Để có mùa vải thiều bội thu
BẮC GIANG - Các trà vải thiều trên địa bàn tỉnh đang bước vào thời kỳ phát triển mầm hoa; tỷ lệ ra hoa dự báo đạt cao, tín hiệu được mùa quả ngọt. Ngành Nông nghiệp, các địa phương đang tập trung hướng dẫn nhà vườn chăm sóc để vải sai quả, sản phẩm đáp ứng tiêu thụ tại các thị trường.
Tín hiệu tích cực
Nếu như năm trước, thời tiết bất thuận khiến nhiều vùng trồng vải ở Bắc Giang mất mùa thì hiện nhà vườn phấn khởi do các trà vải thiều đồng loạt nhú mầm hoa và chuẩn bị bung nở. Vườn vải thiều của gia đình ông Vi Văn Bảo, thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa (Tân Yên) dự kiến hơn chục ngày nữa sẽ trổ bông. Từ kinh nghiệm của người có gần 30 năm trồng vải, ông Bảo chia sẻ, trước thời điểm lập xuân năm nay, tiết trời rét khô rất tốt cho cây vải phân hóa mầm hoa. Quan sát khu vườn gần 500 cây, tỷ lệ cây có mầm hoa đạt hơn 98%. Những ngày này, ông thường xuyên thăm vườn, tưới nước đủ ẩm cho đất kết hợp bón phân, phun bổ sung các nguyên tố vi lượng để hoa phát triển tốt, tăng tỷ lệ đậu quả.
Cán bộ xã Phúc Hòa (Tân Yên) hướng dẫn bà con chăm sóc vải thời kỳ ra hoa. |
“Năm trước, vườn vải này thu về 10 tấn quả, trừ chi phí lãi gần 300 triệu đồng. Với thời tiết thuận lợi như năm nay, sản lượng ước đạt 12-13 tấn quả, hy vọng quả vải của gia đình tôi sẽ được xuất ngoại, mang về lợi nhuận cao hơn”, ông Bảo nói.
Xã Phúc Hòa có 725 ha vải, trong đó 700 ha cho thu hoạch. Các vườn vải đang phân hóa, nhú mầm hoa; tỷ lệ ra hoa dự kiến đạt hơn 95%, cao hơn năm trước. Nhờ xây dựng thành công thương hiệu, làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm nên ngay sau khi kết thúc vụ trước, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng đặt mua vải sớm Phúc Hòa. Ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết: “Địa phương đang tập trung cao công tác chăm sóc cây trồng, khuyến cáo bà con thời điểm này chú ý theo dõi tình hình thời tiết, phòng trừ bệnh sương mai. Xã đã quy hoạch, phân vùng sản xuất vải phục vụ xuất khẩu với 50% tổng diện tích”.
Năm nay, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 29.700 ha, trong đó, vải chính vụ 21.700 ha, còn lại là vải sớm. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến thuận lợi, với tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt cao, vải thiều năm nay sẽ được mùa. Thời gian cây đang ủ mầm, chuẩn bị ra hoa là giai đoạn “vàng” quyết định đến năng suất, chất lượng vải thiều, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT các địa phương tham mưu với chính quyền tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn người dân tăng cường theo dõi, phòng trừ sâu bệnh gây hại, áp dụng kỹ thuật cao chăm sóc cây trồng. Cùng đó, các địa phương thường xuyên rà soát, mở rộng diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… để tập trung hỗ trợ sản xuất sản phẩm theo hướng an toàn, chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc
Bắc Giang được cả nước biết đến là thủ phủ của vải thiều. Doanh thu từ vải thiều đóng góp lớn cho giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế nên được các địa phương trọng điểm sản xuất vải thiều và tỉnh đặc biệt quan tâm. Với quan điểm chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, nâng cao uy tín, thương hiệu của sản phẩm gắn với mở rộng thị trường xuất khẩu, tỉnh chỉ đạo các địa phương như: Tân Yên, Lục Ngạn, Lục Nam, TX Chũ quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói bảo đảm yêu cầu, quy định của nước nhập khẩu. Với các cơ sở không đủ điều kiện sẽ tiến hành thu hồi, dừng cấp lại mã số cho đến khi khắc phục tồn tại, đáp ứng đầy đủ tiêu chí của quốc gia nhập khẩu.
Sau khi chia tách địa giới, huyện Lục Ngạn có hơn 10 nghìn ha vải thiều. Ông Lưu Anh Đức, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn cho biết: “Trước đây một số hộ chưa tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất, sản phẩm có lô không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm quy định của quốc gia nhập khẩu và đã bị thu hồi mã số vùng trồng. Vì vậy, đơn vị đang tăng cường quản lý chặt chẽ 15 mã cơ sở đóng gói và 60 mã số vùng trồng hiện có đủ điều kiện xuất khẩu”.
Còn tại TX Chũ, trong phương án sản xuất vải thiều xuất khẩu, TX bố trí hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ 20 tổ hợp tác sản xuất vải thiều với tổng diện tích 200 ha theo Nghị quyết số 26 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023- 2030 để khuyến khích nông dân áp dụng kỹ thuật cao, tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng quả vải.
Để đưa vải thiều của tỉnh xuất ngoại, cùng với nỗ lực của các địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT đã cử đoàn công tác làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT để cập nhật các tiêu chuẩn, điều kiện đặt ra của các quốc gia nhập khẩu khó tính có giá trị thương mại cao như: Nhật Bản, Mỹ, EU, UAE, Canada, Singapore. Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ phụ trách công tác sản xuất vải thiều ở các vùng trọng điểm. Theo đó, khi xuất khẩu vải tươi, người trồng, hộ sản xuất, đóng gói phải đáp ứng các điều kiện khắt khe của quốc gia nhập khẩu về kiểm dịch thực vật; các thông tin trên bao bì phải được truy xuất nguồn gốc bảo đảm rõ ràng, minh bạch, chính xác. Năm nay, một số quốc gia yêu cầu thành viên tổ hợp tác cập nhật thường xuyên nhật ký chăm sóc cây trồng, cung cấp các chỉ số minh chứng sản phẩm đạt an toàn trước khi đóng gói.
Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin, tỉnh dự kiến hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho các đơn vị, tổ hợp tác sản xuất, đóng gói vải xuất khẩu. Trong đó 400 triệu đồng xây dựng nhà kho lạnh bảo quản sản phẩm; 3 mô hình sản xuất bao bì sản phẩm (200 triệu đồng/mô hình); hướng dẫn các thủ tục phân tích mẫu, chứng nhận sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ. Ngoài ra, đơn vị tăng cường kết nối với các doanh nghiệp lớn về địa phương thu mua sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, đã có 5 doanh nghiệp, tập đoàn đăng ký thu mua vải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ và EU với sản lượng hàng trăm tấn trong vụ vải thiều năm 2025...
Ý kiến bạn đọc (0)