Đẹp thêm không gian nông thôn mới
Thêm nhiều không gian sống mới
Năm 2021, ông Nguyễn Đắc Bích, thôn Áp, xã Tân Quang (Lục Ngạn) dỡ bỏ ngôi nhà trần kiên cố để xây ngôi nhà mới to, đẹp hơn. Là nghệ nhân sinh vật cảnh nên ông Bích chọn xây nhà mới theo phong cách Nhật Bản, phù hợp với đam mê bon sai mà ông theo đuổi nhiều năm qua.
Căn nhà có 1 tầng với 4 phòng ngủ, 1 phòng thờ, 1 phòng khách, 2 nhà vệ sinh khép kín. Trần ốp thạch cao, bên trên dựng khung thép lợp ngói Giếng Đáy (Quảng Ninh) với 4 cụm mái. Ngoài ra, ông còn xây nhà ăn, “lầu nghênh phong”, ngắm cây thư giãn để gần gũi với thiên nhiên. Sau 7 tháng thi công, cuối năm 2021, công trình hoàn thiện, tổng chi phí hơn 3 tỷ đồng. “Tôi xây nhà và tạo không gian mới này không chỉ để an hưởng tuổi già, mà còn là nơi giao lưu, đón tiếp bạn chơi sinh vật cảnh xa gần, hướng tới phát triển thành điểm tham quan, trải nghiệm sinh vật cảnh, miệt vườn mỗi mùa trái chín”, ông Bích nói.
Ông Nguyễn Văn Thắng bên ngôi nhà của mình. |
Tháng 9/2021, ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Thượng Tự, xã Song Mai (TP Bắc Giang) cũng dỡ căn nhà cũ để xây ngôi nhà mới. Dù sinh sống ở khu vực thành phố nhưng ông Thắng và gia đình lại lựa chọn xây nhà theo lối kiến trúc nhà gỗ kẻ truyền Bắc Bộ, gồm 3 gian, 2 trái, diện tích gần 100 m2, mái lợp ngói cổ. Để tiết kiệm chi phí, gia đình ông cho xây dựng căn nhà hoàn toàn bằng bê tông, cốt thép thay thế gỗ tự nhiên. Hiên nhà điểm xuyết các cột đá khắc hoa văn nổi. Dù vậy, các đường nét hoa văn trang trí vẫn bảo đảm không khác gì chạm trên gỗ. Ông cũng cho quy hoạch lại toàn bộ vườn tạp để trồng hoa, cây cảnh, lát lại sân, xây mới tường rào, cổng nhà,…
Hiện ngôi nhà của gia đình ông trở thành điểm nhấn kiến trúc của thôn Thượng Tự, ai đi qua cũng xuýt xoa khen ngợi. Ông Thắng tâm sự: “Tôi chọn xây nhà truyền thống là vì tôi sinh ra ở Hải Dương - quê hương của những căn nhà gỗ kẻ truyền Bắc Bộ. Ngôi nhà hoàn thành, không chỉ anh em tôi mà các con cháu cũng thấy ấm áp mỗi khi trở về. Mọi người cảm nhận được hồn quê trong từng viên gạch, lớp vữa và những viên ngói cổ, từ đó sẽ có thêm nguồn năng lượng tích cực trong cuộc sống hằng ngày”.
Hiện nay, ở những vùng quê nông thôn Bắc Giang, những ngôi nhà như của ông Bích, ông Thắng không hiếm, ngày càng nhiều ngôi nhà khang trang, bề thế với đủ kiểu dáng: Mái Nhật, mái Thái, mái vòm, tháp nhọn, hay những ngôi nhà cao tầng đồ sộ không ngừng mọc lên, góp phần làm cho làng quê Bắc Giang thêm nhiều không gian sống mới.
Gìn giữ văn hóa kiến trúc bản địa
Diện mạo nông thôn Bắc Giang khởi sắc như hôm nay là do tỉnh đã tập trung, huy động các nguồn lực xây dựng NTM trong hơn chục năm qua. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 139/184 xã đạt chuẩn TNM, 34 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hơn 210 thôn kiểu mẫu. Nhiều huyện, TP hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Hàng nghìn km đường giao thông nông thôn được cứng hóa rộng, đẹp, đường điện chiếu sáng dẫn tới từng nhà. Tỉnh cũng quy hoạch, xây dựng thêm hàng trăm điểm, khu dân cư mới theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dù vậy, thời gian qua nhiều địa phương trong tỉnh cũng xuất hiện không ít công trình văn hóa, dân dụng chưa phù hợp, bởi mang nhiều nét kiến trúc “lạ”, lai căng. Theo KTS La Đức Anh, Văn phòng Công ty cổ phần Kiến trúc Skyhome VN (TP Bắc Giang), Hội viên Hội Xây dựng Việt - VCG, hiện nay, nhu cầu phát triển kinh tế, dân số và đô thị hóa cao, do đó sự hình thành, phát triển các cụm, điểm dân cư nông thôn cũng tăng theo đã ảnh hưởng tới tổng thể kiến trúc truyền thống thôn bản, làng xã. Kinh tế thị trường len lỏi vào cuộc sống thôn quê nên yếu tố không gian làng xã truyền thống trong kiến trúc nông thôn bị xem nhẹ.
Một góc thôn Trại Mới, xã Tân Hưng (Lạng Giang). |
Hiện nay quy hoạch đã có nhưng kiến trúc nhà ở NTM của Bắc Giang chưa định hình cụ thể và chi tiết nên bà con tự loay hoay và chạy theo, cũng như có xu hướng áp dụng mô hình đô thị vào nhà ở NTM. Vì thiếu định hướng nên nhà ở NTM cũng đua nhau bám mặt đường, trong khi trước đây kiến trúc truyền thống là được bố trí nhà ở hài hòa, gắn với vườn rau, ao cá, hàng cây. Kiến trúc vùng quê giờ không có sự khác biệt so với kiến trúc thành thị.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do quy chế quản lý xây dựng khu vực nông thôn chưa chặt chẽ, hoàn thiện. Nguồn kinh phí hạn hẹp nên nhiều gia đình không thuê tư vấn thiết kế trước khi xây dựng nhà; nhiều địa phương, dòng họ tu bổ công trình văn hóa nhưng không có đơn vị tư vấn,… Để khắc phục tình trạng này, cuối năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành quy định một số nội dung về quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn được giao cho UBND cấp huyện tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và ban hành sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Xây dựng. UBND cấp huyện trình HĐND cấp huyện thông qua trước khi phê duyệt, ban hành.
Theo KTS Nguyễn Toàn, Ủy viên Ban Chấp hành KTS trẻ vùng Trung du miền núi và 16 tỉnh phía Bắc, Chủ nhiệm Hội KTS trẻ tỉnh Bắc Giang, để kiến trúc NTM vừa bắt nhịp với xu hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống, các gia đình chọn mặt bằng xây dựng phù hợp với mỗi hộ và tổng thể chung của làng xã; tôn trọng, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống bản địa, hạn chế sự phá cách khác lạ, nên có giới hạn chiều cao ngôi nhà; tổ chức không gian sống phù hợp đặc trưng sản xuất ở mỗi vùng miền; kết hợp yếu tố kiến trúc đương đại trong công năng tiện ích sử dụng nhằm khắc phục những hạn chế của kiến trúc truyền thống nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi. Các KTS cần áp dụng lối thiết kế phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, kết hợp vận dụng vật liệu địa phương. Ưu tiên phát triển kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Bài, ảnh: Bảo Lâm
Ý kiến bạn đọc (0)