San sẻ nỗi đau da cam
Cấp ủy tích cực vào cuộc
Toàn tỉnh có hơn 7 nghìn người bị nhiễm CĐDC, trong đó 6,1 nghìn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng (nạn nhân trực tiếp là 4,5 nghìn người, còn lại là gián tiếp). Trở về sau chiến tranh, nhiều cựu binh sức khỏe yếu, kinh tế gia đình khó khăn. Nhiều gia đình có thế hệ thứ hai, thứ ba bị di chứng chất độc hóa học.
Ông Khổng Việt Phong (bên phải) chia sẻ niềm vui ở ngôi nhà mới với cán bộ Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Lạng Giang. |
Ông Thân Văn Nhau, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh cho biết, chia sẻ với khó khăn trong đời sống của các gia đình nạn nhân CĐDC, những năm gần đây Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt bằng các quyết sách cụ thể, huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội các cấp.
Tiêu biểu là Chỉ thị số 43, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Quyết định số 2215, ngày 28/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả chất độc hóa học giai đoạn 2021- 2030.
Tại Bắc Giang, cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực chỉ đạo cơ quan chức năng bảo đảm chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ trợ cấp hằng tháng cho các đối tượng. Năm 2020, qua rà soát, bình xét từ cơ sở, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các huyện, TP đã lập danh sách, địa chỉ cùng thông tin của 130 gia đình hội viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giới thiệu cho cấp ủy, chính quyền và các doanh nghiệp xem xét có phương án hỗ trợ.
Đáp ứng nhu cầu thực tế của từng gia đình, chỉ trong 5 tháng (từ tháng 5 đến 10/2020), 30 gia đình được hỗ trợ xây, sửa nhà ở; còn lại được tặng sinh kế phát triển sản xuất; tặng xe lăn, thẻ bảo hiểm y tế, đào tạo nghề...
Ông Phạm Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: "Sau khi xem xét hoàn cảnh của từng trường hợp, huyện quyết định huy động từ ngân sách và xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, Hội đồng hương Hiệp Hòa ở các tỉnh, TP chung tay với mục tiêu không để gia đình hội viên nào vì khó khăn mà bị bỏ lại phía sau.
Chỉ trong thời gian ngắn, 1 gia đình ở thôn Ngọ Khổng, xã Châu Minh được hỗ trợ xây nhà trị giá hơn 100 triệu đồng; 7 hội viên khác được tặng xe lăn phục vụ sinh hoạt. Hầu hết các gia đình hội viên đã có đời sống ổn định".
Phong trào mạnh, hội viên gắn kết
Do có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp giữa các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh, hoạt động của các cấp hội nạn nhân CĐDC/dioxin không ngừng phát triển. Ngoài đối tượng là nạn nhân trực tiếp, gián tiếp, Hội còn mở rộng đối tượng kết nạp hội viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thành lập Chi hội tại Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Dù chịu tác động lớn bởi dịch Covid-19 song từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã vận động gần 17,4 nghìn suất quà, 62 xe lăn, 8 ngôi nhà tình nghĩa, 14 suất học bổng, khám chữa bệnh cho hơn 400 người với tổng giá trị tiền và hiện vật gần 7,8 tỷ đồng. |
Đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 18,3 nghìn hội viên; 10 huyện, thành hội, 1.302 chi hội. Mới đây, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh tổ chức lễ ra mắt Chi hội Chăm sóc giúp đỡ nạn nhân CĐDC thuộc văn phòng tỉnh hội gồm 12 thành viên. Ngay trong buổi lễ, cán bộ, hội viên đã tự nguyện dành một phần thu nhập ủng hộ gần 7 triệu đồng vào Quỹ Vì nạn nhân CĐDC của tỉnh.
Từ năm 2005 đến nay, Quỹ Nạn nhân da cam tỉnh đã quyên góp được hơn 70 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh vận động gần 17,4 nghìn suất quà, 62 xe lăn, 8 ngôi nhà tình nghĩa, 14 suất học bổng, khám chữa bệnh cho hơn 400 người với tổng giá trị tiền và hiện vật quy đổi gần 7,8 tỷ đồng. Chân quỹ và Quỹ Chăm sóc nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp đạt hơn 6,1 tỷ đồng.
Trong căn nhà cấp bốn mới xây dựng đầu năm nay, ông Khổng Việt Phong (SN 1949), thôn Đầu Cầu, xã Yên Mỹ (Lạng Giang) xúc động kể, ngôi nhà rộng 110 m2, kinh phí xây dựng hơn 250 triệu đồng. Trong đó, cá nhân Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam hỗ trợ 50 triệu đồng, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Lạng Giang giúp 10 triệu đồng, số còn lại do gia đình đối ứng và nhân dân địa phương hỗ trợ. Ông Phong nhập ngũ năm 1966, chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam- Đà Nẵng.
Ngày 30/7/1971, ông bị quân ngụy bắt, đánh đập dã man rồi giam cầm tại nhà tù Phú Quốc đến tháng 3/1973 mới được trao trả. Trở về địa phương, ông xây dựng gia đình rồi lần lượt sinh 5 người con. Niềm vui chẳng được trọn vẹn khi 2 con đau ốm liên miên rồi qua đời; con trai cả bị ảnh hưởng của chất độc hóa học. Được các cấp hội quan tâm, từ nay vợ chồng ông Phong yên tâm ở trong ngôi nhà mới.
Theo báo cáo từ các cơ sở hội, hiện vẫn còn 749 người chưa được hưởng trợ cấp là con, cháu của nạn nhân bị di chứng CĐDC; 203 hồ sơ tồn đọng chưa được giải quyết chế độ. Nhiều hội viên tuổi cao, sức khỏe mỗi ngày một yếu. Vì vậy, việc chăm lo, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân bị phơi nhiễm CĐDC trên địa bàn rất cần được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm, các cấp hội nạn nhân CĐDC/dioxin trong, ngoài tỉnh quan tâm.
Theo lãnh đạo Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, Hội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng quan tâm tháo gỡ khó khăn về hồ sơ, thủ tục, sớm giải quyết chế độ chính sách cho hội viên được hưởng quyền lợi chính đáng. Cùng đó, huy động tối đa các nguồn lực, củng cố tổ chức hội để thực hiện tốt vai trò chăm lo đời sống hội viên.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)