ĐBQH tỉnh Bắc Giang thảo luận ở tổ về 3 nội dung trong chương trình Kỳ họp thứ 7
BẮC GIANG - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 31/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về 3 nội dung trong chương trình kỳ họp.
Các nội dung gồm: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến chủ trì tổ thảo luận số 4. |
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì tổ thảo luận số 4 gồm ĐBQH thuộc các đoàn: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Bắc Giang và Kon Tum.
Tham gia góp ý vào 3 dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ sự đồng tình với nội dung tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội; đề nghị Quốc hội tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH và thông qua những Nghị quyết trên.
Phát biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 là đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và đúng thẩm quyền nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật; góp phần khơi thông nguồn lực; tạo đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW, có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Trần Văn Lâm phát biểu ý kiến. |
Về nội dung thí điểm thành lập khu thương mại tự do ( Điều 13), đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ sự đồng tình và nhận định rằng, đây là mô hình đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do là chủ trương lớn có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý; đồng thời là chính sách mang tính đột phá và cũng là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của TP Đà Nẵng và Chính phủ trong áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới.
Theo đại biểu, nếu việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do được thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển KT - XH của TP Đà Nẵng và của cả vùng, việc thí điểm mang ý nghĩa đặt nền móng cho việc hình thành chính sách mới trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
Đối với nội dung dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ sự quan tâm và nhất trí cao đối với nội dung quy định: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An”. Đại biểu cho rằng việc áp dụng chính sách này sẽ góp phần tăng cường nguồn lực cho tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An.
Một nội dung nữa trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Đoàn Bắc Giang quan tâm đó là chính sách cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách T.Ư cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn miền Tây Nghệ An, chính sách này nếu được thực hiện thì mỗi năm ngân sách tỉnh Nghệ An sẽ được bổ sung thêm khoảng 900 tỷ đồng. Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng miền Tây Nghệ An là địa bàn đặc biệt khó khăn, đầu tư hạ tầng còn hạn chế, đây còn là địa bàn quan trọng, nhạy cảm về chính trị, quốc phòng, an ninh, vì vậy đề nghị Quốc hội thông qua chính sách trên để bổ sung nguồn lực cho tỉnh Nghệ An trong đầu tư phát triển miền Tây của tỉnh này.
Góp ý kiến vào nội dung phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, đại biểu Trần Văn Lâm nhất trí nội dung dự thảo Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 gồm: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.713.786 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.897.453 tỷ đồng; Bội chi ngân sách nhà nước là 293.336 tỷ đồng, bằng 3,07% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong lập, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Lập dự toán chi ngân sách nhà nước bảo đảm sát, đúng yêu cầu và khả năng thực hiện. Quan tâm, chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư, lập, phân bổ, giao dự toán, tổ chức, triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Đẩy nhanh công tác thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán các chương trình, dự án đã được chỉ ra trong báo cáo số 45/BC-KTNN ngày 22/5/2024 của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo thẩm tra số 2096/BC-UBTCNS15 ngày 29/5/2024 của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.
Tiến Hòa
Ý kiến bạn đọc (0)