Cơ sở mầm non ngoài công lập: Quan tâm đời sống giáo viên, thu hút học sinh
Tuyển thêm giáo viên
Thời điểm này, tất cả cơ sở mầm non trên địa bàn tỉnh đã trở lại hoạt động bình thường. Toàn tỉnh Bắc Giang có 312 cơ sở mầm non ngoài công lập đang thu hút hơn 5,3 nghìn học sinh. Phần lớn các trường đều được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, chú trọng lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp với từng nhóm trẻ.
Giờ học của cô và trò Trường Mầm non quốc tế VShool Bắc Giang. |
Hệ thống mầm non tư thục đã hỗ trợ tích cực trong việc giảm tình trạng quá tải cho các trường mầm non công lập trong bối cảnh tăng dân số cơ học ở các đô thị, khu công nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GD&ĐT, mặc dù đã trở lại hoạt động bình thường nhưng hệ thống giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh vẫn khó thu hút nhân lực, ít học sinh. Nhiều trường mầm non dân lập, nhóm trẻ tư thục vẫn đóng cửa hoặc phải giải thể.
Đến nay, huyện Việt Yên có 56 cơ sở mầm non ngoài công lập. Dù đã mở cửa nhưng tất cả các cơ sở đều thiếu nhân lực và khó tuyển mới. Trong thời gian nghỉ dịch, nhiều giáo viên chuyển sang làm công việc khác để kiếm sống, nhất là giáo viên ở gần các khu, cụm công nghiệp đã chuyển sang làm công nhân. Nay các trường mở cửa đón học sinh nhưng thu nhập của giáo viên mầm non tư thục vẫn ở mức thấp, công việc vất vả nên ít người quay lại với nghề.
Từ tháng 4/2022, Trường Mầm non quốc tế VSchool Bắc Giang, ở xã Hồng Thái (Việt Yên) mở cửa trở lại. Quy mô của trường có thể tiếp nhận 300 học sinh nhưng hiện mới có 160 em ở 10 nhóm lớp. Cô giáo Trần Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mọi hoạt động dạy và học đã trở lại bình thường. Nhà trường bố trí 27 giáo viên trực tiếp giảng dạy, 3 xe tuyến đưa đón học sinh.
Thời điểm này rất khó tuyển giáo viên mới nên Ban quản lý trường dành nhiều chính sách đãi ngộ để giữ chân giáo viên làm việc lâu dài như: Chi trả một phần thu nhập trong những thời điểm tạm thời đóng cửa, hỗ trợ giáo viên bị nhiễm Covid-19, chi các khoản thu nhập tăng thêm cho giáo viên. Thu nhập trung bình của người lao động tại đây từ 6-7 triệu đồng/tháng.
Hiện toàn tỉnh thu hút 84% học sinh mầm non đến lớp so với trước khi xảy ra dịch bệnh. Một số địa bàn như TP Bắc Giang, các huyện Yên Dũng, Lục Nam mới đạt tỷ lệ từ 74-76% học sinh quay trở lại lớp. Bởi vậy, thu nhập của giáo viên mầm non ngoài công lập vẫn ở mức thấp.
Nỗ lực vượt khó
Qua rà soát sơ bộ, hơn 2 năm qua, toàn tỉnh có 98 giáo viên mầm non tư thục đã nghỉ việc chuyển sang làm công nhân ở các khu, cụm công nghiệp. Nhiều cơ sở mầm non có bề dày hoạt động theo chuỗi ở nhiều tỉnh, TP cũng điêu đứng vì phải bù lỗ trong thời gian dài. Như hệ thống mầm non Lá phong xanh đã có 25% giáo viên nghỉ việc.
