Cảnh giác cao trước nguy cơ cháy rừng
BẮC GIANG - Những tháng cuối năm 2024 và đầu năm nay, công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR) trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thời tiết bất lợi, cộng thêm sự chủ quan, bất cẩn của người dân dẫn đến nhiều vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra. Điều này, đòi hỏi cơ quan chức năng, các địa phương và chủ rừng phải nâng cao cảnh giác, quyết liệt triển khai các biện pháp PCCR, hạn chế thiệt hại.
Liên tục xảy ra cháy rừng
Từ sau cơn bão số 3 (tháng 9/2024) đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có trận mưa lớn nào, cộng thêm thời tiết diễn biến bất thường, hanh khô kéo dài, độ ẩm không khí thấp, kết hợp việc người dân khai thác rừng trồng, chuẩn bị mặt bằng cho vụ mới làm gia tăng các vụ cháy rừng. Tính riêng 20 ngày đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy rừng trên tổng diện tích hàng chục ha.
Người dân tham gia dập tắt đám cháy rừng xảy ra ngày 11/1 tại phường Nham Biền (TP Bắc Giang). |
Tại huyện Lục Nam, trong gần 1 tuần xảy ra 4 vụ cháy rừng tại các xã: Lục Sơn (ngày 9/1), Trường Giang (ngày 12 và 14/1), Vô Tranh (ngày 15/1). Trong đó, vụ cháy rừng tự nhiên tại khoảnh 49, thôn Vĩnh Hồng, xã Lục Sơn ngày 9/1 diễn biến khó lường. Phát hiện vụ cháy lúc 18 giờ, Hạt Kiểm lâm huyện và UBND xã Lục Sơn đã huy động lực lượng tại chỗ tổ chức chữa cháy. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, đám cháy được khống chế. Tuy nhiên do trời tối, gió to, lực lượng mỏng nên gần 1 giờ sáng ngày 10/1, đám cháy bùng phát trở lại.
Cơ quan chức năng đã huy động thêm lực lượng từ Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Sơn Động, Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt và lực lượng tại chỗ hỗ trợ chữa cháy. Đến 10 giờ ngày 10/1, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn; tổng diện tích đám cháy khoảng 5 ha. Hiện cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy để xử lý theo quy định.
Tại khu vực núi Nham Biền (TP Bắc Giang), từ đầu năm đến nay đã xảy ra 2 vụ cháy rừng. Trong đó, nghiêm trọng là vụ cháy xảy ra tại địa bàn các phường Tân Liễu, Nham Biền vào ngày 9 và 10/1 với tổng diện tích cháy khoảng 20,5 ha. Gần 900 lượt người thuộc các lực lượng công an, quân đội, dân quân và người dân được huy động tham gia chữa cháy rừng. Song vụ cháy vẫn làm thiệt hại hơn 4,1 ha rừng sản xuất trồng keo, bạch đàn từ năm 1998.
Bà Đồng Thị Sợi (SN 1959) ở tổ dân phố Kem, phường Nham Biền cho biết: “Cháy rừng đã làm hỏng nhiều cây lâm nghiệp, cây ăn quả của chúng tôi, cộng thêm khói bụi bay vào nhà ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe, đặc biệt là của người già và trẻ nhỏ”.
Tại huyện Yên Thế, từ đầu tháng 1 đến nay cũng xảy ra 3 đám cháy rừng tại các xã Đồng Hưu, Đông Sơn và Xuân Lương. Trước đó, ngày 29/12/2024, một đám cháy rừng cũng xảy ra tại xã Việt Tiến (thị xã Việt Yên). Tại huyện Sơn Động và Tân Yên gần đây cũng xuất hiện các vụ cháy rừng… Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mặc dù lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã dập tắt các đám cháy song trước tình trạng thời tiết hanh khô kéo dài như hiện nay, nguy cơ cháy rừng đang tiếp tục ở mức cực kỳ nguy hiểm và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Không chủ quan, lơ là
Xác định công tác PCCR là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mùa khô năm nay, Hạt Kiểm lâm TP Bắc Giang đã bố trí lực lượng tổ chức trực, tuần tra và chủ động các biện pháp PCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Ông Lê Hồng Hải, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Bắc Giang nói: “Dịp Tết này, đơn vị phân công lực lượng thường xuyên bám sát địa bàn, trực 24/24 giờ mỗi ngày tại các chốt, trạm, kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, kết hợp đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát tình hình. Cùng đó, rà soát, lập danh sách các khu rừng nguy cơ cháy cao để có phương án PCCR cụ thể”.
Bên cạnh đó, UBND các xã, phường trọng điểm cháy rừng (Yên Lư, Nội Hoàng, Tiền Phong, Tân Liễu, Nham Biền, Đồng Sơn) đã kiện toàn, duy trì hoạt động hiệu quả ban chỉ đạo về bảo vệ và PCCR; trang bị bổ sung hàng trăm máy móc, dụng cụ, bảo hộ lao động phục vụ chữa cháy rừng; tổ chức chỉ đạo, thi công, tu bổ hàng chục km đường băng trắng cản lửa.
Hiện nay đang ở mức cảnh báo cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), Sở đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có rừng phải phân công trực phòng cháy, chữa cháy rừng 100% quân số 24/24 giờ trong ngày. Song hành với đó là thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác". Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.
|
Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Hiện nay đang ở mức cảnh báo cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), Sở đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có rừng phân công trực phòng cháy, chữa cháy rừng 100% quân số 24/24 giờ trong ngày. Thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Lực lượng kiểm lâm sẽ rà soát, bổ sung phương án PCCR sát với thực tế; bố trí người, phương tiện, hậu cần sẵn sàng xử lý nếu cháy rừng xảy ra, kịp thời khống chế, không để xảy ra cháy lớn.
Bảo đảm lực lượng ứng trực canh phòng, kiểm soát chặt chẽ những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, yêu cầu người dân tạm dừng hoạt động xử lý thực bì bằng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng. Riêng vụ cháy rừng tự nhiên tại xã Lục Sơn, cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát diện tích rừng bị cháy, yêu cầu chủ rừng giữ nguyên hiện trường, tuyệt đối không tác động xâm hại đến rừng, không trồng rừng để thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên.
Cũng theo ông Hà Minh Quý, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngành chức năng, chính quyền địa phương và chủ rừng thường xuyên theo dõi cấp dự báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ website: kiemlam.org.vn và truyền thanh cơ sở để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng; có phương án di dời người, tài sản đến nơi an toàn. Cùng với đó là xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình sử dụng lửa dọn thực bì trong rừng. Đối với những diện tích đã khai thác rừng trồng hoặc bị cháy, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngay sau Tết các chủ rừng có phương án trồng rừng sản xuất, cây phân tán để nhanh chóng phủ lại màu xanh cho rừng.
Ý kiến bạn đọc (0)