Đa dạng nguồn lực hỗ trợ nạn nhân da cam
Nhiều hoạt động giúp đỡ, sẻ chia
Không chỉ chịu đựng những cơn đau, di chứng CĐDC khiến thương binh - nạn nhân CĐDC/dioxin Trần Đình Tấn (SN 1953) ở thôn Đền Cô, xã Tam Hiệp (Yên Thế) mất đi khả năng lao động, phải điều trị tốn kém.
![]() |
Lãnh đạo Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Yên Dũng tặng quà nạn nhân CĐDC. |
Ngắm nhìn ngôi nhà mới rộng 120m2 vừa khánh thành cách đây hai tuần, ông Tấn rưng rưng nước mắt: “Tôi sức khỏe đã kém, vợ cũng đau ốm, cả hai đều phải thuốc thang thường xuyên khiến kinh tế gia đình càng eo hẹp. Ngôi nhà xây cách đây 40 năm, xuống cấp nghiêm trọng. Nhờ sự giúp đỡ của người thân, các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm mà vợ chồng tôi có ngôi nhà mới kiên cố. Đây là nguồn động viên, cổ vũ to lớn để gia đình vượt qua khó khăn”.
Chia sẻ với hoàn cảnh của ông Tấn, trước đó, Ban liên lạc Truyền thống Cựu chiến binh Quân giải phóng miền Đông Nam Bộ tỉnh, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã vận động, hỗ trợ gần 70 triệu đồng kinh phí xây nhà tình nghĩa.
Người dân ở tổ dân phố số 6, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) thương cảm trước hoàn cảnh của anh Ong Văn Sơn (SN 1975) và người chị ruột (SN 1973). Hai chị em anh Sơn là thế hệ thứ hai bị ảnh hưởng của CĐDC với những di chứng nặng nề. Dù phải chịu những cơn đau đầu dày vò mỗi khi trái gió trở trời nhưng may mắn hơn chị gái của mình, anh Sơn vẫn có khả năng nhận thức. Thế nhưng anh Sơn chỉ thấp bé như đứa trẻ hơn 10 tuổi, khuôn mặt khắc khổ như một ông lão.
Người chị gái không có khả năng nhận thức và không kiểm soát được bản thân. Cha mẹ anh lần lượt qua đời nên hai chị em chỉ biết trông vào hơn 3 triệu đồng tiền trợ cấp để sống qua ngày. Trước hoàn cảnh éo le đó, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Yên Dũng thường xuyên quan tâm, vận động các nguồn hỗ trợ, thăm, tặng quà hai nạn nhân nhằm bù đắp một phần nỗi đau mà họ đang gánh chịu.
Vừa qua, anh Sơn được Hội kết nối với một tổ chức y tế quốc tế để khám bệnh, làm hồ sơ xét điều trị bệnh về não miễn phí. Giờ đây, anh chỉ mong được chữa bệnh và tìm một công việc phù hợp để có thêm thu nhập nuôi dưỡng người chị.
Những hệ lụy mà CĐDC đem đến cho hàng nghìn cựu chiến binh quê Bắc Giang vẫn đang hiện hữu từng ngày, từng giờ và qua các thế hệ con, cháu của họ.
Những năm qua, việc chăm lo, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân bị phơi nhiễm CĐDC trên địa bàn tỉnh được hội nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức như: Tặng quà vào các dịp lễ, tết, nhắn tin gây quỹ ủng hộ, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, học bổng, tư vấn chăm sóc sức khỏe và tặng thuốc.
Một số đơn vị điển hình trong công tác chăm lo cho nạn nhân da cam là: Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Duy Anh, Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam, Công ty Sữa Newzealand, Công ty cổ phần Sự kiện Cường An, Công ty cổ phần Y Dược Lan Q, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Thượng tọa Tự Tục Vinh - trụ trì chùa Bổ Đà.
Những việc làm nghĩa tình này là nguồn động lực giúp các nạn nhân có thêm niềm tin, sức mạnh vượt qua bệnh tật.
Nghĩa tình, trách nhiệm với nạn nhân da cam
Toàn tỉnh có hơn 6,1 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng chế độ trợ cấp, trong đó nạn nhân trực tiếp có hơn 4,5 nghìn người và gián tiếp có gần 1,6 nghìn người. Dù được Nhà nước quan tâm, các gia đình đã nỗ lực lao động sản xuất nhưng bất hạnh vẫn luôn đeo đẳng biết bao cuộc đời.
Để có thêm kinh phí hỗ trợ nạn nhân, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh cùng với các cấp hội đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phối hợp với đơn vị, địa phương vận động nguồn lực. 6 tháng đầu năm, các cấp hội vận động hỗ trợ đời sống và xây dựng chân quỹ, quỹ nạn nhân CĐDC/dioxin toàn tỉnh đạt gần 14 tỷ đồng.
Toàn tỉnh có hơn 6,1 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp hằng tháng. 6 tháng đầu năm, các cấp hội vận động nguồn lực giúp đỡ chăm sóc nạn nhân da cam trị giá gần 7,9 tỷ đồng. |
Trong đó, vận động xây dựng quỹ, chân quỹ của các cấp hội là hơn 6,1 tỷ đồng, giúp đỡ chăm sóc nạn nhân da cam gần 7,9 tỷ đồng. Các địa phương điển hình về công tác này là huyện Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Ngạn và TP Bắc Giang.
Với tinh thần đoàn kết - nghĩa tình - trách nhiệm vì nạn nhân CĐDC, từ đầu năm đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Tân Yên đã triển khai nhiều hình thức vận động. Theo ông Nguyễn Ngọc Trịnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Tân Yên, để chăm sóc, giúp đỡ được nhiều nạn nhân thì việc xây dựng quỹ là nhiệm vụ quan trọng.
Các cấp hội cơ sở tích cực vận động hội viên đóng góp xây dựng quỹ để hỗ trợ hội viên, nạn nhân hoàn cảnh khó khăn khi ốm đau, có nhu cầu vay vốn sản xuất. Nhờ quyết liệt vào cuộc, từ đầu năm đến nay, tổng quỹ hội các cấp của huyện đạt hơn 800 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, nhiều hội viên được hỗ trợ kịp thời.
Tại TP Bắc Giang, các cấp hội đẩy mạnh phong trào Hành động vì nạn nhân CĐDC thông qua công tác vận động cộng đồng. Từ đó tạo sự lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân ở địa phương. 6 tháng đầu năm, các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 600 suất quà trị giá khoảng 170 triệu đồng tặng các hội viên hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi nguồn hỗ trợ, mở rộng tới các tổ chức, cá nhân hảo tâm nước ngoài nhằm xây dựng nguồn quỹ nạn nhân da cam ngày một lớn mạnh.
Bà Ma Thị Thìn Nga, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh cho biết: Hội xây dựng kế hoạch đa dạng các hình thức vận động nguồn lực và phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát kỹ đối tượng khó khăn để kịp thời giúp đỡ.
Trong chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân sẽ ưu tiên các biện pháp mang tính bền vững như hỗ trợ sửa chữa nhà ở, vốn sản xuất, con giống, phương tiện sinh kế để gia đình nạn nhân phát triển kinh tế. Quan tâm chăm sóc sức khoẻ, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên, con em của nạn nhân CĐDC .
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)