Khi mất đi đội ngũ mà nhà trường dày công đào tạo, việc khôi phục rất khó khăn và mất nhiều thòi gian bởi công việc của một giáo viên mầm non đòi hỏi rất nhiều kỹ năng mới bảo đảm chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Một số đơn vị từng được đánh giá cao về công tác chăm sóc, giáo dục trẻ cũng phải giải thể như: Cơ sở mầm non Nắng Mai, xã Song Mai; cơ sở mầm non Đồ rê mí, phường Hoàng Văn Thụ, cơ sở mầm non Hoa hướng dương, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang)…
Toàn tỉnh có 36 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải giải thể, trong đó TP Bắc Giang có 12 cơ sở, Hiệp Hòa 6 cơ sở, Yên Dũng 5 cơ sở…
Chị Nguyễn Thị Dung, nguyên là giáo viên cơ sở mầm non Hoa Hồng, xã tân Mỹ (TP Bắc Giang) vừa giải thể tháng 11/2021 nói: "Cơ sở đóng cửa, tôi buộc phải nghỉ việc mặc dù rất tiếc nuối do đã gắn bó với nghề cả chục năm. Giờ tôi vào làm ở khu công nghiệp Vân Trung, lương cũng tạm ổn. Nay nhiều cơ sở mầm non hoạt động trở lại nhưng công việc hiện tại ổn định, nếu xin nghỉ cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp nên tôi quyết định không theo nghề giáo nữa".
Với giáo viên mầm non ngoài công lập, trường đóng cửa là thất nghiệp nên phần lớn phải tỏa đi các nơi kiếm việc làm để mưu sinh. Có người chỉ làm tạm thời để chờ ngày quay lại trường nhưng nhiều người tìm được công việc có thu nhập cao hơn đã nghỉ hẳn. Bởi vậy, các cơ sở mầm non ngoài công lập đang trong tình trạng thiếu nhân lực.
Từ khi diễn ra đại dịch đến nay, toàn tỉnh có 36 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải giải thể, trong đó TP Bắc Giang có 12 cơ sở, Hiệp Hòa 6 cơ sở, Yên Dũng 5 cơ sở... Một số đơn vị từng được đánh giá cao về công tác chăm sóc, giáo dục trẻ cũng phải giải thể như: Cơ sở mầm non Nắng Mai, xã Song Mai; cơ sở mầm non Đồ rê mí, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang)… |
Để giáo viên gắn bó với nghề, nhiều cơ sở đã huy động mọi nguồn lực chi trả chế độ cho thầy, cô giáo bảo đảm cuộc sống. Như cơ sở mầm non Hoa mười giờ, ở phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) để thu hút học sinh và giữ chân giáo viên, nhà trường đã hỗ trợ giáo viên trong những thời điểm nghỉ dịch và giữ mối liên hệ với phu huynh học sinh thông qua các nhóm trực tuyến, ưu đãi giảm học phí, bổ sung thêm trang thiết bị.
Cô giáo Nguyễn Thị Quyên, Hiệu trưởng cho biết: Hơn 2 năm qua nguồn thu từ học phí giảm nhưng nhà trường vẫn phải vay vốn và sử dụng nguồn quỹ kết dư từ những năm trước để chi trả tiền thuê mặt bằng, đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ mức lương cơ bản cho giáo viên trong thời gian nghỉ dịch.
Nhằm thu hút nhân lực, hiện nay đơn vị tăng các khoản trợ cấp cho giáo viên. Nhiều người đã nghỉ việc trong thời gian dừng hoạt động giờ quay trở lại tiếp tục giảng dạy. Trường hiện có 150 trẻ, đạt 90% so với thời điểm trước khi có đại dịch.
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, lập danh sách hỗ trợ 248 người lao động trong hệ thống mầm non tư thục bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Hiện các trường ngoài công lập đều có phương án đào tạo bổ sung nhân lực, thu hút học sinh. Ngay sau khi mở cửa, các cơ sở đã đăng thông tin tuyển dụng, đồng thời phối hợp với các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành giáo dục mầm non để tuyển nhân lực. Trước mắt, các cơ sở tập trung thu hút học sinh, ổn định nguồn thu, từng bước nâng mức chi trả lương và các khoản thu nhập cho giáo viên bảo đảm cuộc sống ổn định.
Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thời gian tới, Sở đề xuất với Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng để các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập có thể sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, trang thiết bị phòng, chống dịch nhằm phục hồi hoạt động hiệu quả.
Bài, ảnh: Duy Minh
Ý kiến bạn đọc (0)