chất của việc đi lễ, do lòng tham chi phối. Vấn đề không phải lễ vật to hay nhỏ mà ở bản thể người hành lễ. Đến không gian tâm linh với cái tâm thanh tịnh, bình yên, bớt đi tham, sân, si của chính mình thì tự khắc mọi thứ sẽ chuyển. Thân chuyển thì tâm chuyển; tâm chuyển thì hành động, thái độ sẽ thay đổi, nếu hành động và thái độ tích cực ắt sẽ tạo ra kết quả tích cực. Nhiều người tích cực thì xã hội tích cực… Nuôi dưỡng cái tâm thiện lành sẽ tạo nên một con người tốt đẹp. Việc đi lễ đầu năm chính là một cách để thực hiện điều đó.
Đến chùa là cúi mình trước ban Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), là tự nhận mình theo Phật, là con của Phật thông qua lời niệm Nam mô a di đà phật. Vậy nên mỗi cá nhân nếu có lương tâm sẽ tự soi chiếu để sống tốt hơn, dần từ bỏ cái ác, nhân lên những điều tốt đẹp. Triết lý nhà Phật dạy con người từ, bi, hỉ, xả, biết yêu thương, chung sống hòa bình và biết buông bỏ, chấp nhận những quy luật cuộc sống để xây dựng cộng đồng. Mấy trăm năm trước, nhà vua Trần Nhân Tông đã rời bỏ ngai vàng đi tu trên đỉnh núi Yên Tử để mang lại phúc lớn cho dân tộc. Người đã trở thành Phật Hoàng của dân tộc Việt Nam.
Bài học làm người nhẹ nhàng mà sâu sắc, đơn giản nhưng uyên bác được nhân dân ta lưu truyền lại qua phong tục đi lễ đầu năm là như vậy. Mỗi người khi đi lễ, nếu làm được như lời Phật dạy thì cuộc sống chung của thế giới con người sẽ luôn thái bình, tươi đẹp.
Nguyễn Thị Mai Phương
Ý kiến bạn đọc (0)